Aa

Liệu pháp miễn dịch: Hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư

Chủ Nhật, 16/06/2019 - 06:00

Từ những nghiên cứu phát hiện của hai giáo sư, hiện nay y học thế giới đi theo hai hướng nhưng khá gần nhau về nguyên tắc của phương pháp trị liệu ung thư mới...

Giải Nobel Y học năm 2018 vừa rồi được trao cho hai giáo sư: Ngài James P. Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) cho những phát kiến của họ về vai trò của hệ miễn dịch cơ thể trong việc điều trị căn bệnh ung thư.

Vậy hệ miễn dịch là gì?

Hệ miễn dịch là hệ thống bảo vệ vật chủ gồm nhiều cấu trúc và quá trình sinh học của cơ thể chống lại các yếu tố gây bệnh: vi khuẩn, virus, tế bào lạ... Nói một cách đơn giản, nó chính là một đội quân thường trực có sẵn trong cơ thể con người, sẵn sàng tiêu diệt mọi yếu tố bệnh tật xâm nhập vào chúng ta.

Tế bào ung thư chính là một loại tế bào lạ, nó sinh ra một cách bất thường, phát triển vô tổ chức, nó hút hết mọi dưỡng chất làm cho cơ thể suy kiệt. Và nó nhân lên, phình to ra vô độ gây chèn ép vô hiệu hóa mọi hoạt động của các cơ quan khác khiến cho người ta tử vong.

Vậy thì câu hỏi ở đây được đặt ra là, tại sao trong cơ thể của các bệnh nhân ung thư, hệ miễn dịch vẫn còn nguyên vẹn mà khi tế bào ung thư xuất hiện thì hệ thống miễn dịch lại không hoạt động và không tiêu diệt những tế bào lạ vừa manh nha xuất hiện kia ngay, như nhiệm vụ đã được mặc định của nó? Đó cũng chính là câu hỏi mà hai vị giáo sư đáng kính đã từng trăn trở, vật vã bao năm để đi tìm câu trả lời thỏa đáng.

Giáo sư James P.Allison trong quá trình nghiên cứu đã phát hiện ra trong cơ thể chúng ta có một chất protein sinh học viết tắt là CTLA-4, đóng vai trò như một cái “phanh” hãm không cho hệ miễn dịch thực hiện chức năng tiêu diệt tế bào ung thư khi nó mới xuất hiện! Và giáo sư đã tìm cách “thả phanh”, vô hiệu hóa cái chất CTLA-4, để hệ miễn dịch được thực hiện đúng chức năng của nó: tiêu diệt tế bào ung thư!

Cơ chế hoạt động của protein CTLA - 4 trong việc điều trị ung thư, phát hiện của ông Allison. Ảnh: Twitter/Nobel Prize

Cơ chế hoạt động của protein CTLA - 4 trong việc điều trị ung thư, phát hiện của ông Allison. Ảnh: Twitter/Nobel Prize

Giáo sư Tasuku Honjo thì phát hiện ngay trên tế bào miễn dịch cũng có một chất protein sinh học đặt tên là PD-1, chất này cũng làm ức chế tế bào miễn dịch, khiến cho nó ở trạng thái như ngủ đông trước tế bào ung thư. Và giáo sư T. Honjo cũng tìm cách để cho tế bào miễn dịch của cơ thể chúng ta thoát ra khỏi sự kìm hãm của cái chất PD-1 kia mà hăng hái đi tiêu diệt các tế bào ung thư xuất hiện trong cơ thể.

Cơ chế hoạt động của protein PD-1 trong việc điều trị ung thư, phát hiện của ông Honjo. Ảnh: Twitter/Nobel Prize

Cơ chế hoạt động của protein PD-1 trong việc điều trị ung thư, phát hiện của ông Honjo. Ảnh: Twitter/Nobel Prize

Từ những nghiên cứu phát hiện của hai giáo sư, hiện nay y học thế giới đi theo hai hướng nhưng khá gần nhau về nguyên tắc của phương pháp trị liệu ung thư mới:

Một là tìm cách kích hoạt hệ thống miễn dịch hoạt động mạnh lên ngay tại chỗ các tế bào ung thư. Các tế bào miễn dịch sau khi được “thả phanh” sẽ làm nhiệm vụ tiêu diệt hết luôn các tế bào ung thư xuất hiện trong cơ thể.

