Aa

Loay hoay xây dựng văn hóa chung cư

Thứ Năm, 02/01/2020 - 06:28

Ứng xử xã hội của công dân đang trở thành vấn đề nóng trong đời sống, đặc biệt là trong những khu chung cư cao tầng, nơi được coi là "đấu trường" giữa nếp sống đô thị và làng xã.

Sự chuyên nghiệp của các đơn vị quản lý, vận hành góp phần không nhỏ trong việc xây dựng lối sống văn hóa ở chung cư. Ảnh: Lê Toàn

Ngại, ngại… và ngại!

Câu chuyện xây dựng văn hóa ứng xử ở các chung cư cao tầng đã được đề cập tới từ rất lâu, nhưng cho đến giờ vẫn là câu chuyện đường dài và chưa có hồi kết. So với các khu tập thể cũ, cuộc sống các khu chung cư mới có những nét tương đồng, nhưng nếu như các khu tập thể cũ từ lâu đã định hình những nét văn hóa trong giao tiếp, ứng xử, thì văn hóa ứng xử tại các khu chung cư mới còn không ít bất cập. Quan hệ giữa các gia đình tại chung cư mới khá lỏng lẻo.

Cách đây gần 2 tháng, người dân sống ở chung cư Ciputra (Hà Nội) đã lên tiếng bảo vệ cháu N.A khi bị người đàn ông tên Trần Đức Hà sống chung tòa nhà đánh gây chấn thương sọ não. Chỉ vì nghi ngờ cháu N.A lấy cây vợt cầu lông của con mình, mà người đàn ông này đã nổi giận túm cổ áo đấm thẳng vào thái dương, ngực và chân cháu bé 12 tuổi.

Trước đó, vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh lợi dụng “bóng tối” của thang máy Chung cư Galaxy, quận 4 (TP.HCM) đã tìm cách sàm sỡ bé gái 7 tuổi gây chấn động dư luận đầu năm nay. Đây không phải là vụ dâm ô duy nhất trong thang máy, vì tại một số chung cư khác, không ít phụ nữ đã bị người đi chung sàm sỡ…

Trước đây, tình làng nghĩa xóm gắn bó, thì nay, khi cuộc sống càng phát triển, nhịp sống gấp gáp hơn, thì văn hóa ứng xử cũng dần dần "lạnh nhạt" đi. Cái tôi cá nhân không chịu nhường bước và sự sân si dẫn đến cách hành xử gay gắt hơn. Không chịu thua nhau lời nói, từ chỗ cãi vã đến việc “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” chỉ trong gang tấc, biến không gian chung cư thành nơi khẩu chiến và cả võ đài một cách tự nhiên.

Thực tế, đa phần các chung cư hiện nay đều xây dựng các quy chế quản lý, sử dụng, nội quy, quy định, cũng như cách hành xử của cư dân sinh sống tại đây với những điều được làm và không được làm rất rõ ràng. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt.

Thế nhưng, thực tế, đa phần chỉ mang tính khuyến cáo và rất ít trường hợp bị xử lý khi các ban quản trị và ban quản lý vì "ngại" va chạm nên chỉ nhắc nhở người vi phạm hoặc đưa lên nhóm kín trên mạng xã hội nhắc nhở chung, không tiết lộ danh tính người vi phạm. Do không có chế tài xử lý nghiêm, các vi phạm tại chung cư vẫn cứ tiếp diễn.

Theo quy định, nội quy, quy chế do chủ đầu tư xây dựng, sau khi thành lập ban quản trị, quy chế này được hội nghị nhà chung cư điều chỉnh phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh mỗi chung cư. Nhiều chung cư căn cứ vào Thông tư 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016 của Bộ Xây dựng về Ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư để xây dựng nội quy, quy chế cho chung cư của mình.

Sống ở chung cư đang trở thành xu hướng chính tại các thành phố lớn. Ảnh: Lê Toàn

Thông tư này đề ra các hành vi nghiêm cấm trong sử dụng nhà chung cư, đồng thời nêu mức độ xử lý chung là: Tùy mức độ vi phạm sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.

"Tuy nhiên, vì không có mức độ cụ thể, nên không thể xử phạt được các hành vi vi phạm tại chung cư" anh Việt, trưởng ban quản lý tại một chung cư cho biết.

Giải pháp nào cho văn hóa ứng xử trong chung cư mới?

Cần làm gì để đẩy lùi những thói xấu, cách hành xử thiếu chuyên nghiệp trong giải quyết mâu thuẫn ở chung cư, đồng thời xây dựng chuẩn sống văn hóa để chung cư trở thành nơi đáng sống là câu hỏi cần sớm tìm ra câu trở lại.

Ở những quốc gia phát triển, ngay từ khi xây dựng nhà chung cư, chủ đầu tư đã tạo ra phong cách riêng cho từng dự án. Người dân khi tìm hiểu dự án, nếu thấy phù hợp với phong cách nào thì lựa chọn mua dự án đó.

Nói đến tên dự án là biết phong cách, đối tượng cư dân sinh sống. Khi vào sinh sống, cộng đồng cư dân đó đã tương đối có cùng phong cách sống như nhau. Chưa kể, tùy từng đặc điểm dân số, chủ đầu tư còn thiết kế các tiện ích sinh hoạt cộng đồng đi kèm với dự án. Tuy nhiên, ở Việt Nam, người dân hầu như chỉ chọn mua nhà ở dự án hợp túi tiền, chứ chưa quan tâm đến đời sống về sau. Mọi người khi mua nhà chỉ nghĩ đơn giản là mua một chỗ để ở, chứ chưa nghĩ đến việc phải thay đổi như thế nào khi dọn vào ở chung cư.

Bởi vậy, trong một chung cư nhưng đa dạng phong cách sống khác nhau và khi cư dân trong cộng đồng đó không tôn trọng cái chung, đề cao cái tôi sẽ xảy ra mâu thuẫn. Trong khi đó, chủ đầu tư khi xây dựng dự án cũng không tính hết các vấn đề về xây dựng cộng đồng về sau. Chính cư dân ở chung cư chưa có một chuẩn chung về văn hóa ứng xử trong chung cư, nên nhiều lối sinh hoạt, hành xử của cư dân còn thuận theo tự nhiên. Chung cư trở thành “lớp học” đời sống cộng đồng đầu tiên của nhiều người.

Theo bà Vũ Ngọc Hương, Tổng Giám đốc Venus Corp, đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong việc quản lý chung cư, trong khi chờ đợi những thay đổi về khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng quy tắc ứng xử ở các chung cư cao tầng tại Việt Nam, trước tiên cần vai trò rất lớn của bộ phận dịch vụ chăm sóc khách hàng của chủ đầu tư, ban quản lý tòa nhà.

Theo đó, những đối tượng này phải trở thành hạt nhân điều chỉnh lại ý thức hành xử của cả cộng đồng cư dân. Quá trình điều chỉnh đó là quá trình khó khăn, nhưng là việc cần thiết và phải chấp nhận mất một thời gian dài. Khi đó, nếu cư dân không muốn thay đổi hoặc không thay đổi được thì phải tự dời đi.

Cũng theo bà Hương, để làm được điều này, các đơn vị quản lý vận hành phải chấp nhận có những thiệt thòi nhất định. Trong đó, những việc phát sinh, nhiều khách hàng trái tính, trái nết là không thể tránh khỏi với những người làm dịch vụ quản lý tòa nhà. Điều quan trọng nhất là cách mình vận hành và điều chỉnh nó. Vừa phải chừng mực, đúng đắn, vừa phải khéo léo nhưng phải kiên quyết, chuyên nghiệp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top