Aa

Người Việt chi 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ: Nguồn lực "chảy máu"

Thứ Năm, 27/07/2017 - 14:01

Người Việt chi 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ: Nguồn lực "chảy máu"; Khủng hoảng đất nghĩa trang ở châu Á; Ký quỹ cần trở thành quy định bắt buộc trong giao dịch BĐS; The Viva City: "Treo đầu dê, bán thịt chó" để lừa khách hàng?… là những tin tức nổi bật về BĐS 24 giờ qua.

Người Việt chi 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ: Nguồn lực "chảy máu"

Báo cáo "Hồ sơ hoạt động quốc tế về bất động sản tại Mỹ năm 2017" của Hiệp hội Quốc gia Chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) vừa được công bố cho thấy từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, người nước ngoài đã chi 153 tỷ USD để mua 284.455 bất động sản tại Mỹ.

Số tiền này tăng 49% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Việt Nam tiếp tục là một trong 10 quốc gia có công dân mua nhà đất tại Mỹ nhiều nhất thế giới. Việt Nam đã đứng trong danh sách này 5 năm liên tiếp, từ năm 2013 đến nay.

Thông tin này ngay lập tức gây chấn động khi quy mô kinh tế Việt Nam còn rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ông Phạm Văn Đại, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Savills TP.HCM, phân tích nếu ở Việt Nam mức độ sinh lời của tài sản tốt hơn thì thu hút được nhiều nguồn vốn nước ngoài vào, khi ấy sẽ cân bằng được với nguồn vốn chuyển ra. Còn nếu Việt Nam phát triển kém, rủi ro nhiều thì chiều ra lớn hơn chiều vào. Đó là sự công bằng trong cuộc chơi toàn cầu.

GS Đặng Đình Đào (Đại học Kinh tế quốc dân), cho rằng: “Nền kinh tế của ta còn nhiều vấn đề phải xử lý, mà lại có một lượng tiền lớn như vậy mua nhà ở Mỹ là điều phải suy nghĩ. Một nguồn lực lớn của đất nước chảy ra nước ngoài. Nó giống như mỗi năm có hàng tỷ USD chảy ra nước ngoài theo các du học sinh hay đi chữa bệnh mà ở trong nước lại không vươn lên để làm tốt hơn. Đó là điều đáng suy nghĩ vì chảy máu lượng ngoại tệ rất lớn hàng năm”.

GS Đặng Đình Đào cũng cho rằng cũng có lý do người giàu ở Việt Nam lo ngại điều gì đó trong môi trường đầu tư ở Việt Nam. Chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài thì có thể tạo cho họ cảm giác an toàn hơn.

Xem chi tiết tại đây.

Khủng hoảng đất nghĩa trang ở châu Á

Việc sử dụng đất đai tại Singapore luôn ở mức rất cao, trong khi diện tích có hạn, đã khiến nhu cầu cho người chết gần như biến mất. Chính quyền đô thị nhỏ bé này đã cho đào lên hàng trăm nghìn ngôi mộ để mở các con đường, xây dựng nhà cửa và trung tâm mua sắm.

Tại Hong Kong, một nơi có kích thước tương tự Singapore, đất cho người chết còn bị thu hẹp, gia hạn xuống dưới ngưỡng 10 năm. Những chiếc bia đựng tro hỏa táng thường đặt trong các nhà tang lễ nhiều tháng chờ vị trí tiếp theo tại một khu bia mộ, thời gian chôn cực kỳ hạn chế. Ngành kinh doanh đất nghĩa trang ở xứ cảng thơm có chu kỳ khai thác nhanh chóng mặt. Chết và được chôn ở đây không có nghĩa là mãi mãi. Trên thực tế, chu kỳ yên nghỉ của người chết ở mộ phần trong các nghĩa trang chỉ vỏn vẹn có 6 năm.

Việc giới hạn thời gian chôn cất và di dời phần mộ để cải táng dù đã và đang diễn ra để nhường đất phát triển đô thị nhưng luôn gây nhiều tranh cãi và đón nhận những phản ứng trái chiều. Ảnh: AP.

