Lãi suất cho vay thả nổi vẫn cao
Thời gian vừa qua, nhiều ngân hàng tung ra các gói cho vay mua nhà với chính sách hấp dẫn. Tuy nhiên theo khảo sát thực tế, lãi suất cho vay mua nhà chỉ thấp trong thời gian ưu đãi, sau đó lãi suất thả nổi sẽ vẫn neo ở mức cao.
Đơn cử như BVBank, trên website của ngân hàng có giới thiệu gói vay mua tài sản tích lũy và đưa ra bảng tính toán sơ bộ khoản gốc và lãi phải trả hàng tháng. Theo đó, lãi suất cho vay trong năm đầu tiên là 8,4%/năm, nhưng lãi suất cho vay thả nổi kể từ tháng thứ 13 trở đi là 14,8%/năm.
Ngân hàng ACB cũng tung ra gói cho vay mua nhà với lãi suất 7%/năm, áp dụng trong thời gian ưu đãi. Tuy nhiên, để hưởng mức lãi suất hấp dẫn này, người mua nhà phải mua gói bảo hiểm. Hết ưu đãi, mức lãi suất thả nổi được tính bằng lãi suất cho vay cơ sở cộng với biên độ khoảng hơn 3%/năm. Theo nhân viên tín dụng của ngân hàng này ước tính, lãi suất thả nổi rơi vào khoảng hơn 10 - 11%/năm.
Tương tự, TPBank đang áp dụng lãi suất cho vay 7,8%/năm trong vòng 12 tháng đầu tiên. Từ tháng thứ 13, lãi suất thả nổi tính bằng lãi suất cơ sở cho vay cộng biên độ lãi suất 3,3%/năm. Khi đó, lãi suất thả nổi ước tính trên 12%/năm.
Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, Agribank hiện tung ra gói cho vay lãi suất 6%/năm áp dụng cho 24 tháng đầu tiên. Kể từ năm tiếp theo, lãi suất thả nổi được tính bằng lãi suất tiền gửi cá nhân ở kỳ hạn dài cộng với biên độ 4%/năm. Ước tính lãi suất thả nổi của ngân hàng này dao động trên 10%/năm.
Tương tự, BIDV cũng áp dụng lãi suất cho vay 6%/năm áp dụng cho 24 tháng đầu tiên. Lãi suất thả nổi được tính bằng lãi suất tiền gửi cá nhân 24 tháng tại BIDV cộng với biên độ 4%/năm và không thấp hơn thông báo lãi suất của BIDV trong từng thời kỳ. Tuy nhiên, phía ngân hàng này cũng thông báo, lãi suất cho vay thả nổi sẽ điều chỉnh 6 tháng một lần.
Trong khi đó, đối với nhóm ngân hàng nước ngoài, mức lãi suất cho vay thả nổi dao động ở mức thấp hơn. Đơn cử như Wooribank tung ra gói cho vay mua nhà ưu đãi lãi suất từ 5,5 - 6,4%/năm áp dụng cho khoản vay cố định từ 6 tháng đến 3 năm. Hết ưu đãi, lãi suất thả nổi được tính bằng trung bình lãi suất tiết kiệm của 4 ngân hàng Big 4 (Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank) cộng với biên độ 4%/năm. Ước tính lãi suất thả nổi của ngân hàng này ở mức 9 - 10%/năm.
ShinhanBank cũng áp dụng lãi suất cho vay mua nhà 5,9%/năm cho gói vay ưu đãi 12 tháng và 7,3%/năm áp dụng với gói vay ưu đãi 36 tháng. Lãi suất thả nổi của ngân hàng này ước tính 9 - 10%/năm.
Cần hạ lãi suất cho vay mua nhà
Lãi suất cho vay mua nhà được đánh giá là đang ở ngưỡng thấp đối với lãi suất trong thời gian ưu đãi, nhưng lãi suất cho vay thả nổi thực tế còn biến động và chênh lệch giữa các ngân hàng. Một số chuyên gia dự báo, trong thời gian tới, khi lãi suất tiết kiệm vẫn không ngừng tăng, lãi suất cho vay mua nhà có thể sẽ tăng từ nay đến cuối năm.
Ông Lê Quốc Kiên, chuyên gia tư vấn tài chính và bất động sản độc lập thừa nhận, người mua nhà bị hấp dẫn bởi mức lãi suất ưu đãi. Thế nhưng, gói vay mua nhà thường có thời hạn 10 - 15 năm hay 20 năm. Như vậy, khoảng thời gian mà người mua nhà phải chịu khoản lãi suất thả nổi rất lớn.
Vì thế, ông Kiên khuyến nghị: "Để an toàn, người mua nhà chỉ nên dành tối đa 50% thu nhập để đóng tiền ngân hàng. Ngoài ra, rủi ro lớn nhất của người vay là sụt giảm thu nhập ngoài kế hoạch, dẫn đến không có tiền trả ngân hàng, từ đó rơi vào nhóm nợ xấu và tệ nhất là bị phát mãi tài sản xử lý nợ".
Báo cáo mới đây của PropertyGuru Việt Nam ghi nhận, mức lãi suất thả nổi là nguyên nhân chính bên cạnh giá nhà tăng quá mạnh, khiến người mua nhà lo ngại áp lực tài chính. Một khảo sát tâm lý người dùng bất động sản của đơn vị này cũng ghi nhận hơn 50% người tham gia khảo sát cho rằng lãi suất vay mua nhà dưới 8% là hợp lý, 29% chấp nhận mức lãi suất 8 - 10%, và chỉ 10% chấp nhận đi vay với lãi suất 10 - 13% (tính theo mức thả nổi). Đáng chú ý, hầu hết người đang đi vay mua nhà đều thông tin, họ vẫn đang phải vay với lãi suất trung bình trên 11,5 - 13%.
Đặc biệt, với diễn biến tăng của lãi suất tiết kiệm, không ít người mua nhà lo ngại vì mức lãi suất thả nổi có thể tăng. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, lãi suất cho vay mua nhà tăng có thời gian trễ so với lãi suất gửi tiết kiệm. Ông Hiếu dự đoán rằng, lãi suất cho vay mua nhà tại Việt Nam khó tăng mạnh trong thời gian tới, đồng thời cũng đề xuất, nếu muốn thúc đẩy thanh khoản giao dịch nhà đất thì cần hạ lãi suất cho vay mua nhà, đặc biệt là vấn đề lãi suất thả nổi.
Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 mới đây, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, trong đó tập trung vào hạ lãi suất cho vay.
Theo ông Tú, tăng trưởng tín dụng sẽ giúp mở rộng đầu tư, từ đó góp phần tăng trưởng nền kinh tế. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung hạ lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay những khoản mới trung bình hiện nay là 6,23%, giảm 0,86% so với cuối năm ngoái. Lãi suất huy động là 3,84%, tăng 0,23%, ở mức nhỏ với một số ngân hàng thương mại nhỏ.
Với động thái này của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay mua nhà cũng được kỳ vọng sẽ giảm đáng kể để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với giấc mơ an cư./.