Aa

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Tiếp tục giảm lãi suất cho vay với người mua nhà

Chủ Nhật, 08/09/2024 - 06:00

Trước tình hình gói tín dụng 120.000 tỷ đồng thuộc chương trình cho vay nhà ở xã hội giải ngân chậm khiến người dân, doanh nghiệp phàn nàn, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo và được Chính phủ đồng ý đề xuất điều chỉnh Chương trình theo hướng nâng mức giảm lãi suất cho vay với người mua nhà. Nhưng vẫn cần thêm giải pháp để gói tín dụng này thực sự phát huy hiệu quả.

Việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng còn chậm

Trong văn bản số 220/BC-BXD báo cáo Thủ tướng về tình hình triển khai đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng còn chậm, số ngân hàng tham gia chưa nhiều. Một số chủ đầu tư không đảm bảo điều kiện dư nợ tín dụng, không có tài sản khác để thế chấp… nên không đủ điều kiện vay.

Tổng hợp báo cáo từ các địa phương, Bộ Xây dựng cho biết, trong giai đoạn từ 2021 đến nay cả nước có 619 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô hơn 560.000 căn. Tuy nhiên, mới có 79 dự án hoàn thành, 128 dự án khởi công xây dựng và 412 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Qua đó, tính đến cuối tháng 8/2024, tổng số căn hộ nhà ở xã hội được khởi công, hoàn thành đến nay mới đạt khoảng 35,6% mục tiêu đề án phát triển nhà ở xã hội, giai đoạn đến năm 2025. Quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội đang khoảng 9.757ha.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Tiếp tục giảm lãi suất cho vay với người mua nhà- Ảnh 1.

Nhà ở xã hội Evergreen Bắc Giang. (Ảnh: Báo Xây dựng)

Mới đây, cử tri nhiều tỉnh thành cũng đồng loạt đưa ra thắc mắc, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước về gói hỗ trợ tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng.

Theo đó, cử tri tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho biết kết quả kiểm tra, giám sát đối với gói 120.000 tỷ đồng, dành cho doanh nghiệp vay xây dựng nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ và người dân vay mua nhà đến nay thực hiện như thế nào?

Cử tri tỉnh Bình Định nêu lên nhiều khó khăn trong việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Như thời hạn vay ưu đãi ngắn, đối với người mua nhà 5 năm, chủ đầu tư dự án 3 năm; lãi suất chỉ thấp hơn từ 1,5 – 2%/năm so với lãi suất vay thông thường là vẫn tương đối cao. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người mua và doanh nghiệp được tiếp cận, các cử tri đề nghị hạ lãi suất, kéo dài thời hạn cho vay.

Còn cử tri TP. Hải Phòng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung thêm giải pháp hỗ trợ về thủ tục, lãi suất vay ngân, để những người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động thực sự có nhu cầu về nhà ở có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội.

Trả lời kiến nghị của cử tri các địa phương, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến tháng 6/2024, các ngân hàng thương mại đã giải ngân 1.344 tỷ đồng, tăng 646,67% so với cuối năm 2023. Vốn giải ngân là nguồn vốn huy động của người gửi tiền của các ngân hàng thương mại tham gia triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng. Chủ lực là bốn ngân hàng thương mại nhà nước Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank.

Ngân hàng Nhà nước cũng đồng tình, việc giải ngân gói 120.000 tỷ đồng đang chậm, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt do nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế.

Đơn cử, đến nay, cả nước mới có 34/63 tỉnh, thành phố công bố danh mục dự án nhà ở xã hội với tổng cộng 78 dự án; một số dự án gặp vướng mắc pháp lý về thủ tục về đầu tư, đất đai...

Ngoài ra, đa số người dân trên địa bàn thuộc khu vực nông thôn, có thu nhập thấp hoặc đối với công nhân trong các khu công nghiệp không có nhu cầu ở dài hạn nên chỉ có nhu cầu thuê, không có nhu cầu mua nhà ở xã hội.

Tiếp tục hỗ trợ lãi suất cho người dân và có cơ chế mới cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội

Trước tình hình gói vay vốn giải ngân chậm và người dân, doanh nghiệp phàn nàn về mức lãi suất đang khá cao, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã tích cực triển khai nhiều giải pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Cụ thể, mức lãi suất đã giảm dần qua 4 lần công bố lãi suất áp dụng đối với Chương trình. Hiện mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại áp dụng đối với khách hàng là chủ đầu tư dự án ở mức 7%/năm và đối với khách hàng là người mua nhà tại dự án ở mức 6,5%/năm (áp dụng từ ngày 01/07/2024 đến hết ngày 31/12/2024). Như vậy, lãi suất áp dụng đối với Chương trình đã giảm 1%/năm so với kỳ 1/1/2024 - 30/06/2024 và giảm gần 2%/năm so với thời điểm bắt đầu triển khai Chương trình.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo và được Chính phủ đồng ý đề xuất tiếp tục nâng mức giảm lãi suất cho vay đối với người mua nhà.

Theo đó, mức lãi suất giảm từ 2% lên 3% trong 5 năm đầu, 5 năm tiếp theo thấp hơn 1% đến 2%, so với lãi suất cho vay bình quân trung dài hạn VND của 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Đồng thời, đổi tên chương trình thành Chương trình cho vay nhà ở xã hội từ nguồn lực của ngân hàng thương mại.

Phía Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo khuyến khích các ngân hàng khác tham gia gói 120.000 tỷ đồng và xem xét giảm lãi suất và nâng thời hạn cho vay gói tín dụng này.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Tiếp tục giảm lãi suất cho vay với người mua nhà- Ảnh 2.

Cần tăng cường ưu đãi tài chính, như giảm lãi suất vay và kéo dài thời gian ưu đãi để thu hút cả chủ đầu tư và người mua nhà. (Ảnh minh họa)

Theo chuyên gia, điều tiên quyết là cần tăng cường ưu đãi tài chính, như giảm lãi suất vay và kéo dài thời gian ưu đãi để thu hút cả chủ đầu tư và người mua nhà. 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước nên tính toán cho người mua nhà ở thương mại có giá không quá 3 tỷ đồng/căn hộ được vay và các chủ nhà trọ được vay để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp nhà trọ cho công nhân, lao động thuê ở. Chính sách cho vay nên kéo dài từ 10-15 năm với lãi suất giảm và thời gian ưu đãi ổn định. Vì nếu ưu đãi không quá 5 năm, người nghèo không thể "gồng gánh" được.

Tuy vậy, ngay cả khi lãi suất của gói vay giảm hơn nữa thì nhiều người dân có mức thu nhập thực sự thấp, dưới ngưỡng chịu thuế cũng không thể mua. Do đó, hướng phát triển nhà ở xã hội cho thuê cần được thúc đẩy hơn nữa./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top