Doanh nghiệp địa ốc tích cực gia hạn trái phiếu
Trước áp lực đáo hạn lớn trong năm 2025, làn sóng gia hạn trái phiếu đang lan rộng trong nhóm doanh nghiệp bất động sản. Các cuộc đàm phán giữa tổ chức phát hành và trái chủ diễn ra ngày càng sôi động nhằm giảm áp lực tài chính và duy trì thanh khoản.
Theo thống kê đến ngày 15/4/2025, đã có 118 tổ chức phát hành đạt thỏa thuận gia hạn trái phiếu với trái chủ và gửi báo cáo chính thức lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Tổng giá trị trái phiếu được gia hạn lên đến hơn 178.000 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng lớn.
Trong bối cảnh dòng tiền chưa phục hồi rõ rệt, tình hình tài chính còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp địa ốc đã chủ động đàm phán gia hạn nhằm giãn áp lực trả nợ và giữ vững hoạt động.
Đơn cử, CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest - mã: HPX) vừa thông báo gia hạn thành công lô trái phiếu HPXH2123008, lùi thời hạn đáo hạn từ 28/4/2025 sang 30/6/2025, với lãi suất 13,5%/năm. Dư nợ trái phiếu của lô này là 60 tỷ đồng. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 26/4, ban lãnh đạo Hải Phát cam kết xử lý dứt điểm nợ trái phiếu và tăng cường sở hữu cổ phần để tái cấu trúc và phục hồi hoạt động kinh doanh. Công ty đã tất toán 300 tỷ đồng trái phiếu và dự kiến mua lại thêm 30 tỷ đồng trong nửa cuối năm, đưa tổng dư nợ xuống còn khoảng 500 tỷ đồng.
Một trường hợp khác là CTCP Bất động sản Mỹ, từ tháng 4/2025 đến nay đã công bố 44 văn bản bất thường liên quan đến việc gia hạn kỳ hạn trái phiếu. Các lô trái phiếu được đàm phán kéo dài thêm tối đa 2 năm, đưa thời hạn đáo hạn đến tháng 5/2027, với lãi suất cố định 7,5%/năm.
Trong khi đó, CTCP Đầu tư Xây dựng Đại Thịnh Phát cũng đang đàm phán với trái chủ về lô trái phiếu DPJ12201 trị giá 500 tỷ đồng. Đến hạn thanh toán ngày 29/4/2025, doanh nghiệp chưa thể chi trả hơn 5,3 tỷ đồng tiền lãi do khó khăn kéo dài. Do đó, công ty đã thông báo kế hoạch trả nợ và cam kết cập nhật tiến độ định kỳ. Đây không phải lần đầu Đại Thịnh Phát chậm thanh toán lãi trái phiếu – riêng trong tháng 4, công ty đã ba lần báo cáo trễ hạn.
Đại Thịnh Phát là chủ đầu tư dự án Marina Tower tại Bình Dương, có vốn điều lệ 600 tỷ đồng và đang lưu hành hai lô trái phiếu phát hành năm 2022, kỳ hạn hai năm, lãi suất 12,5%/năm. Cả hai lô đều đã đáo hạn vào tháng 7 và 8/2024, nhưng đã được gia hạn thêm một năm. Đến ngày 13/5/2025, doanh nghiệp cho biết đã chi trả hơn 10 tỷ đồng cho các lô trái phiếu này.
Gia hạn chỉ là giải pháp tạm thời, nâng cao nội lực mới là yếu tố quan trọng
Trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa phục hồi hoàn toàn, nhiều doanh nghiệp vẫn đối mặt với áp lực dòng tiền và hạn mức tín dụng bị siết chặt, xu hướng gia hạn trái phiếu được đánh giá sẽ còn diễn ra mạnh mẽ.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc gia hạn trái phiếu thực chất chỉ là giãn hoãn nợ - tạm lùi nghĩa vụ thanh toán từ hiện tại sang tương lai. Đây được xem là giải pháp tình thế nhằm giúp doanh nghiệp "câu giờ" để xoay xở dòng tiền, tránh rơi vào tình trạng vỡ nợ. Vì vậy, nếu không đi kèm với các biện pháp tái cơ cấu mạnh mẽ và chiến lược phục hồi hiệu quả, gia hạn chỉ làm kéo dài rủi ro thay vì giải quyết dứt điểm khó khăn.
Chuyên gia kinh tế, TS. Huỳnh Thanh Điền nhìn nhận, điều quan trọng lúc này là các doanh nghiệp bất động sản cần tập trung nâng cao nội lực tài chính - thông qua giảm chi phí, thoái vốn khỏi dự án kém hiệu quả, đẩy mạnh bán hàng, cơ cấu lại danh mục đầu tư và cải thiện quản trị dòng tiền. Có như vậy, việc gia hạn trái phiếu mới thực sự có ý nghĩa, giúp doanh nghiệp có thêm thời gian củng cố sức khỏe tài chính để đáp ứng nghĩa vụ thanh toán trong những kỳ hạn tới.
"Nếu doanh nghiệp không tận dụng thời gian gia hạn để cơ cấu lại mô hình kinh doanh và tài chính, thì dù có được lùi hạn thêm 1 hay 2 năm, cuối cùng vẫn quay về bài toán không trả được nợ", ông Điền nói.

Theo chuyên gia, các doanh nghiệp cần thời gian gia hạn trái phiếu để cơ cấu lại mô hình kinh doanh và tài chính. (Ảnh minh hoạ)
Cũng theo vị chuyên gia, sự gia tăng các trường hợp giãn nợ, hoãn thanh toán lãi, dù là theo thỏa thuận, vẫn có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và làm giảm mức độ hấp dẫn của kênh trái phiếu doanh nghiệp trong ngắn hạn. Bởi việc giãn hoãn nợ của các doanh nghiệp là một tín hiệu cảnh báo về tính thiếu bền vững của thị trường trái phiếu. Đặc biệt, nếu gia hạn kéo dài và không minh bạch, sẽ khiến nhà đầu tư mất niềm tin.
Do đó, trước làn sóng gia hạn trái phiếu gia tăng, TS. Huỳnh Thanh Điền cho rằng, cần hoàn thiện hành lang pháp lý bằng cách có cơ chế giám sát chặt chẽ việc gia hạn trái phiếu, công bố thông tin minh bạch và có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm nghĩa vụ thanh toán.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy vai trò của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán độc lập và quỹ bảo lãnh nhằm nâng cao mức độ minh bạch và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp./.