Chữ "xá" trong cụm từ này, là tha, là bỏ qua, là không cứu xét tội danh nữa. Nói dân dã hơn, là tội được xí xóa. Tội gì cũng được xí xóa trong dịp "xá tội vong nhân". Quả là một quan niệm cực kỳ lạ. Từ đâu có quan niệm đó? Câu trả lời là từ nơi ảnh hưởng về hiếu trong quan niệm cứu độ của Phật giáo khi đi vào tâm thức dân tộc.
Vậy thì tội gì, và tội của giới nào thì được xóa, được xá? Tất nhiên, tội bất hiếu, thì không xóa được. Nhưng cái hay là xóa thì xóa cho cả "vong" và "nhân".
Như chúng ta biết, từ ngàn xưa, người Việt đã từng cho rằng, bất hiếu là tội lớn nhất. Cụ thể như, bộ luật Hồng Đức thời nhà Lê, xét về tội lớn nhất theo hình Luật nhà nước, là tội bất hiếu. Thường chế độ quân chủ, tội khi vua là tội lớn nhất phải chém đầu. Thì ở nước ta, thời ấy, bất hiếu lại là tội lớn nhất. Ngược với tội lớn, là phúc lớn. Phúc lớn nhất chính là thực hành hiếu. Nêu ra như vậy, thì đến vua cũng phải là một người con hiếu. Vua không hiếu, nước loạn từ đó.
Mùng 8 là ngày hàng tháng chúng tôi tiến lễ cầu siêu hướng về các anh linh anh hùng liệt sĩ. Mùng 8 tháng này chúng tôi cúng ở Thành Cổ Quảng Trị, cũng là bước vào ngày thứ 3 am Thụy Ứng thiết lập đàn chay siêu độ tổ tiên hướng về bốn ân. Mời quý vị đọc bài viết này chúng ta cùng chiêm nghiệm.
"Trung với Nước"
Tiết Trung nguyên về, tháng 7 xá tội vong nhân, mùng 8 là ngày rằm thiêng liêng của Dân Tộc. Nghĩ về mình về người, nghĩ bao người đã qua… tôi mãi nghĩ đến những người đã hy sinh cho non sông đất nước này, chợt nhớ câu nói của cụ Hồ: "Hiếu với dân".
Cụm từ Hồ Chủ tịch dùng: “Trung với nước, hiếu với dân”.
Hiếu với dân, chính là vì sự an nguy của dân mà lo lắng và tìm đường cứu giúp. Chỉ khi có thái độ như vậy với dân, chúng ta mới chứng minh được lòng trung với nước. Tháng 7 Vu lan, mùa báo hiếu chúng ta thử tìm hiểu xem tư tưởng này của Cụ Hồ.
Chúng ta thường nghe và quen nghe hiếu là hiếu với cha mẹ. Người có lòng hiếu, là người có lòng thương kính và sẵn sàng hy sinh phụng sự vì đối tượng mình thương kính. Hiếu với cha mẹ, thì người con sẵn sàng hy sinh vì cha mẹ. Tại sao phải hiếu với cha mẹ? Vì cha mẹ là đối tượng lớn nhất, gần nhất và đầu tiên nhất mà mình chịu ơn.
Nếu hiểu như vậy thì người có hiếu với dân là người có lòng thương kính dân và sẵn sàng hy sinh để phụng sự cho dân. Ta phải hiểu câu nói cụ Hồ là như vậy.
Cha mẹ là người sinh ra ta, quan trọng bậc nhất với sự sinh tồn kiếp làm người này của chúng ta. Nên nói, cần có hiếu với cha mẹ là điều đương nhiên đúng. Cha mẹ mang nặng đẻ đau, khó nhọc lao khổ vì con nuôi nấng, giáo dục con nên người. Cha mẹ làm điều đó vì con nhưng không đòi hỏi sự đền trả ở con cái.
Trong kinh có câu: “Mẹ già hơn trăm tuổi còn thương con tám mươi”.
