Chiều 20/4, tại tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp kiểm tra hiện trường, động viên các lực lượng thi công dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Tại đây, Thủ tướng làm việc với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan nhằm thúc đẩy tiến độ dự án và chỉ đạo khẩn trương triển khai thêm tuyến cao tốc từ Cà Mau đến Đất Mũi, nối liền tới cảng Hòn Khoai.
Đây là lần thứ 8 Thủ tướng kiểm tra công trường và làm việc về dự án này - cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tại buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục phát huy tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa” - khẩu hiệu làm nên chiến thắng mùa Xuân năm 1975 - trong triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm, đặc biệt tại ĐBSCL, nơi đang đối mặt với hai nút thắt lớn là hạ tầng và nhân lực.
Ghi nhận những nỗ lực của Ban Quản lý dự án, các nhà thầu, Bộ Xây dựng và các địa phương có tuyến đường đi qua, Thủ tướng biểu dương cách làm sáng tạo, linh hoạt - điển hình như việc đẩy mạnh thi công cầu khi thiếu cát san lấp.

Hình ảnh tại buổi kiểm tra cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Nguồn ảnh: Báo Chính phủ
Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao vai trò của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận - đơn vị đã hoàn thành dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ trong năm 2023, hiện đang phụ trách 4/5 tuyến cao tốc trọng điểm tại ĐBSCL với mục tiêu hoàn thành trong năm 2025. Ngoài ra, đơn vị này còn quản lý các dự án có tiến độ tốt như cầu Rạch Miễu 2 và cầu Nhơn Trạch thuộc dự án Vành đai 3 TP. HCM.
Thủ tướng yêu cầu đặt mục tiêu khánh thành cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chậm nhất vào ngày 19/12/2025 - đúng dịp kỷ niệm Ngày Toàn quốc kháng chiến. Để đạt được mốc này, Bộ Xây dựng phải chỉ đạo quyết liệt các ban quản lý, nhà thầu, tư vấn thi công xuyên lễ, xuyên Tết theo phương châm: “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”. Các địa phương phải bảo đảm đủ vật liệu cho công trường, tuyệt đối không để tiến độ bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để rút ngắn thời gian gia tải, rút ngắn thời gian thi công nhưng vẫn phải bảo đảm nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về thiết kế, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật và an toàn, bảo vệ môi trường.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần đồng hành từ chính quyền địa phương: hỗ trợ vật chất, tinh thần cho đội ngũ kỹ sư, công nhân, không để ai bị “cô đơn trên công trường”; phối hợp với lực lượng quân đội để hoàn nguyên môi trường; khẩn trương quy hoạch các trạm dừng nghỉ với quy mô hợp lý.
Trường hợp có dư thừa nguồn vật liệu như cát, cần ưu tiên điều chuyển cho các dự án hạ tầng khác trong khu vực.
Bộ Xây dựng được giao chủ trì phối hợp với các cơ quan đề xuất hình thức khen thưởng phù hợp cho các tập thể, đơn vị có thành tích xuất sắc, đặc biệt là Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận - trong đó có cả khen thưởng tài chính theo quy định, hoàn thành trước dịp 30/4.
Tiến độ dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau
Dự án có chiều dài hơn 110km, đi qua địa bàn các tỉnh, thành: Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.

Công trường thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Nguồn ảnh: Báo Chính phủ
Dự án do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thuộc Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 27.523 tỷ đồng, khởi công ngày 1/1/2023 và dự kiến hoàn thành cuối năm 2025.
Tính đến nay, toàn tuyến đã hoàn tất bàn giao mặt bằng. Các nhà thầu huy động 183 mũi thi công, 971 thiết bị máy móc và khoảng 3.000 nhân công làm việc xuyên suốt. Khối lượng thi công hiện đã đạt khoảng 66-70% kế hoạch. 95/95 cây cầu trên tuyến chính đã được triển khai.
Dự án cũng đã cơ bản tháo gỡ các khó khăn về vật liệu. Tổng giá trị giải ngân tính đến nay đạt gần 15.778 tỷ đồng (71% trên tổng số vốn đã bố trí 22.210 tỷ đồng). Riêng trong năm 2025, tỷ lệ giải ngân đạt 12,72%. Các đơn vị đang tăng tốc thi công với mục tiêu hoàn thành trước ngày 31/12/2025.
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là đoạn cuối trong đại dự án tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giữ vai trò chiến lược trong kết nối hạ tầng vùng ĐBSCL, tạo động lực phát triển bền vững cho khu vực cực Nam Tổ quốc.