Aa

Lãi suất đã chạm đáy?

Thứ Ba, 16/03/2021 - 06:25

Một số ngân hàng rục rịch nâng lãi suất huy động, khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại phải chăng lãi suất thấp - yếu tố quan trọng hỗ trợ cho đà tăng của thị trường chứng khoán thời gian qua - sắp không còn.

Lãi suất huy động tăng

Đầu tháng này, Techcombank đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới. Theo đó, các khách hàng thường dưới 50 tuổi gửi tiết kiệm tại Techcombank được hưởng lãi suất từ 2,75%/năm đến 4,6%/năm.

Ngân hàng tăng 0,2 - 0,5 điểm phần trăm lãi suất tại tất cả các kỳ hạn 1 - 8 tháng; trong khi các kỳ hạn từ 12 - 35 tháng, lãi suất cao hơn 0,1%/năm so với trước kia. Còn tiền gửi tại kỳ hạn 36 tháng đang được triển khai ở mức 5%/năm, tăng 0,5%/năm.

Đối với khách hàng thường trên 50 tuổi, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 8 tháng tăng 0,1 - 0,4%/năm, tùy kỳ hạn. Lãi suất tại kỳ hạn 36 tháng cũng tăng mạnh từ 4,8%/năm lên 5,2%/năm. Ngoài ra, Techcombank cũng tăng lãi suất huy động dành cho khách hàng ưu tiên tại nhiều kỳ hạn gửi.

Tương tự, VPBank cũng tăng lãi suất huy động các kỳ hạn từ 2 - 5 tháng thêm 0,2 điểm phần trăm cho các khách hàng gửi tiết kiệm từ trên 300 triệu đồng đến dưới 10 tỷ đồng. Lãi suất huy động với số tiền gửi từ 3 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng tăng 0,15%/năm kỳ hạn 2 tháng và tăng 0,1%/năm kỳ hạn 3 - 5 tháng. Với số tiền từ 50 tỷ đồng trở lên, lãi suất ngân hàng tại kỳ hạn 2 - 5 tháng cũng tăng 0,05 - 0,2/năm, tùy từng kỳ hạn…

Biểu lãi suất huy động đầu tháng 3 của ACB cũng điều chỉnh tăng nhẹ một số kỳ hạn so với đầu tháng 2. Cụ thể, kỳ hạn 2 tháng được điều chỉnh tăng 0,1%/năm. Tương tự, tại kỳ hạn 3 tháng, lãi suất tiền gửi tiết kiệm dành cho các khoản tiền gửi khác nhau được Ngân hàng áp dụng trong khoảng từ 3,2 - 3,4%/năm, tức cũng tăng 0,1%/năm đối với tất cả các khoản tiền gửi.

Đáng chú ý, hiện mức lãi suất huy động trên 8%/năm vẫn được không ít ngân hàng áp dụng, song chủ yếu dành cho những khoản tiền gửi có giá trị lớn.

Lãi suất đã chạm đáy?
Việc nâng lãi suất chỉ diễn ra ở một số ít ngân hàng.

… Nhưng chỉ diễn ra cục bộ

Thực tế này cộng với nhận định của một số công ty chứng khoán mới đây khiến một số nhà đầu tư chứng khoán e ngại lãi suất đang tăng trở lại, thời “tiền rẻ” sắp qua. Chẳng hạn, BVSC nhận định, “trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát và việc tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 bắt đầu được triển khai, trong khi lạm phát tăng trở lại, lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ tăng trở lại”.

KBSV cũng dự báo, mặt bằng lãi suất có thể sẽ chạm đáy vào nửa đầu năm 2021, khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành thêm một lần nữa và tăng nhẹ trở lại trong nửa cuối năm 2021. KBSV đưa ra dự báo này dựa trên ba cơ sở: Thứ nhất, kênh bơm thanh khoản tiền đồng vào thị trường bị giới hạn do công cụ mua ngoại tệ bị hạn chế và có thể đẩy mặt bằng lãi suất trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) tăng; Thứ hai, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm thường sẽ hồi phục nhanh; Thứ ba lộ trình siết tỷ lệ huy động ngắn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10/2021 sẽ đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi và làm đảo chiều xu hướng lãi suất tiền gửi đang giảm.