Ân nghĩa như vậy của cha mẹ thật sâu nặng, nên con cái phải trả, nghĩa là phải hiếu với cha mẹ là điều đúng. So như vậy, ta thấy sao ta lại có trách nhiệm hiếu với dân? Hiếu với dân không lẽ đồng nghĩa xem dân như cha mẹ?
Chúng ta hãy xét câu nói này ở quan điểm Phật giáo xem thế nào?
Trong cơ cấu gia đình nhìn ra, dân là những người ngoài gia đình ta, những người trong cùng một nước. Nghĩa là, ngoài gia đình, tất cả đối tượng còn lại trong xã hội là dân. Ta cũng là dân. Người dân một nước.
Quan điểm của đạo Phật nhìn nhận, bất cứ người (dân) nào ta gặp trong cuộc đời này, nếu tính suốt thời gian của chiều dài luân hồi, thì ít nhất, người ta gặp đó, đã từng một lần làm cha và làm mẹ mình. Quý vị nghe lạ không?
Bụt dạy: “Này các thầy, trong suốt chiều dài luân hồi này, ta không dễ gì tìm ra một người nào chưa từng một lần làm cha hay làm mẹ mình”.
Chính từ nhận thức này mà Bụt dạy: “Tâm hiếu là tâm Bụt”. Tâm hiếu là tâm có niềm thương kính và sẵn sàng hy sinh để phụng sự vì đối tượng mình thương kính. Tâm như vậy, khi phát triển, sẽ thành tâm Bụt. Vậy tâm Bụt là tâm gì?
Tâm Bụt chính là Tâm Bồ Đề, cái tâm muốn đạt đến sự tỉnh thức lớn. Tâm Bồ Đề là quả, mà muốn có được “quả”, phải ươm mầm từ “hạt” Bồ Đề. Bụt dạy chúng sinh chính là mảnh đất để một người muốn đạt đến tỉnh thức (thành Bụt) gieo hạt Bồ Đề.
Như vậy, thứ nhất, vì gieo hạt Bồ đề mà chúng ta phụng sự chúng sinh (dân chúng). Thứ hai, chúng sinh kia vốn từng đã làm cha làm mẹ mình, tối thiểu là một lần trong luân hồi. Theo quan điểm này của Đạo Bụt, câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh "hiếu với dân" là một quan điểm đúng tinh thần Phật giáo. Hay nói cách khác, hiếu với dân chính là cách hiểu khác của phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật trong quan điểm dấn thân của đạo Phật.
Giờ ta xét câu nói này của Hồ Chủ tịch với tư tưởng dân tộc. Dân tộc ta được truyền lại từ mấy nghìn năm nay, cả dân tộc được sinh ra từ một bào thai (đồng bào). Người con dân Việt có hiếu là người biết thờ phụng tổ tiên, nối dõi dòng giống, làm rạng gia phong.
Ông cha ta từng nói: "Nhà có phép nhà, nước có phép nước".
Phạm vi nhà gọi Tổ tiên, phạm vi nước gọi Tổ quốc. Khái niệm Tổ quốc của người Việt khác với các dân tộc khác. Cụm từ Nhà - Nước chính là nội hàm ý nghĩa này. Vì vậy, cả dân tộc là một đại gia đình. Nên yêu nước, thì phải thương dân. Lấy việc thương dân, để chứng minh lòng yêu với nước.
Cội nguồn dân tộc này cũng chính là cội nguồn gia đình.
Chúng ta có Quốc tổ. Quốc tổ Hùng Vương là đứng ở không gian đất nước, núi sông khai sinh mà gọi. Chúng ta có Quốc phụ. Quốc phụ Hùng Vương là đứng trên phương diện thời gian chiều dài của dòng giống Việt tộc mà gọi.
Người Việt quan niệm, vì đại nghĩa dân tộc mà hy sinh gọi là “đại hiếu”. Vì cha mẹ trả ơn sinh thành mà hy sinh thì gọi “chí hiếu”.
