Aa

Tôi học ngữ pháp!

Chủ Nhật, 02/06/2019 - 06:00

Ngữ pháp là cái món gì mà nó hành hạ tôi, mà chẳng cứ riêng tôi, chắc nhiều người như tôi, bị nó hành cho khốn khổ cả một thời tuổi trẻ đến vậy?

Chuyện từ xửa xưa.

Hồi tôi đi học, hình như các tiết ngữ pháp có từ lớp 3, lớp 4 gì đấy. Thực lòng, đó là một trong những tiết học khủng khiếp với tôi. Cực kỳ khốn khổ khi mãi tôi chả phân biệt được đâu là động từ rồi tính từ với cả trạng từ... Cứ mỗi lần thầy cô gọi đứng lên trả bài là tôi chỉ đành biết ấp úng, ngậm hột thị trong miệng - lời thày giáo dạy lớp 5, tôi nhớ rõ, mà chẳng nói được lời nào. Bởi tôi có biết gì đâu mà nói?

Lên các lớp cao hơn, tình hình cũng không khá hơn là bao. Môn ngữ pháp với các quy tắc lộn mù của nó luôn khiến tôi đau đầu và gấp béng sách lại, kệ mọi chuyện đến đâu thì đến! Thế nhưng năm lớp 7 (cuối cấp 2 khi ấy) thậm chí tôi lại được một thày giáo phụ trách đội tuyển Văn của trường gọi vào bồi dưỡng và đi thi học sinh giỏi Văn cấp huyện kia!

Chuyện là tuy rất ghét ngữ pháp nhưng tôi lại rất mê đọc truyện. Tôi có thể chui vào một xó xỉnh nào đó, ôm quyển sách cả ngày mà quên hết mọi sự xung quanh. Tôi mê Truyện Kiều, đã đọc đi đọc lại nhiều lần từ bé. Nên đến hôm làm văn bình tả Kiều, tôi tha hồ phát huy trí tưởng tượng và lòng mê gái đẹp ra viết. Thế là bài văn được thày cho điểm rất cao và đưa ngay vào đội tuyển.

Nhưng đến kỳ thi huyện, vớ ngay đề thi bình tán một bài thơ cách mạng, tôi lại ngậm bút như thường lệ! Tôi chỉ viết được vài dòng gì đấy và tất nhiên chả được giải gì! Chuyện này mấy ông bạn thân hồi ấy cũng đi thi cùng, được giải cao còn nhớ rõ và thỉnh thoảng lại lôi ra bôi bác tôi! Còn tôi cho đến giờ này vẫn cảm thấy ân hận vì đã phụ lòng tin của người thày năm xưa...

Vào cấp 3, bọn tôi học ngoại ngữ là môn Anh Văn. Cô giáo dạy môn này là Ms. Phương, một cô giáo trẻ. Và nỗi khốn khổ của tôi tiếp diễn bởi lên cấp 3, hình như ngữ pháp tiếng Việt ít tiết hơn, môn Văn chủ yếu là bình giảng tác phẩm gì đó, nhưng đã có môn Anh Văn thay thế.

Tôi không hiểu tại sao mà cái môn tiếng Anh kia người ta lại soạn sách giáo khoa nhiều về ngữ pháp đến vậy! Tôi vẫn rợn tóc gáy khi nghĩ lại lúc xưa cày cuốc về những cách chia động từ hiện tại, quá khứ, quá khứ tiếp diễn...

Ôi trời! Rồi lúc đi học đại học, môn ngoại ngữ chính cũng vẫn là tiếng Anh! Và món ngữ pháp tiếng Anh vẫn tiếp tục là ác mộng của tôi! Mỗi khi phải trả bài trước cô giáo trẻ đẹp thì thật là không tả nổi cảm giác khi ấy, bởi lúc đó tôi đã khá lớn, thậm chí đã biết rung rinh rồi kia. Khốn khổ thân tôi! Tôi không hiểu là người ta cứ cố nhồi nhét cho chúng tôi những cách chia động từ tiếng Anh thì hiện tại, quá khứ, rồi là quá khứ tiếp diễn, quy tắc nọ kia để làm gì?