Việc giới hạn thời gian chôn cất và di dời phần mộ để cải táng dù đã và đang diễn ra để nhường đất phát triển đô thị nhưng luôn gây nhiều tranh cãi và đón nhận những phản ứng trái chiều. Ảnh: AP.

Tổng giám đốc Jones Lang LaSalle (JLL), Stephen Wyatt cho rằng việc nhiều nước châu Á xúc tiến việc cải tạo các khu nghĩa trang lớn để dành đất cho khu dân cư, khu phức hợp và thương mại, phụ thuộc rất nhiều vào cách quản lý của Nhà nước và tín ngưỡng địa phương.

Chuyên gia này nhìn nhận, cần phải làm rõ mặt tích cực của xu hướng này là mở ra cơ hội chỉnh trang đô thị, được sử dụng thêm nguồn tài nguyên đất đai lớn trong khi quỹ đất đang dần thu hẹp ở các đô thị. Hơn nữa, cải tạo nghĩa trang tạo cơ hội phát triển mảng xanh, công viên và các tiện ích công cộng cho cư dân. Mặt hạn chế lớn nhất chính là yếu tố tâm linh, văn hóa thờ cúng tổ tiên rất sâu sắc và quan trọng trong tâm trí người gốc Á.

Theo ông Stephen Wyatt, các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á có thể tham khảo hình thức quy hoạch nghĩa trang ở các quốc gia châu Âu. Ở các nước phát triển hơn như châu Âu, Đức, Pháp… Chính phủ quy định rất rõ ràng mọi hình thức chôn cất người đã mất phải thực hiện ở nghĩa trang để dễ quản lý các vấn đề liên quan đến môi trường, dịch tễ, quy hoạch…

Xem chi tiết tại đây.

Gian nan đòi sổ đỏ ở những căn hộ cơi nới

Câu chuyện về việc mua phải nhà cơi nới trái phép của nhiều chủ đầu tư bất động sản không phải là hiếm. Các báo cáo hàng năm về kiểm tra tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở của Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Xây dựng đều nhấn mạnh nguyên nhân chậm cấp sổ đỏ ở các chung cư chủ yếu do chủ đầu tư không chấp hành Luật Đất đai và các quy định của pháp luật về nhà ở, xây dựng.

Một luật sư từng tư vấn cho nhiều dự án nhà ở cho hay, hiếm có dự án nào được thực hiện đầy đủ các "trình tự, thủ tục" như luật định, nên thường bị cơ quan chức năng "tuýt còi", do đó việc chậm cấp giấy chứng nhận cho các chủ căn hộ là điều đương nhiên.

Vi phạm thường gặp nhất là tình trạng chủ đầu tư xây dựng không đúng số tầng, số căn hộ theo thiết kế được duyệt, trong đó phần lớn là vượt số tầng, số căn hộ, thậm chí là tự ý phân chia và chuyển đổi công năng các tầng thương mại, tầng kỹ thuật để bán chui dự án.

Xem chi tiết tại đây.

Ký quỹ cần trở thành quy định bắt buộc trong giao dịch BĐS

Câu chuyện ký quỹ ủy thác để được quyền ưu tiên mua BĐS là một trong những đề tài đang được quan tâm trên thị trường BĐS Việt thời gian gần đây. Tuy nhiên, trên thực tế, hình thức này đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, trong nhiều loại giao dịch mua bán chứ không riêng lĩnh vực BĐS.

Bàn về mặt lợi và hại của hình thức thỏa thuận ký quỹ BĐS, ông Cao Sĩ Kiêm - Nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, hình thức ký quỹ là một điều kiện được thực hiện nhằm đảm bảo lòng tin lẫn nhau và đảm bảo trách nhiệm cho các bên trong giao dịch BĐS với những điều kiện ràng buộc chặt chẽ.

