Giữ ổn định lãi suất điều hành
Các nhà phân tích của Ngân hàng UOB Việt Nam nhận định rằng, việc cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước giúp giảm chi phí kinh doanh. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã phản ứng nhanh chóng trước tình trạng suy thoái kinh tế hồi đầu năm nay bằng việc cắt giảm lãi suất điều hành. Lần giảm lãi suất chính sách cuối cùng diễn ra vào tháng 6/2023, hạ lãi suất tái cấp vốn tích lũy xuống còn 4,5%.
Tuy nhiên, với các hoạt động kinh tế đang được cải thiện và lạm phát giảm xuống dưới mức mục tiêu, Chính phủ chuyển trọng tâm sang các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đảm bảo đủ nguồn cung tín dụng trong thời gian còn lại của năm nay, vì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 - 15% trong năm nay có thể không đạt.
Do đó, theo ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ (Ngân hàng UOB Việt Nam), Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%.
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế - tài chính cũng dự báo, khó hạ thêm lãi suất điều hành từ nay đến đầu năm 2024. Lý do là, theo TS. Thành, không thể để VND mất giá, bởi nếu tình trạng này xảy ra, bản thân doanh nghiệp sẽ rất khó khăn.
TS. Thành hy vọng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất từ giữa năm sau. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ hạ lãi suất điều hành thêm chút nữa. Còn hiện tại, Việt Nam cần cố gắng giữ lãi suất như hiện nay, khi áp lực tỷ giá vẫn còn trong mùa vụ cuối năm.
Lãi suất tiết kiệm khó giảm thêm
Hiện mặt bằng lãi suất đã chạm “đáy” sâu. Trong đó, kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống có mức cao nhất là 4 - 4,5%/năm; kỳ hạn 6 - 12 tháng dao động 4,5 - 5% và 12 tháng trở lên là 5 - 5,5%/năm, (một số ít ngân hàng áp dụng mức 5,6 - 5,7%/năm kỳ hạn 12 tháng trở lên).
Nếu so với thời điểm trước dịch, mặt bằng lãi suất huy động hiện tại đã thấp hơn. Tuy nhiên, trước bối cảnh thị trường khó khăn, các kênh đầu tư khác (chứng khoán, bất động sản...) chưa hồi phục, nên tiền nhàn rỗi vẫn chọn ngân hàng.
TS. Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế Fulbright cho rằng, hiện đã hết dư địa giảm tiếp lãi suất. Mặt bằng lãi suất năm 2024 duy trì như hiện nay là đã tích cực. Mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và lãi suất huy động, cho vay của các ngân hàng thương mại đến thời điểm hiện này đã vượt kỳ vọng đặt ra từ đầu năm. Do đó, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia phân tích tài chính cho rằng, cần tập trung sử dụng nhiều hơn chính sách tài khóa; đẩy mạnh các giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng thay vì chỉ kích cung vốn hiện nay, trong khi sức hấp thu yếu.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn thị trường tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, lãi suất không còn nhiều dư địa để giảm thêm, vì chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và thế giới, đặc biệt là Mỹ, đang hẹp lại. Lãi suất tại Mỹ hiện tại khoảng 5%, còn ở Việt Nam là 5 - 6%/năm.
Theo PGS.TS. Huân, trước đây, giảm lãi suất góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế, nhưng đến mức bão hòa hiện nay thì nếu giảm tiếp lãi suất, kinh tế vẫn đi ngang. Mặt khác, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, không phải ai cũng có điều kiện để vay vốn. Vì khó khăn, doanh nghiệp giảm lương, thu nhập của người lao động giảm, nên áp lực trả lãi suất vay là bài toán mà khách hàng cần tính kỹ. Đó cũng chính là nguyên nhân tín dụng tăng trưởng chậm trong 11 tháng đầu năm nay.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt khoảng 8,3%, thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm là 14%.
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết, dù các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay khoảng 2 - 2,5%/năm so với đầu năm 2023, nhưng mức giảm này chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước cũng có yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí, giảm thêm lãi vay./.