Theo tìm hiểu của PV, trên các website quảng bá về Dự án Manhattan Tower, thông tin cho biết, Landmark Holding là một nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại khu vực phía Nam với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp này mới có tuổi đời hoạt động 6 năm và chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh này.
Cụ thể, theo bản cáo bạch chuẩn bị cho kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK TP.HCM, Landmark Holding tiền thân là Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Dầu khí Thăng Long, thành lập ngày 24/5/2012 với số vốn điều lệ khởi điểm là 30 tỷ đồng. Doanh nghiệp này có trụ sở tại số 132 Hàm Nghi, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM do ông Lương Quang Vinh làm Chủ tịch HĐQT và ông Trần Thanh Tùng làm Tổng giám đốc.
Từ năm 2012 tới cuối 2016, dù trong đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh bất động sản, nhưng doanh thu của Công ty chủ yếu đến từ kinh doanh xăng dầu và mua bán các sản phẩm hóa chất, nguyên liệu sorbitol…
Đến năm 2017, doanh nghiệp này mới thực sự lấn sân sang lĩnh vực bất động sản bằng việc thay tên đổi họ thành Landmark Holding, tăng vốn điều lệ và trở thành nhà phát triển Dự án Thành An Tower, 21 Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Quá trình tăng vốn được thực hiện 2 lần. Lần đầu vào tháng 2/2017, Công ty tiến hành tăng vốn lên 100 tỷ đồng thông qua việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo Nghị quyết ĐHĐCĐ số 01/2017/NQ-ĐHĐCĐ ngày 10/2/2017. Đến ngày 2/6/2017, tức gần 4 tháng sau, quá trình tăng vốn mới thực hiện xong và được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM chấp thuận Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần 08 số 0311803955.
Sau đó, đến tháng 9/2017, công ty này thực hiện tiếp việc tăng vốn điều lệ cũng bằng cách thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo Nghị quyết ĐHĐCĐ số 03/2017/NQ-ĐHĐCĐ ngày 20/9/2017 và hoàn thành việc đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần 09 số 0311803955 vào ngày 17/11/2017.
Ngay sau khi tiến hành tăng vốn, Landmark Holding đã gắn hoạt động của mình với Dự án Thành An Towers qua nhiều bước, thể hiện trong báo cáo tài chính kiểm toán công bố cùng bản cáo bạch. Theo đó, ngày 26/9/2017, theo Nghị quyết số 09/NQ-HĐQT ngày 26/9/2017 (cùng thời gian tăng vốn thêm 133 tỷ đồng), Landmark Holding đã chi tới 120 tỷ đồng thực hiện mua lại của các cá nhân 8 triệu cổ phần, tương đương 24,39% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Xây dựng Ba Đình - doanh nghiệp sở hữu Dự án Thành An Tower.
Tính ra, với giá 120 tỷ đồng cho 8 triệu đơn vị, Landmark Holding đã mua cổ phần của Công ty Ba Đình với giá 15.000 đồng/CP. Điều này được cho là “mạo hiểm”, khi tại thời điểm Landmark Holding mua cổ phần của Ba Đình, Công ty Ba Đình đang bị cơ quan thuế bêu tên nợ thuế đất tại Dự án Thành An Tower lên tới hơn 100 tỷ đồng và dự án có nguy cơ rơi vào diện thu hồi vì chậm triển khai, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Ngoài việc chi ra 120 tỷ đồng cho 8 triệu cổ phiếu của Công ty Ba Đình, trong báo cáo tài chính của Landmark Holding cũng có một khoản bất thường liên quan đến khoản mục bất động sản đầu tư. Theo đó, trong năm 2017, Công ty đã chi tới 89,34 tỷ đồng để tiến hành mua lại 5 căn biệt thự số 11, 14, 40, 41, 42 diện tích từ 164,3 - 227,7 m2 do Công ty Ba Đình nắm giữ tại một dự án ở quận Thanh Xuân (Hà Nội).
Cũng trong năm 2017, ngoài 2 khoản mục lớn nêu trên, Landmark Holding còn 2 khoản khác cũng đã tiến hành thanh toán cho Công ty Ba Đình là một khoản 16,3 tỷ đồng được ghi nhận ở khoản phải trả các bên liên quan và một khoản đặt cọc ứng trước lên tới 50,2 tỷ đồng để mua Tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại và nhà ở Manhattan Towers tại số 21 Lê Văn Lương theo Biên bản thỏa thuận ngày 15/2/2017. Tuy nhiên, cho đến ngày lập báo cáo tài chính 2017, thông tin cho biết, các bên vẫn chưa ký hợp đồng mua bán chính thức.
