Aa

Liệu khi nào Việt Nam có thể đón lượng du khách quốc tế bằng dân số của chúng ta?

Thứ Ba, 02/01/2024 - 05:51

Tầm nhìn và trí tưởng tượng thực sự có thể định hình cái mà chúng ta muốn cho ngành du lịch tương lai. Có thể nhìn ra thế giới để tham khảo.

Hậu Covid-19, để phục hồi kinh tế, hầu hết các nước đều lấy du lịch làm điểm tựa. Cạnh tranh thu hút khách quốc tế vì thế cũng trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết.
LS. TS. Đoàn Văn Bình

May thay, mỗi nước đều có những lợi thế riêng biệt về vị trí, tự nhiên, lịch sử, văn hóa, ẩm thực, di sản, hạ tầng, quyền lực mềm… nên sự cạnh tranh này dù khốc liệt, nhưng không phủ định hoàn toàn lẫn nhau, đôi khi còn bổ trợ cho nhau, tạo ra một bữa tiệc đa dạng để du khách trải nghiệm theo thời gian, không gian và khẩu vị khác nhau.

Việt Nam coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nghĩa là rất coi trọng ngành công nghiệp không khói này. 

Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 mới ban hành ngày 22/1/2020 thì Đại dịch ập đến, các mục tiêu đều không thể đạt. Đích đến của Chiến lược vẫn còn đó: Đón 35 triệu và 50 triệu lượt khách quốc tế tương ứng đến 2025 và 2030.

Năm 2023, ngành du lịch đặt mục tiêu 8 triệu khách quốc tế, thực tế đạt 12,5 triệu! Năm nay, đặt mục tiêu tương đương năm 2019. 

Dù thế giới đang chìm trong khó khăn, nhưng nhiều tín hiệu lạc quan thể hiện ở kết quả của năm 2023 và hình ảnh đại diện sân bay Phú Quốc, các bãi biển, phố đi bộ, chợ đêm nơi đây được phủ đầy du khách quốc tế vào những ngày đầu tiên của năm mới 2024. 

Cần nói thêm, khách quốc tế năm nay đến Phú Quốc đa dạng hơn. 

Bạn có thể nghe thấy tiếng Nhật Bản, tiếng Hàn Quốc, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ấn Độ, tiếng Ả Rập, tiếng Kazakh, tiếng Uzbek… tại Phố đi bộ và chợ đêm Sonasea Shopping Center, ngay cạnh Novotel Phuquoc Resort và Best Western Sonasea Phuquoc. 

Phải chăng, ngành du lịch nên đặt ra các mục tiêu cao hơn nữa để "bù" cho các năm 2020, 2021, 2022 và hướng đến đạt được mục tiêu của cả Chiến lược trong đó có đóng góp vào GDP, tạo việc làm và tác động lan tỏa.

Xa hơn, một chiến lược du lịch xứng với tiềm năng và tầm của ngành kinh tế mũi nhọn thể hiện ở nhiều khía cạnh, trong đó có lượng khách du lịch quốc tế cần được đặt ra.

Tầm nhìn và trí tưởng tượng thực sự có thể định hình cái mà chúng ta muốn cho ngành du lịch tương lai.

Có thể nhìn ra thế giới để tham khảo.

Thứ nhất, có đến 51 quốc gia và vùng lãnh thổ đón lượng du khách quốc tế lớn hơn dân số là Andorra, Macao, British Virgin Islands, Turks and Caicos Islands, Aruba, Monaco, Northern Mariana Islands, Guam, Bahrain, Saint Maarten, Palau, Cayman Islands, US Virgin Islands, Malta, Hongkong, The Bahamas, Bermuda, Iceland, Maldives, Austria, Curacao, Croatia, Antigua and Barbuda, Seychelless, San Marino, Estonia, Montenegro, Singapore, Cyprus, Greece, St. Kitts and Nevis, Ireland, Barbados, St. Lucia, Luxembourg, Denmark, Georgia, Liechtenstein, Spain, Qatar, Grenada, France, Hungary, Slovenia, Albania, Slovak Republic, Dominica, Switzerland, UAE, Bulgaria, Czech Republic;

Liệu khi nào Việt Nam có thể đón lượng du khách quốc tế bằng dân số của chúng ta?- Ảnh 3.

Đảo Cây cọ, Dubai.