May thay, tôi tuy dốt ngữ pháp nhưng lại có một trí nhớ khá tốt. Trải qua bao năm học, tôi nhớ được nhiều từ tiếng Anh. Và thế là khi đi ra nước ngoài, tôi có thể giao tiếp khá tự tin. Và khi đó bỗng chợt hiểu, bỏ qua cái món ngữ pháp chết tiệt kia thì thực ra tiếng Anh cũng khá là đơn giản! Mà chả cứ tiếng Anh, tiếng Việt cũng vậy! Ta cứ bỏ qua ngữ pháp là mọi chuyện bỗng trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều!

Vậy ngữ pháp là cái món gì mà nó hành hạ tôi, mà chẳng cứ riêng tôi, chắc nhiều người như tôi, bị nó hành cho khốn khổ cả một thời tuổi trẻ đến vậy?

Ngữ pháp, hiểu một cách đơn giản và chính xác nó là những quy tắc cần theo để nói và viết đúng một ngôn ngữ. Thế thôi! Thế nhưng sai lầm lớn của các nhà giáo dục nước ta khi dạy tiếng Việt hay cả các môn ngoại ngữ khác là quá coi trọng ngữ pháp: cách nói, cách viết sao cho đúng.

Mà họ quên rằng, quan trọng nhất của học ngôn ngữ nào đó là, biết nói đã! Nên cần phải tập trung chủ yếu vào kỹ năng biết nói đầu tiên chứ không phải đã vội vàng dí vào đầu học sinh mớ kiến thức hàn lâm về ngữ pháp! Nói còn chưa xong thì tính gì đến sai với đúng?

Vả lại theo trải nghiệm của mình, tôi cho rằng ngữ pháp, rốt cuộc nó chỉ để dành cho các sinh viên chuyên ngành để thành nhà nghiên cứu ngôn ngữ, các nhà lý luận nọ kia. Còn người thường, cứ nói sao cho người đối thoại hiểu là xong!

Đọc đến đây chắc sẽ có người hỏi, thế rốt cuộc nên dạy môn Văn ở phổ thông thế nào cho hợp lý? Tôi cho rằng cách dạy môn này đúng đắn nhất là giản tiện tối đa những tiết học ngữ pháp, lý luận xơ cứng vô bổ, mà thay vào đó là tăng cường cho học sinh đọc thật nhiều sách văn học, nhiều thể loại, của nhiều tác giả. Cứ đọc nhiều học sinh nó sẽ giỏi tiếng Việt, chắc chắn!

Còn môn Anh văn, thay vì các tiết học đau đầu về chia chác động từ nọ kia, hãy cho học viên nghe nói nhiều và nhất là hội thoại với giáo viên có ngôn ngữ gốc là tiếng Anh, tức khắc sẽ giỏi, thế thôi!

Thế thì môn ngữ pháp nói chung bỏ đi sao? Ồ, không. Đấy là môn cực quan trọng để dành... cho các nhà nghiên cứu, các học giả, dịch giả! Còn chúng ta là người sử dụng các ngôn ngữ - sinh ngữ trong đời sống hàng ngày thì quan tâm đến nó quá làm gì, phải không các bạn?

Chỉ là trả lời một bạn đọc, đọc xong sách của mình, nhắn bảo nhà văn sử dụng ngữ pháp tiếng Việt thật điêu luyện. Bạn ấy quá khen!

Cơ mà nói thì bạn ấy không tin, thực ra là mình dốt môn này từ xưa. Và thực ra nay cũng chẳng khá hơn bao nhiêu nếu cho đi thi theo đề của các thày, có khi trượt! Còn việc viết văn thì khác, hình như là chữ cứ tự nhiên từ đầu tuôn ra. Thế đấy!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top