Để đổi lại việc đầu tư vào Công ty Ba Đình, theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Bất động sản, vào ngày 1/11/2017, Công ty Ba Đình và Landmark Holding đã ký kết Hợp đồng số 05/HĐUQ-BĐ. Theo đó, Công ty Ba Đình ủy quyền cho Landmark Holding bán (cho thuê hoặc cho thuê mua) Tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Towers gồm 327 căn hộ và khu thương mại. Sau khi hợp đồng được ký kết, Landmark Holding phải chuyển cho Công ty Ba Đình số tiền đặt cọc là 250 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến ngày lập báo cáo tài chính kiểm toán 2017, hợp đồng vẫn chưa được thực hiện.
Ngoài ra, Landmark Holding cũng trở thành Tổng thầu thi công kết cấu phần thân và hoàn thiện công trình của Dự án Thành An Tower theo Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 36/HĐXD/2017 ngày 6/12/2017. Tới cuối 2017, Công ty Ba Đình đã tạm ứng lại 15% giá trị gói thầu, tương ứng khoảng 77,96 tỷ đồng.
Những tưởng, việc có sự xuất hiện của Landmark Holding với nguồn tài chính thực đổ vào, Dự án Thành An Tower sẽ được triển khai thông đồng bén giọt, thì ngày 16/5/2018, trong buổi làm việc với Đoàn giám sát HĐND TP. Hà Nội, dự án này đã bất ngờ bị UBND quận Thanh Xuân kiến nghị thu hồi do chậm trễ triển khai. Không những vậy, tính đến thời điểm giữa tháng 3/2018, nguồn tin của Báo Đầu tư Bất động sản cho biết, Dự án 21 Lê Văn Lương vẫn nợ ngân sách nhà nước 74,7 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Trước đó, từ tháng 6/2016, Chi cục Thuế quận Thanh Xuân đã có công văn gửi Công an quận Thanh Xuân đề nghị phối hợp thực hiện các biện pháp cưỡng chế tiền sử dụng đất với Tổng công ty Thành An - Dự án 21 Lê Văn Lương với số nợ thuế hơn 188 tỷ đồng.
Đây cũng chính là lý do khiến ngay sau khi Landmark Holding vào thi công, dự án chỉ được tái khởi động một thời gian rồi tiếp tục điệp khúc bê trễ. Theo thông tin mới nhất từ Landmark Holding, ngày 4/6/2018, doanh nghiệp này đã ra Nghị quyết số 04/2018/NQ-HDQT về việc thoái vốn tại Công ty Ba Đình và góp vốn thành lập 2 công ty mới triển khai 2 dự án tại quận 3, TP.HCM và tại Long Biên, Hà Nội. Tuy nhiên, khả năng thoái vốn không dễ, bởi không nhiều nhà đầu tư mặn mà với Dự án Thành An 21 Lê Văn Lương khi dự án này không chỉ vướng mắc về nghĩa vụ tài chính, mà còn có tiền sử xấu với nhiều khách hàng cũ chưa giải quyết xong.
Cụ thể, Dự án Thành An 21 Lê Văn Lương được giao đất từ năm 2009 và đã tổ chức lễ khoan nhồi cọc, nhưng mãi cho đến tháng 3/2017, Dự án mới được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, từ trước thời điểm được cấp phép, chủ đầu tư dự án đã huy động vốn của nhiều khách hàng. Theo phản ánh của một số khách hàng, khi ký hợp đồng đặt mua căn hộ Dự án Thành An Tower, họ phải đóng 10% tổng giá trị căn hộ, sau đó nộp thêm 30%, nếu không sẽ bị hủy bỏ quyền mua.
Sau khi nộp hàng chục tỷ đồng cho chủ đầu tư, nhưng thấy dự án mãi không được triển khai, nhiều khách hàng đã liên hệ để đòi quyền lợi và được chủ đầu tư hẹn gặp làm việc tại văn phòng. Tuy nhiên, khi khách hàng đến làm việc thì thành phần dự họp của chủ đầu tư không hề có lãnh đạo, nên vụ việc không được giải quyết rốt ráo.
Chưa xử lý xong nghĩa vụ tài chính đã đem thế chấp ngân hàng? Thông tin từ Cục đăng kiểm quốc gia Bảo đảm của Bộ Tư Pháp, từ ngày 19/12/2017, Công ty Ba Đình đã đem thế chấp toàn bộ các quyền tài sản hiện tại, hình thành trong tương lai và quyền phát triển dự án hình thành trong tương lai thuộc sở hữu hợp pháp của công ty này liên quan đến Dự án Thành An Tower theo hợp đồng hợp tác kinh doanh ký với Tổng công ty Thành An cho khoản vay 250 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Chi nhánh Trung Hòa Nhân Chính. |