Tuy vậy, theo khảo sát của người viết, việc tăng lãi suất mới chỉ xuất hiện ở một số ngân hàng, mức tăng cũng không lớn, trong khi đầu tháng 3 có khá nhiều tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm lãi suất. Các ngân hàng quốc doanh - những ngân hàng đang dẫn dắt thị trường hiện tại - vẫn “án binh bất động”.

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết: “Chúng tôi đang giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động”.

Còn ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV chia sẻ: “Quan điểm của Nhà nước yêu cầu chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định. Do GDP dự kiến 6,5%, lạm phát 4% nên điều hành chính sách sẽ rất thận trọng. Điểm đáng chú ý lãi suất liên ngân hàng đang rất thấp, nên tôi cho rằng việc tăng lãi suất là khó diễn ra”.

Việc tăng lãi suất chưa trở thành xu hướng, song câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu lãi suất huy động đã tạo đáy hay chưa?

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB nêu quan điểm, lãi suất huy động đang thấp so với tất cả các thời kỳ trước đây bởi thanh khoản của hệ thống tín dụng đang rất dồi dào. “Một vài ngân hàng có nhu cầu thanh khoản nhất thời nên có thể tăng lãi suất”, ông Tùng lý giải.

Tổng giám đốc OCB thậm chí còn kỳ vọng lãi suất sẽ xuống thấp hơn, tương đương mặt bằng lãi suất của quốc gia có lãi suất thấp nhất trong khu vực và điều này giúp chi phí tài chính của doanh nghiệp Việt Nam thấp, từ đó, hàng hóa Việt Nam có lợi thế cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.

Dưới góc nhìn của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, chậm lại quá trình cho vay khiến lượng tiền lưu thông bị hạn chế, Việt Nam có dấu hiệu này nhưng chưa trầm trọng.

Theo TS. Hiếu, lãi suất huy động vẫn cao, giữa lãi suất huy động và lạm phát có mức lãi suất thực dương ít nhất 1% nên chưa thể nói đã chạm đáy. Lãi suất thực âm dưới tỷ lệ lạm phát thì đó mới được gọi là đáy của lãi suất.

“Thanh khoản các ngân hàng có sự ổn định nhưng vẫn chưa bền vững. Do nợ xấu hiện khó đoán định, ngân hàng luôn cần huy động thêm, tiền đổ vào chứng khoán thiếu hụt nhất định nguồn vốn trong ngân hàng”.

Trong khi đó, theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, hiện mặt bằng lãi suất đang ở mức rất thấp. Nếu giảm lãi suất đầu vào quá nhiều, nhà đầu tư sẽ dịch chuyển dòng tiền sang kênh chứng khoán, vàng hay các tài sản khác. Có nghĩa là tiền sẽ không thể tiếp tục chảy vào sản xuất - kinh doanh, mà tập trung vào những lĩnh vực có rủi ro cao hơn.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành, Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam nhận xét, việc lãi suất huy động VND đã giảm khá mạnh trong thời gian qua là phù hợp với các diễn biến vĩ mô ổn định và nhu cầu tín dụng không cao do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

“Mặc dù trong những tháng đầu tiên của năm 2021, chúng ta thấy được sự phục hồi nhẹ từ nhu cầu tín dụng cũng như các bước tiến khả quan từ vắc-xin phòng bệnh. Tuy nhiên, các yếu tố này vẫn chưa hình thành rõ nét các dự báo về lạm phát tăng đi kèm nhu cầu tín dụng mạnh mẽ”, ông Quang nói.

Cũng theo ông Quang, các yếu tố hỗ trợ mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp vẫn hiện hữu, dựa vào các dự báo của UOB về việc Việt Nam tiếp tục có thặng dư thương mại và thu hút ổn định đầu tư nước ngoài.

Hai yếu tố này sẽ tiếp tục mang đến thêm nguồn cung thanh khoản thực cho thị trường. Kiều hối cũng là một kênh tiếp thêm nguồn vốn cho thị trường. Một yếu tố nữa là trong quá khứ, người gửi tiền tiết kiệm VND mang kỳ vọng lãi suất cao một phần để bù đắp sự mất giá của VND so với USD.

“Tuy nhiên, trong năm 2021, dự báo của chúng tôi là VND tiếp tục lên giá so với USD như đã diễn ra trong năm 2020. Do đó, kỳ vọng này đã không còn là yếu tố gây áp lực lên lãi suất huy động VND nữa”, ông Quang nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top