Ông Cao Sĩ Kiêm - Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Ông Cao Sĩ Kiêm - Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Không chỉ tránh rủi ro cho khách mua BĐS, hình thức ký quỹ cũng là điều kiện để ngân hàng hoạt động, tránh rủi ro cho cả ngân hàng. “Các ngân hàng tham gia vào thảo thuận ký quỹ này thường là các ngân hàng sẽ đứng ra đầu tư cho dự án, ngoài những bước nghiên cứu phân tích cụ thể tiềm năng dự án, nếu nhìn vào số tiền khách hàng nộp vào quỹ, ngân hàng sẽ đánh giá được khả năng thanh khoản của dự án và yên tâm hơn khi cho doanh nghiệp vay vốn. Quỹ thể hiện nhu cầu, sự quan tâm của khách mua đối với dự án, vì vậy phần nào phản ánh được một phần khả năng thanh toán vốn vay của chủ đầu tư dự án cho ngân hàng", ông Cao Sĩ Kiêm nhận định. 

Không dừng lại ở việc giành được quyền ưu tiên mua BĐS, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, hình thức ký quỹ BĐS nếu được thực hiện chặt chẽ có thể trở thành giải pháp khắc phục được một khuyết điểm lớn của hệ thống tài chính Việt Nam liên quan đến lĩnh vực kinh doanh BĐS.

Xem chi tiết tại đây.

Tái định cư 10 năm vẫn không trả được tiền nhà

Ông Nguyễn Trung Quân được bố trí căn hộ tái định cư tại lô B chung cư Tân Mỹ với giá gần 500 triệu đồng. Sau khi trừ số tiền được bồi thường, hỗ trợ, ông còn nợ Nhà nước số tiền hơn 377 triệu đồng. Tuy nhiên, từ khi dọn về đây, ông bị bệnh nằm liệt giường và năm ngoái đã qua đời. Em gái ông là bà Nguyễn Hạc Đoan Trâm thì thần kinh không ổn định, lại mất sức lao động, phải ở nhà chăm mẹ già hơn 80 tuổi trong căn nhà gần như không có bất cứ vật dụng gì.

Bà Trâm cho biết do gia cảnh nghèo khó, không có nghề nghiệp lại bệnh tật nên đến nay số tiền nợ vẫn chưa trả được đồng nào. “Gia đình tôi cũng muốn trả nợ cho Nhà nước lắm nhưng gia cảnh chúng tôi quá khó khăn. Việc lo chạy từng bữa ăn, trang trải sinh hoạt hằng ngày và thuốc thang chữa bệnh cũng còn chật vật nên thật sự không có khả năng chi trả” - bà Trâm nói.

Năm 2010, gia đình bà Nguyễn Thị Liên được bố trí tái định cư tại căn A710 lô A chung cư Tân Mỹ với giá 530 triệu đồng. Trong khi tổng số tiền bà Liên được bồi thường hơn 390 triệu đồng, số tiền còn lại khoảng 140 triệu đồng bà Liên được trả góp trong 15 năm. Trong năm đầu tiên, bà Liên cũng trả được khoảng 10 triệu đồng và từ đó đến nay không trả thêm được đồng nào.

“Tôi đang làm tạp vụ cho một nhà hàng tại quận 6, mỗi ngày được 80.000 đồng trong khi phải nuôi con bệnh tật và hai đứa cháu. Do hoàn cảnh nghèo khó nên đứa cháu ngoại hiện đã tám tuổi nhưng không biết chữ vì không có tiền cho đi học” - bà Liên cho biết. Bà Liên rất lo lắng, sợ sẽ bị thu hồi lại nhà vì không trả được nợ.

Xem chi tiết tại đây.

The Viva City: "Treo đầu dê, bán thịt chó" để lừa khách hàng?

Theo phản ánh của anh Nguyễn Văn Tâm – khách hàng mua đất nền tại dự án The Viva City, chủ đầu tư đã thiếu trung thực, cố tình “lừa dối” khách hàng khi quảng cáo thông tin “mập mờ” tại dự án The Viva City - tọa lạc tại xã Giang Điền, huyện Trảng Bom - Đồng Nai, do Công ty CP Địa ốc Long Điền (gọi tắt Cty LDG) làm chủ đầu tư.

