Lộc văn chương nó không phải từ trên giời rơi xuống, nó cũng không tự ngẫu nhiên để được vơ vào lòng. Lộc văn chương là những con chữ mà nhà văn trải lòng trên trang giấy, là lao động và là nước mắt của nhà văn. Nghề viết, cũng có người sống được bằng chữ, dù nghề này lao khổ lắm mà vẫn không bỏ được bút mực.
Thời nay hiện đại hơn, người ta viết trên máy tính. Tốc độ và tiện ích hơn, nhưng ngày xưa viết bằng bút mực, bút bi trên giấy, chậm, không màn hình, không con chuột, vẫn có thú vị riêng của nghề. Tôi vẫn có sở thích được xem ảnh trên giấy và đọc sách trên giấy hơn khi ngồi trên màn hình vi tính.
Sắp tới đây, đại hội 10 Hội Nhà văn Việt Nam, nhiều nhà văn chiến trường đã đi vãn cả góc trời, tôi sực nhớ những gương mặt nhà văn mặc áo lính: Nhà văn Thanh Giang, Văn Lê, Nam Hà, Nguyễn Trọng Oánh và Thu Bồn. Một tấm ảnh cũ cho tôi ngoảnh lại, khi nhìn lán trại tre nứa ở nơi các anh, các nhà văn làm báo, văn nghệ quân giải phóng vẫn hiện hữu những ứng xử của bạn văn, hiện hữu lộc văn chương ấm áp tình người một thuở. Nó nhắc nhở cách cư xử văn hóa, sự tử tế ở đời, những trắc ẩn khôn nguôi. Mỗi khoảnh khắc ấy ánh lên thật đẹp trong đời sống hiện tại, dù tôi từng có phút giây đuối lòng chẳng thể bấu víu vào đâu cho được. Nhưng nhớ lại thời khắc ấy vẫn thấy ký ức thật tươi đẹp.
Thuở đại hội V của Hội Nhà văn, nhà văn Văn Lê từ Sài Gòn ra Hà Nội, người viết tiểu thuyết: “Nếu anh còn được sống, Mùa hè giá buốt, Phượng hoàng”; người viết trường ca: “Câu chuyện của người lính binh nhì”. Lần đó, anh có đến thăm nhà tôi ở khu chung cư cũ phố Đại La, anh nói với tôi: “Chị tìm giúp trong đống bản thảo truyện ngắn “Tên tù binh thứ 5” của Triệu Bôn đưa cho tôi, tôi sẽ nhờ viết kịch bản cho hãng phim Giải phóng".
Trước tiên, hãng phim ứng trước lấy tiền mua thuốc cho anh, cứu anh cái đã. Hồi đó, nhà văn Văn Lê kiếm cho nhà văn Triệu Bôn đang bị tai biến, được ứng trước một khoản tiền đủ mua thuốc cho những vết thương không nhìn thấy của anh. Nhà văn Văn Lê dặn tôi, khi Triệu Bôn ngã bệnh, chị nên báo cho bọn tôi, lính tráng, giúp được gì cho nhau, sẽ đỡ thêm cho chị. Lặng đi một lúc anh tiếp: “Sau bom đạn anh em chúng tôi vác được cái sọ dừa về là may mắn rồi!”
Vào quãng những năm 1980, nhà văn Nguyễn Ngọc Mộc khi ấy mang chiếc xe đạp từng thồ hàng vượt Trường Sơn đem cho Triệu Bôn. Cái xe đạp có 2 bánh xe, mà nan hoa thì to tướng. Cốt để anh Bôn túc tắc đi chơi trong phố Hà Nội. Bấy giờ Nhà văn Nguyễn Ngọc Mộc, Văn Lê toàn gọi tôi bằng chị và xưng em, lễ phép đến kinh ngạc. Tôi nhìn thấy các anh giỏi giang về nghề, lại nhiều tuổi hơn nên hay đối thoại đáp lại bằng cách xưng em và gọi các anh là anh. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo có lần hóm hỉnh nói với mấy anh ở đại hội đó:
“Chúng mình có một bà chị toàn xưng em”. Anh Triệu Bôn nhà tôi cười hiền, tiếp: “Ở nhà mình có nhiều cách đối thoại, ví như nhà văn Tôi Hoài đến chơi mình gọi bằng anh, Hằng gọi bằng chú, con trai mình lại gọi bằng ông”, tất cả đều vui vẻ thoải mái, vừa nhẹ nhàng vừa chấp nhận chẳng thấy có lấn cấn gì. Cái cốt lõi của tình người nằm lòng, quý hóa nhau là đủ. Mình làm nghề chữ nghĩa, ngôn ngữ mà, âm điệu mà, nhìn nhau hiểu.
