Bỏ lỡ cơ hội cải cách
Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 với chủ đề “Bơi trong dòng xoáy”, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, tình hình kinh tễ vẫn còn khó khăn. Theo đó, muốn thúc đẩy tăng trưởng, phát triển doanh nghiệp thì yếu tố cải cách bên trong mới là mấu chốt.
“Thông thường, mỗi lúc khó khăn ở bên ngoài thì bên trong có một động lực rất mạnh để cải cách, để thay đổi. Nhưng đáng tiếc rằng thời điểm hiện nay, tuy Chính phủ, Thủ tướng có nhiều chỉ đạo nhưng trên thực tế, tôi không nhìn thấy những cải cách để bù đắp được khó khăn từ bên ngoài”, ông Cung nói.
Về chính sách tài khóa, ông Cung cho rằng “chúng ta đang sử dụng quá ít chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp, thậm chí chúng ta đang làm tăng chi phí cho doanh nghiệp”, ông nói. Ví dụ, chương trình phục hồi doanh nghiêp với số vốn rất lớn nhưng việc triển khai, giải ngân chỉ được một tỷ lệ rất thấp. Đó là vấn đề cần phải mổ xẻ.
Theo ông Cung, trong lúc doanh nghiệp đang thiếu vốn thì chính sách tài khóa sẽ kích cầu tốt hơn chính sách tiền tệ. Do đó, những thứ ngân sách vẫn chiếm dụng của doanh nghiệp như thuế giá trị gia tăng (VAT), cần hoàn lại cho doanh nghiệp thật nhanh, đồng thời kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm thuế VAT. Chỉ có như thế thì cầu của nền kinh tế mới có thể tăng lên.
“Dự báo khó khăn còn đến 2024, tôi mong Chính phủ duy trì việc giảm, miễn thuế VAT đến hết năm 2025 để kích cầu”, ông Cung kỳ vọng.
Vấn đề quan trọng hơn cả, theo ông Cung là cải cách môi trường kinh doanh. Trong bối cảnh khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí, giảm rào cản tạo nên sự an toàn, ít rủi ro hơn trong hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp.
“Thời gian gần đây không có những thứ như thế, thậm chí có những thứ tạo nên nhiều rủi ro hơn, nhiều chi phí, nhiều bất định hơn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Cung nhấn mạnh.
Dẫn chứng, ông cho biết các quy định về tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy (PCCC) là một quy định động chạm đến tất cả các ngành trong nền kinh tế. Điều này làm tăng chi phí tuân thủ ở mức cực kỳ cao và mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã lên tiếng rất nhiều nhưng vẫn không thay đổi.
“Thực trạng này gây bức xúc không chỉ cho doanh nghiệp trong nước mà cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài”, ông Cung nêu.
Tiếp theo, đề cập đến vấn đề thủ tục hành chính kéo dài do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận công chức, ông Cung cũng cho rằng điều này đã làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp mất thêm chi phí do thủ tục kéo dài nhưng vẫn không dự đoán được công việc của mình có giải quyết được hay không”, ông Cung nêu.
Ông Cung cho rằng, không thể giải quyết ngay được tất cả mọi vấn đề, nhưng có thể chọn một số vấn đề để thực hiện ngay. Ví dụ là hoàn thuế VAT vì doanh nghiệp rất cần vốn. Ngân sách hiện nay không nên bàn đến chuyện tăng thu và không giao chỉ tiêu tăng thu ngân sách.
Lãi suất cao… khủng khiếp
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, lãi suất tiền gửi của Việt Nam đã giảm khá nhanh nhưng lãi suất cho vay vẫn còn khá cao.
“Một người bạn của tôi vay của một ngân hàng khá tên tuổi để đầu tư vào điện mặt trời với lãi suất 17%/năm và tới đây ngân hàng có hứa sẽ giảm xuống 15%”, ông Nghĩa nói và cho biết lãi suất thực (trừ đi lạm phát) còn tới 10% thì “không nước nào trên thế giới có lãi suất cao khủng khiếp như vậy”.
Tại sao lãi suất lại như vậy? Ông Nghĩa hỏi và trả lời rằng vì NHNN sự lo ngại sự biến động khó lường của tỷ giá. Tuy vậy, theo chuyên gia này, áp lực tỷ giá thời gian tới không quá lớn dựa vào 3 yếu tố.
Thứ nhất, đồng USD sẽ không tăng, thậm chí còn giảm. Thứ hai, giá hàng hóa của thế giới nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tăng, đặc biệt là nhiên liệu, nhưng áp lực này cũng không quá lớn và Bộ Tài chính vẫn còn dư địa để can thiệp (thuế, phí xăng dầu). Thứ ba, cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn dương (+). 6 tháng qua, thặng dư thương mại lớn, NHNN có thể mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối quốc gia.
Ông Nghĩa cho rằng đây là các yếu tố cho thấy áp lực tỷ giá thời gian tới không còn nguy hiểm và tỷ giá năm 2023 - 2024 sẽ duy trì ổn định.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nhiều khả năng cuối năm nay FED dừng tăng lãi suất và có thể điều chỉnh giảm lãi suất từ cuối năm sau. Châu Âu cũng có thể dừng việc tăng lãi suất từ cuối năm nay do lạm phát giảm nhanh hơn dự đoán. Do đó, đây là cơ hội để NHNN giảm thêm lãi suất mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Nghĩa cho hay, về điều kiện tín dụng thì có tài sản thế chấp và khả năng trả nợ. Trong bối cảnh khủng hoảng, tất cả các nước “lùi” yếu tố tài sản thế chấp và tập trung vào khả năng trả nợ, hiệu quả dự án.
“Nhưng ở Việt Nam chúng ta thì không, làm gì thì làm cũng phải có tài sản thế chấp. Có doanh nghiệp xuất khẩu thức ăn chay sang châu Âu, năm ngoái doanh thu 10 tỉ đồng, năm nay đơn đặt hàng lên 15 tỉ đồng, nhưng khi doanh nghiệp ra trình đơn đặt hàng cho ngân hàng thì ngân hàng không cho vay thêm vì tài sản thế chấp vẫn chỉ có vậy”, ông Nghĩa chia sẻ.
Theo ông Nghĩa, trong giai đoạn phục hồi, ngân hàng cần thẩm định tính hiệu quả dự án, khả năng trả nợ trong tương lai chứ không chỉ nhìn vào tài sản thế chấp.