Thời gian gần đây, dư luận và báo chí đề cập nhiều đến làn sóng ngầm di cư của những người giàu, những doanh nhân thành công tại Việt Nam.
Hiện Việt Nam là nước nằm trong nhóm 10 nước có số lượng người di cư nhiều nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Họ ra đi với hy vọng một bầu không khí sạch, thực phẩm sạch, y tế hiện đại, giáo dục tiên tiến ở các quốc gia phát triển.
Trong khi có nhiều người Việt chọn cách di cư ngầm ra nước ngoài, Giáo sư Hà Tôn Vinh - người đã có hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động và làm việc tại vùng châu Á - Thái Bình Dương, Châu Âu, và Tây Phi trong lĩnh vực phát triển chiến lược kinh tế; quản lý, cải tổ và sáp nhập doanh nghiệp; tài chính dự án song phương và đa phương; tài chính ngân hàng… lại chọn cách quay trở về đất nước.
GS Hà Tôn Vinh hiện là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Tổ hợp Giáo dục, Đào tạo, và Tư vấn Quản lý Stellar Management; Chủ nhiệm Chương trình Giáo dục & Đào tạo Doanh nghiệp cao cấp của Đại học Tổng hợp California Miramar University (CMU) tại Việt Nam.
Chia sẻ nỗi lòng của mình, GS Hà Tôn Vinh cho biết: “Tôi cũng không nằm ngoài những người luôn có mong muốn đóng góp xây dựng quê hương giàu mạnh, tôi trở về quê hương vì tôi tự hào mình là người Việt.
Người Việt Nam ở đâu cũng vậy, ai cũng hướng về quê hương, lá rụng về cội thì sẽ tìm cách về đóng góp cho quê hương. Tôi cũng sẽ tìm một cách nào đó để đóng góp cho đất nước, chẳng hạn như có thể đóng góp về kinh tế, vừa có lợi cho đất nước, vừa có lợi cho cá nhân”.
GS Hà Tôn Vinh phân tích, chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa, không có biên giới. Trong thế giới đó, chúng ta có thể học tập, sinh sống, du lịch hay làm ăn ở 1 nước khác không phải quê hương bản địa của mình.
Người nước ngoài – họ cũng có thể từ bỏ quê hương để sang 1 nước khác đầu tư làm ăn, và họ gọi thế giới là nhà. Người Việt cũng như vậy, người ta có tiền đầu tư làm ăn họ muốn phát triển ra nước ngoài, họ tìm nhà đầu tư, thị trường mới, công nghệ mới. Họ ra nước ngoài là ước mơ phát triển doanh nghiệp của họ, cũng như cha mẹ luôn muốn con mình học ở nước ngoài để tiếp cận được kiến thức, cuộc sống mới. Chỉ tiếc là giáo dục Việt Nam chưa đạt đến mức cha mẹ có thể yên tâm cho con học tại Việt Nam, nhất là cho con cái có cơ hội tốt để phát triển.
Cho nên tôi nghĩ, người Việt Nam ra nước ngoài học tập, kinh doanh là xu hướng toàn cầu và sau này có thể quay về hỗ trợ phát triển đất nước.
Theo GS Hà Tôn Vinh, chúng ta yêu nước không nhất thiết là ở một chỗ. Chúng ta có thể ra ngoài làm rạng danh nước Việt như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh ngày xưa, cho người Việt Nam sang nước ngoài học… Sang nước ngoài, ta học được những cái tốt của họ và mang văn hóa Việt ra nước ngoài. Tất cả đều có trách nhiệm làm cho thế giới tốt hơn.
GS Hà Tôn Vinh nhấn mạnh: “Người ra đi cũng có cái lý. Bởi đồng tiền của họ làm bằng mồ hôi nước mắt, trí tuệ của họ là tiền sạch nên không ai muốn mất tiền đó nên họ phải tìm nơi nào an toàn cho số tiền đó. Họ phải phát triển được số tiền ấy nếu Việt Nam là môi trường tốt để có thể sinh sôi số tiền ấy thì họ sẽ không mang ra ngoài đầu tư. Đầu tư cho con đi học, mua nhà nước ngoài, họ nghĩ rằng trong tương lai sẽ mang lại lợi nhuận cho họ hơn.
Ngược lại, nếu đồng tiền có được nhờ những việc làm ăn phi pháp (gọi là tiền bẩn), họ lại càng muốn tẩu tán số tiền ấy ra nước ngoài, vì sẽ không bị tịch thu. Tất cả các nước đều thích mang tiền về Mỹ. Những năm Liên Xô sụp đổ, tiền tập trung về nước Mỹ rất nhiều. Điều quan trọng bây giờ là truy thu được những đồng tiền không sạch đó, đây là việc của cơ quan công quyền”.
GS Hà Tôn Vinh lý giải, nếu họ làm doanh nghiệp họ cần thị trường, cần công nghệ, cần cách quản lý. Chúng ta có 2 loại đầu tư gồm: đầu tư ra nước ngoài hoặc đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nếu chúng ta mang tiền ra nước ngoài đầu tư để đem lại công nghệ, lợi nhuận, trí tuệ thì tại sao không?.
Ông Vinh dẫn chứng về một câu chuyện của gia đình ông chủ Toyoda thành lập hãng xe hơi Toyota. Nước Nhật ngày đó thấp kém lắm vì hậu chiến nên hãng xe này lấy thế giới làm thị trường, và làm rạng danh nước Nhật. Giờ người ta thấy hãng xe này là thấy Nhật, thấy chất lượng Nhật.
Cho nên theo ông Vinh, vấn đề chính là nằm ở chỗ Chính phủ phải làm sao để thị trường Việt Nam đáng để cho các doanh nghiệp đầu tư, cơ hội của 1 nước đang phát triển rất nhiều, đây là thị trường đáng đầu tư, cần phải được đầu tư. Chúng ta cần kêu gọi niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm của người doanh nhân là với gia đình, bản thân và với cả Tổ quốc mình. Nếu ra đi họ bỏ trống thị trường Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài thấy trống họ nhảy vào chúng ta sẽ mất thị trường. Vì vậy những người ra đi cần phải suy nghĩ thật kỹ càng.
Vậy phải làm thế nào để tránh được cuộc di cư ngầm? Theo GS Hà Tôn Vinh, đây không phải là chuyện đơn giản ngày một ngày hai và Chính phủ phải có cam kết thay đổi cơ chế, mô hình kinh tế, cách làm việc…
“Chúng ta phải đi vào hành động, vì doanh nhân là người thực tế, họ nhìn vào sự sinh lợi của đồng tiền và sự cạnh tranh với công ty khác. Nếu về Việt Nam làm việc khó quá thì họ nản lòng, làm mất đi kênh đầu tư BĐS ngoại hối về Việt Nam”- ông Vinh nói.
Ông Vinh cho hay: Con số 3 tỷ USD của người Việt ra ngoài mua nhà cũng chỉ là con số tượng trưng còn những con số không chính thức có thể là nhiều hơn. Vì vậy, Chính phủ phải có hành lang thông thoáng hơn và có chế độ đãi ngộ phù hợp.