Aa

Chuyện bà đầm xòe!

Chủ Nhật, 19/05/2019 - 06:00

Bà đầm xòe, là từ dân Hà Nội hồi thuộc Pháp chỉ phiên bản tượng Nữ Thần Tự Do đã từng có ở nơi đây.

Bản chính của tượng Nữ Thần Tự Do (Liberty Enlightening the World) đặt mãi bên Mỹ. Tại đảo Liberty của thành phố cảng New York. Công trình tượng này là của nước Pháp tặng nước Mỹ do kiến trúc sư F. Barthodi thiết kế. Khánh thành năm 1886. Một bức tượng khổng lồ, cao tới 46m chưa kể chân đế!

Nhân tiện đấy, nước Pháp khi ấy bèn làm thêm hai phiên bản của nữ thần. Hình như hoàn thành vào năm 1887. Một cái cao 11m đem đặt tại đảo Thiên Nga trên dòng sông Seine giữa thủ đô Paris hoa lệ. Nay vẫn còn.

Một cái nhỏ hơn, cao 2,85m đem sang xứ Annam. Mới đầu đặt ở vườn hoa Chí Linh - dân Hà Nội hay gọi là vườn hoa Nhà Kèn - nay là chỗ đặt tượng cụ Lý Thái Tổ. Sau nhà cầm quyền lại muốn lấy chỗ đó để đặt tượng ngài toàn quyền Paul Bert nên di dời tượng nữ thần qua chỗ khác.

Riêng chuyện di dời này cũng vui phết! Chả là trong khi đợi xây dựng bệ tượng, họ bèn ngả tượng nữ thần và tượng quan toàn quyền ra bãi cỏ vườn hoa. Hai ông bà nằm sóng đôi! Trẻ con trên phố đi qua thấy vậy bèn đồng dao:

“Ông bôn be lấy bà đầm xòe

Trước nhà kèn ò e ý e...”

Rồi tượng bà đầm xòe được đem đặt lên đỉnh Tháp Rùa, giữa Hồ Gươm! Việc này gây nên một sự phẫn nộ lớn trong dân chúng Hà Nội và cả nước Việt. Ai lại đem chụp cái váy đàn bà lên đỉnh Tháp Rùa? Rồi ra cụ rùa thỉnh thoảng hiển linh leo lên bãi cỏ chân tháp nằm nghỉ, ngước mắt lên nhìn trời xanh, nhỡ nhìn lạc cả vào trong váy bà đầm, thấy cái gỉ gì gi của bà... thì ra làm sao!

Đúng là hồi ấy dân ta lạc hậu thật, chứ bây giờ văn minh tiến bộ rồi, mà thế lại cho là hay ho ngay, mỹ học và gợi cảm! Cơ mà lúc bấy giờ dân tình sôi sục phẫn uất lắm. Thế là nhà cầm quyền hoảng, đành dỡ xuống đem về vườn hoa Cửa Nam đặt ở đó. Thế mới biết xem ra chính quyền thực dân đế quốc cũng... hiền! Thấy nhiều người phản đối nó liền rút lui! Phải chính quyền chuyên chính vô sản của nhân dân ta xem, thì còn lâu, nhé!

Nhưng cái bà đầm xòe này ở đấy cũng chưa yên. Đến năm 1945 nước nhà độc lập. Ngày 1/8 năm ấy, thị trưởng Hà Nội là bác sĩ Trần Văn Lai dưới quyền chính phủ cụ Trần Trọng Kim cho xóa sạch tàn dư thực dân phong kiến, đổi tên đường, giật đổ ráo các tượng mấy ông tây bà đầm!

Tượng bà đầm xòe ở vườn hoa Cửa Nam cũng chung số phận. Bà đầm xòe bị bỏ nằm lăn lóc chán chê, dân làng Ngũ Xã chuyên đúc đồng gần đó thấy vậy bèn xin về, nấu chảy, đúc thành một pho tượng Phật khổng lồ nay để ở chùa Ngũ Xã. Xong. Thế là xong chuyện tượng bà đầm xòe ở Hà Nội!

Người viết bài này vốn học tại Trường Đại học Dược Hà Nội, trên phố Lê Thánh Tông nên suốt ngày đánh võng chỗ vườn hoa Yersin, Pasteur. Vẫn thấy tượng hai cụ ở đấy. Cũng Tây đặc. Cũng dựng từ trước 1945.