Đến đại hội sau nữa, nhà văn Triệu Bôn đi khỏi dương gian, khi gặp lại anh Văn Lê ở Đại hội VII, anh bảo: “Vẫn biết chị và cháu sống gieo neo, hay chị viết kịch bản phim đi, tôi giúp cho, viết kịch bản nhuận bút nhiều hơn viết báo". Nghĩ 1 lát rồi tôi từ chối, tôi thuận làm báo giờ lại chạy sang viết kịch bản, tôi không làm được. Cảm ơn anh Văn Lê một lần nữa, nhưng sau đại hội anh vẫn lo lắng thực sự cho hai mẹ con tôi, anh còn nói anh Thanh Giang, khuyên tôi nên viết thêm kịch bản phim để nuôi con. Bởi viết báo ở miền Bắc nhuận bút vô cùng ít ỏi.
Tấm lòng của người lính, người bạn văn khiến tôi cảm động. Mới cách đây vài tháng nghe tin anh Văn Lê mất, tôi ngồi thừ ra, Sài Gòn từng vắng bóng anh Thanh Giang giờ đến lượt anh Văn Lê nữa rồi. ở Hà Nội vắng bóng anh Oánh, Nam Hà, Thu Bồn. ở Sài Gòn bạn hữu cứ thưa vãn dần, thưa vãn cả lòng tốt trong cõi nhân gian.
Từ nay tôi sẽ không nhận được thư tay và không còn thấy những con tem. Không còn nghe điện thoại hoặc thư qua email nữa. Sẽ là khoảng không chỉ còn lưu giữ ký ức bạn lính, bạn văn chương mà thôi. Ngày đại hội Nhà văn Việt Nam, năm đó, thấy các anh ngồi với nhau cả buổi với bao nhiêu chuyện chiến trường, chuyện anh Nguyễn Trọng Oánh mắc võng vụng trong cánh rừng săng lẻ vụng về ra sao, rồi chuyện lăn từ võng xuống hầm tránh B52, thoát chết mà trên người chỉ còn có mỗi cái quần đùi rách. Những trang bản thảo anh Oánh viết tiểu thuyết “Đất trắng” chữ chân phương và thẳng thớm. Bản thảo sạch, hơn hẳn bản thảo nhà văn Triệu Bôn viết nháp lần 1. Độ khó của nghề viết cứ hiện dần trong câu chuyện và tôi hay được nghe các anh kể lại, khi viết lại từng chương...
Chưa bao giờ chữ nghĩa viết bằng mực tím, mực xanh được các anh nâng niu trân quý, vì chiến trường ngày ấy kiếm đâu ra giấy trắng và giấy pơ luya. Ký ức của nhà văn Văn Lê, Thanh Giang, Triệu Bôn, Nguyễn Ngọc Mộc cùng với những kỷ niệm cũng có thể nêm chật hết tháng ngày vì thời chiến có bao nhiêu thứ ùa về trong thời bình khi gặp lại nhau.
Họ trân trọng và nâng giữ tư liệu chiến tranh của một thế hệ đã lùi xa và họ biết bao bọc nhau, nâng niu nhau như đất đai luôn có cách bồi lên để tôn vinh bạn mình. Trong câu thơ của Văn Lê có viết : "Núi biết mình cao nên núi luôn im lặng/ Sông hiểu mình sâu nên sông cứ êm đềm” (Trường ca Câu chuyện của người lính binh nhì). Câu thơ tự tin, kiêu hãnh, từng trải, thấu tỏ mình thấu tỏ bạn của Văn Lê.
Một thời đi qua lửa đạn, đi qua nhiều cái chết, nhiều biến cố của chiến tranh và khi trở lại thời bình, bạn văn và người lính, họ luôn muốn nâng đỡ nhau. Đó là những ký ức đẹp từ trong rừng Trường Sơn, từ chiến trường B2, B3 và cả ngoài biên giới nam Lào. Tôi ít nhiều chịu ảnh hưởng của nghề viết, từ những bạn văn chương của chồng, có khi tôi chỉ là ngồi ở góc bếp lắng nghe chuyện văn chuyện đời.
Tôi cũng từng cầm bút nhiều năm, từng một lần bỏ cuộc vì độ khó của chữ, nhưng nghề vẫn chọn tôi và tôi chọn nghề để viết. Nhà văn nào cũng có lộc văn chương và họa văn chương. Khi nhìn lại mới thấy độ khó của nghề viết không giống như bao nghề khác. Nghề viết, thích nhất là được quyền sống tới hai lần, sống với cuộc đời này và thoả sức sáng tạo với cuộc đời nhân vật. Khi sống với cuộc đời nhân vật, dễ gì “có tài mà cậy chi tài” (Nguyễn Du). Nhưng giờ đây tôi chưa vội sống với nhân vật, tôi sống với lộc văn chương của những ký ức đẹp, ký ức đã cho tôi giàu có hơn người, vì nếu bạn đã sống đẹp, luôn vì người và biết cho đi.