Đứng đầu là Andorra với dân số chỉ 70.000 người trong khi hàng năm đón đến 2,36 triệu khách quốc tế. Tỷ lệ là 33,5:1. Nghĩa là cứ mỗi người dân đón gần 36 du khách từ nước ngoài. Macau là 24,8. BVI là 12,8. Đứng thứ 9 là Ba-ranh với tỷ lệ 7,6. Cộng hòa Séc đứng thứ 51 với tỷ lệ trên 1.

Đáng chú ý, khu vực Asean có Singapore với mỗi người dân đón hơn 2 du khách; khu vực Đông Bắc Á có Hongkong, Macau, Guam; Nam Á có Maldives; Tây Á có Qatar, Ba-ranh, UAE. Dù không có danh sách nhưng Thái Lan đã tiệm cận tỷ lệ 1:1 trước Đại dịch và đang tiến nhanh đến tỷ lệ này một lần nữa.

Liệu khi nào Việt Nam có thể đón lượng du khách quốc tế bằng dân số của chúng ta?- Ảnh 4.

Pháp luôn trong nhóm dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh du lịch châu Âu và toàn cầu.

Thứ hai, các nước này đều rất coi trọng du lịch và rõ ràng du lịch mang lại trái ngọt, đóng góp chính hoặc ít nhất là quan trọng trong GDP.

Thứ ba, có thể nói, hầu hết các nước này đều trở lên giàu có nhờ du khách quốc tế "nuôi" công dân trong nước.

Theo thống kê, chi tiêu bình quân một lượt khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng nhẹ từ mức 1.141,5 USD năm 2017 lên 1.151,7 USD năm 2019. Như vậy, cứ thêm mỗi triệu du khách quốc tế, ngành du lịch Việt Nam sẽ thu thêm trên 1,15 tỷ USD và tạo ra hàng vạn việc làm! Ngoài vấn đề nhà ở, y tế, giáo dục thì việc làm là thứ chúng ta cần hướng đến lúc này nhất.

Năm 2023, riêng Đảo Ngọc Phú Quốc chào đón 5,4 triệu lượt du khách trong đó có trên 521.000 lượt du khách quốc tế trong khi dân số khoảng 180.000 người. Như vậy, mỗi người dân Phú Quốc đón gần 3 du khách nước ngoài và trên 27 du khách trong nước hay đạt tỷ lệ 3:1 và 27:1. Kết quả đáng ghi nhận này cần được nhân rộng ở các địa phương khác.

Phú Quốc được thiết kế để trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng của khu vực và thế giới, chứ không phải chỉ là hòn đảo địa phương nổi tiếng với nước mắm, hạt tiêu. Phú Quốc hoàn toàn có thể làm tốt hơn thế nếu nhu cầu có khả năng chi trả hồi phục, nếu quản lý tốt hơn, nếu quảng bá bài bản hơn và nhiều cái nếu nữa.

Liệu khi nào Việt Nam có thể đón lượng du khách quốc tế bằng dân số của chúng ta?- Ảnh 5.

Cơ sở lưu trú chất lượng có đóng góp quan trọng cho ngành du lịch trong việc thu hút khách quốc tế. (Ảnh minh họa).

Còn nhớ, chúng tôi khai trương khu nghỉ dưỡng đầu tiên tại Phú Quốc từ năm 2016. Kể từ đó đến năm 2019, hãng lữ hành lớn nhất châu Âu TUI và vài hãng lữ hành của Italia luôn đặt 120 phòng liên tục từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Mùa đông của châu Âu là mùa du khách bay về hướng mặt trời (fly to the Sun). 

Họ đến đây 2 tuần, ăn, nghỉ, phơi nắng, đọc sách, bơi, chạy bộ, ngắm hoàng hôn và chi tiêu. Ngắm nhìn du khách nằm phơi nắng đầy bãi biển mang đến cho chúng tôi niềm vui khôn tả, khích lệ chúng tôi phát triển thêm nhiều cơ sở lưu trú để đóng góp cho ngành du lịch.

Thế rồi, phải đến Tết dương này, chúng tôi mới lại có cảm xúc thân quen của 4 năm dài đằng đẵng về trước.

Năm mới đến, chúc cho ngành du lịch Việt Nam tiến xa để sớm vào Câu lạc bộ các quốc gia đón du khách quốc tế nhiều hơn dân số!

LS. TS. Đoàn Văn Bình

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA)

Nhà sáng lập & Chủ tịch Tập đoàn CEO (CEO GROUP)

Thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top