Biết chuyện các tượng ông tây bà đầm bị giật đổ nấu đồng do ông bác sĩ thị trưởng Trần Văn Lai chủ trương, chợt nghĩ, là do ông Trần Văn Lai xuất thân bác sĩ, chắc cũng học ở 13 - 15 Lê Thánh Tông nên biết hai ông này là Tây nhưng có công giúp ta, ông A. Yersin đã từng là hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Y - Dược Hà Nội nên mới không sai người kéo đổ tượng. Chắc thế. Nay hai vườn hoa ở trước cửa Viện Giải Phẫu vẫn còn, vẫn mang tên L. Pasteur và A. Yersin. Tượng đồng của hai cụ vẫn còn nguyên, may thế!

Nhưng mà ngồi nghĩ thêm một tí nữa thì thấy tiếc. Tiếc đứt ruột ra í! Giá mà ngày xưa dân ta không hung hăng kéo đổ tượng bà đầm xòe, thì bây giờ Hà Nội đã có thêm một thắng cảnh mà khách du lịch đến thể nào cũng tới... check in. Chắc chắn. Tiếc!

Lúc ấy sau gần trăm năm bị đô hộ, dân Việt ta tinh thần độc lập lên cao vời vợi, thế là cả nước hè nhau cứ tây đầm là... giật đổ ráo. Chứ có ai suy nghĩ gì đến việc bà đầm xòe kia thực chất là Thần Tự Do. Mà tự do, ấy là điều cao quý nhất của đời sống con người. Có tự do, con người sẽ làm nên được những điều vĩ đại. Không tin, bạn hãy nhìn sang nước Mỹ, đất nước được mệnh danh là “Thế giới tự do”. Họ đã làm được những gì?

Đến đây có bạn sẽ hỏi, sao tự dưng ông lại nói chuyện tượng bà đầm xòe làm gì?

Có lý do cả. Chuyện là gần đây dân tình đang xôn xao về việc xứ đạo Bùi Chu họ định “hạ giải” (một từ rất hay dùng thay thế cho từ “đập bỏ” - thế mới biết tiếng Việt ta phong phú thật!) cái nhà thờ cổ rất đẹp đã 134 năm tuổi. Dư luận từ trong đến ngoài nước phản ứng dữ dội lắm.

Bởi một khi đã là công trình tồn tại qua hàng trăm năm, đã là chứng tích của rất nhiều sự kiện lịch sử. Và nó lại đẹp xét theo tiêu chí thẩm mỹ kiến trúc nữa thì nhiều khi nó không còn là tài sản tinh thần của một cá nhân, gia đình hay cộng đồng nào nữa. Nó đã thành tài sản tinh thần chung của cả đất nước.

Ứng xử với nó là phải hết sức thận trọng. Đập bỏ là xóa đi một phần ký ức của cộng đồng, của dân tộc. Cho dù ký ức ấy có huy hoàng hay đen tối, vui vẻ hạnh phúc hay là đau đớn âm u. Nó vẫn là những cái vô giá mà người đời sau mỗi khi đến thăm, nhìn thấy, đứng bên sẽ cảm được như có nỗi niềm, có tinh thần của những lớp tiền nhân vang vọng phảng phất đâu đây.

Thế nên các di tích lịch sử văn hóa cần phải được tôn tạo giữ gìn nghiêm cẩn truyền đến muôn đời. Có những cái đó mới tôn nên tầm vóc văn hóa của dân tộc chúng ta.

Chúng ta từng có những bài học đau đớn bắt đầu từ năm 1945! Không chỉ là tượng bà đầm xòe. Còn bao nhiêu chùa chiền miếu mạo đền thờ... mà cha ông ta trải qua hàng trăm năm, hàng ngàn năm mới xây đắp lên đã bị biến thành tro bụi cả.

Giờ đây lại đang có một phong trào lừng lẫy xây cất chùa chiền, miếu mạo, nhà thờ. lăng tẩm... to đẹp khổng lồ trên khắp nước. Nhưng khi đứng bên những “công trình” vĩ đại “nhất nhì thế giới” toàn bằng bê tông cốt thép vô cảm kia, bạn có thấy hồn dân tộc Việt ở đó không?

Tôi thì không!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top