Như vậy, hiếu với dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, phải được hiểu là đại hiếu. Không có chí hiếu từ trong gia đình (nhà) với cha mẹ, thì sẽ không có đại hiếu dân (dân tộc).
Trong đời mình, hai lần Cụ Hồ nói "trung với nước, hiếu với dân". Lần thứ ba Cụ nói "trung với Đảng, hiếu với dân". Nhưng khi nói "trung với Đảng, hiếu với dân", Hồ Chủ tịch đã thêm câu: "Chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội" và Cụ nói trong trường hợp nói với đảng viên.
Trong văn hóa Việt, hiếu với trung ý nghĩa không tách rời khỏi nhau. Trung chính là người có đại hiếu. Trung với Tổ quốc được bao hàm ý nghĩa vì dân. Nên chữ “trung” ở đây không có nghĩa trung thành.
Đối tượng cho “lòng trung” của người Việt chính là nước, vì nước là của dân. Nên trung với nước là phải đứng về phía dân.
Nước hay Tổ quốc chính là “nhà” hiểu theo nghĩa rộng.
Trong không vì nhà, thì ngoài khó mà vì nước. "Vì nhà", thì hiếu với cha mẹ, là “xây dựng nhân cách cho mình”. "Vì nước", thì lấy hiếu với dân làm mục đích “dấn thân phụng sự cho cộng đồng dân tộc (nước).
Tháng 7 về, nhớ đến các bậc tiền nhân đã anh dũng hy sinh, các anh linh chiến sĩ, anh hùng liệt sĩ đã hy sinh. Các vị nằm xuống là vì dân, vì lấy nước làm đối tượng hy sinh cho lòng trung danh giá, cao quý vô cùng của các anh.
Nối tiếp tiền nhân, chỉ khi chúng ta thực sự hiểu và làm trong tinh thần “hiếu với dân, thương kính dân và sẳn sàng hy sinh để phụng sự dân”. Chỉ như vậy, chúng ta mới xứng đáng với các bậc tiền nhân hy sinh để tiếp nối: “trung với nước”.
Thuở nhỏ, thầy tôi thường dạy tôi: “Yêu nước thì phải thương dân, mà thương dân thì phải hành động từ những việc làm cụ thể nhất, gần mình nhất. Con nên nhớ, lấy việc thương dân để chứng minh cho lòng yêu nước”.
Ngày nay, nhìn những gì đất nước đang trải qua, nhìn những gì người lãnh đạo đất nước đang làm cho dân, phải hiểu như thế nào về lòng trung của họ với nước?
Cây hương trong ngày báo hiếu của dân tộc thắp lên trước các anh linh tiền nhân, các anh hùng chiến sĩ hy sinh vì độc lập vững bền cho non sông này, chúng ta đã xứng đáng chưa?
Cách đây mấy hôm có dịp được hầu chuyện cùng Nhà giáo ưu tú, cụ Vũ Thế Khôi. Cụ Khôi cho biết, có một bài "hiếu kinh" từng được Hội Thiện giảng ở đền Ngọc Sơn, Hà Nội. Đây là một trích đoạn của bài hiếu kinh đó:
Vạn ác dâm vi thủ,
Bách hạnh hiếu tác tiên.
Hiếu trị nhất thân, nhất thân tư lập,
Hiếu trị nhất gia, nhất gia tư hòa,
Hiếu trị nhất quốc,nhất quốc tư nhân,
Hiếu trị thiên hạ,thiên hạ tư bình,
Hiếu sự thiên địa, thiên địa tư thành thông:
Ư thiên hạ vô phân quý tiện.
Tạm dịch:
Vạn cái ác, dâm dục đứng đầu,
Trăm nết tốt, hiếu là trước tiên.
Lấy hiếu sửa mình thì thân lập được,
Lấy hiếu tề gia thì nhà thuận hòa,
Lấy hiếu trị quốc thì nước nhân nghĩa,
Lấy hiếu bình thiên hạ thì thiên hạ thái bình,
Lấy hiếu thờ trời đất thì trời đất hanh thông:
Dưới gầm trời không còn phân ra sang hèn.