Hai là lấy tế bào miễn dịch có khả năng tiêu diệt ung thư ra khỏi cơ thể, nhân lên, biệt hóa nó, tăng sức mạnh cho nó. Và truyền trở lại cơ thể bệnh nhân để nó làm nhiệm vụ tiêu diệt tế bào ung thư.

Không nói trên thế giới, ngay tại Việt Nam hiện nay cũng có khá nhiều cơ sở y tế đã nhanh chóng tiếp cận nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp điều trị ung thư trên cơ sở các phát kiến khoa học mới này. Thậm chí, Giáo sư Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội Tạ Thành Văn còn là người được học tập, nghiên cứu và làm việc trực tiếp trong phòng thí nghiệm của giáo sư Tasuku Honjo kia.

Hiện nay, Bệnh viện Đại học Y của trường Đại học Y Hà Nội đang triển khai theo hướng thứ hai: Lấy tế bào miễn dịch của bệnh nhân ra, làm các liệu pháp rồi truyền trở lại cơ thể cho bệnh nhân, lượng tế bào miễn dịch này sẽ làm nhiệm vụ tiêu diệt các tế bào ung thư!

Mọi ứng dụng của phương pháp này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, hy vọng nó sớm được công nhận và đưa vào áp dụng rộng rãi cho bệnh nhân. Nhưng nghe nói, phương pháp này không hề rẻ tí nào và nó chỉ hữu dụng cho những bệnh nhân phát hiện ung thư khá sớm, từ giai đoạn 3 trở lại.

Cũng đúng thôi, bởi về nguyên tắc, liệu pháp miễn dịch là dựa vào chính khả năng tiêu diệt tế bào ung thư của hệ miễn dịch trong cơ thể. Đội quân miễn dịch ấy cũng không phải là vô tận và sức mạnh vô biên, nó cũng chỉ có thể tấn công tiêu diệt lũ tế bào ung thư quái ác kia trong một khả năng giới hạn, còn như nhiều quá thì nó cũng... đầu hàng! Và khi đó thì chỉ còn biết cầu Chúa, Trời, Thần, Phật...

Bởi thế cho nên, thường xuyên khám sức khỏe, tầm soát ung thư sớm là một việc rất nên làm. Phát hiện sớm khi khối u chưa lớn, chưa di căn, số lượng tế bào ác tính trong cơ thể chưa nhiều thì rõ ràng là hệ miễn dịch của chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc xử lý.

Nhân đây xin nhắc lại để các bạn nhớ: Cho đến giờ phút này, nền y học thế giới cũng như Việt Nam chưa công nhận bất kỳ loại thuốc Nam, thuốc Bắc, lá lẩu... của ông lang bà mường nào đó có tác dụng chữa ung thư. Tuyệt đối không. Thế nên mọi thông tin quảng cáo về thứ nọ thứ kia, người nọ người kia chữa được ung thư trên bất kỳ phương tiện thông tin nào đều là lừa bịp. 100% lừa bịp. Tôi xin nhấn mạnh vậy!

Thật ra thì căn bệnh ung thư quái ác cho đến giờ phút này vẫn là một nan đề với khoa học y học. Thậm chí nhiều nhà khoa học lớn trên thế giới đã cho rằng nó là căn bệnh của chuyển hóa, bệnh của “Chúa”, nên không có cách gì chống lại được. Sự phát minh ra các phương pháp trị bệnh mới như liệu pháp miễn dịch nói trên cũng sẽ chỉ kéo dài và nâng cao chất lượng cho cuộc sống của chúng ta mà thôi.  

Mà chất lượng sống, đấy chẳng phải là điều tất cả chúng ta hướng đến sao?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top