Anh Tâm cho biết, với mong muốn sở hữu một khu đất nền đẹp, anh đã không ngần ngại bỏ ra số tiền cao hơn 1 triệu/m2 so với những khu vực khác để mua lô đất nền số i30-15 tại dự án The Viva City. Thế nhưng, điều khiến anh Tâm bức xúc chính là việc chủ đầu tư đã không “minh bạch” trong việc giới thiệu sản phẩm, đẩy khách hàng vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Dự án The viva city quảng cáo không đúng thực tế khiến khách hàng bức xúc.

Dự án The Viva City quảng cáo không đúng thực tế khiến khách hàng bức xúc.

Cụ thể, khi giới thiệu sản phẩm, các nhân viên cho biết toàn bộ diện tích trong catalog là của chủ đầu tư. Lô đất i30-15 mà anh Tâm định mua là một trong những lô đất “vàng” tại dự án, bởi phía đối diện là con sông và khu dân cư của Công ty LDG, với lời “hứa hẹn” chủ đầu tư sẽ xây cầu qua sông sau khi dự án hoàn thành.

Đặt niềm tin tuyệt đối vào chủ đầu tư để mua sản phẩm, thế nhưng ngay sau đó anh Tâm “tá hỏa” phát hiện khu đất đối diện đó không phải là khu đất của Cty LDG như lời quảng cáo trước đó, mà là của một cá nhân khác đang tranh chấp với Công ty LDG.

Điều đáng nói, để tạo ra khung cảnh tươi sáng cho dự án trong ngày mở bán, chủ đầu tư đã “lén” tháo bỏ hết các bản treo, băng rôn phản đối, đòi đất của người dân gắn trong khu vực.

Xem chi tiết tại đây.

Đầu tư BĐS nước ngoài: Bỏ tiền mua giấy thông hành

Nhiều quốc gia đang thực hiện hình thức bán thường trú nhân (còn gọi là thẻ xanh) cho công dân ngoại quốc để nhận về một khoản đầu tư nhất định, mức này không cố định và mỗi nước có một mức khác nhau. Chẳng hạn, Cộng hòa Síp là 300.000 euro, Malta là 570.000 euro, Bồ Đào Nha là 500.000 euro, Bỉ là 350.000 euro, Hungari là 300.000 euro (mua trái phiếu chính phủ), Hy Lạp là 250.000 euro…

Theo đó, khi đầu tư một hay nhiều BĐS vào các quốc gia này, nhà đầu tư sẽ được cấp thẻ xanh, được quyền cư trú dài hạn và dễ dàng di chuyển sang các nước trong khối.

Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về quyền lợi khi đầu tư BĐS ra nước ngoài.

Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về quyền lợi khi đầu tư BĐS ra nước ngoài.

Chẳng hạn, mua một BĐS trị giá khoảng 300.000 euro tại Síp, nhà đầu tư sẽ được cấp thẻ xanh, được tự do đi lại các nước trong cộng đồng chung châu Âu như một công dân châu Âu bình thường. Quy trình để được cấp thẻ xanh tại Síp cũng khá đơn giản.

Sau khi đạt được thỏa thuận mua bán BĐS, trải qua quá trình làm việc với luật sư (tất nhiên, tất cả các quy trình này đều được thực hiện dưới sự dắt mối của các công ty tư vấn trong nước), thực hiện đầy đủ các chứng minh về tài chính, chủ đầu tư sẽ được ký kết hợp đồng mua BĐS và nhanh chóng được cấp thẻ xanh, sau từ 2 - 3 tháng.

Để được mua BĐS ở Síp, nhà đầu tư phải mở một tài khoản tiết kiệm tại Síp với số tiền tối thiểu là 30.000 euro, duy trì trong 5 năm, chứng minh có mức thu nhập tối thiểu 400.000 euro/năm ngoài Síp. Số tiền 30.000 euro này được hiểu là một dạng cam kết gắn bó lâu dài, chứ không phải là số tiền đầu tư. Sau đó, nhà đầu tư thực hiện các giao dịch chuyển tiền cho chủ đầu tư sở tại để sở hữu BĐS.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top