Aa

“Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” giữa ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản

Minh Hằng
Minh Hằng hangminh0807@gmail.com
Chủ Nhật, 13/08/2023 - 06:06

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Đây được xem là tín hiệu tốt cho sự phục hồi của các doanh nghiệp nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

Nỗ lực giảm lãi suất cho vay

Tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặt bằng lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm sau 4 lần giảm liên tiếp lãi suất điều hành vào các ngày 15/3, 3/4, 23/5 và 16/6. Mục tiêu chính là tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện để có thể giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, các ngân hàng thương mại cũng đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình/gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay, với mức giảm khoảng 0,5 - 3%/năm tùy đối tượng khách hàng với các khoản vay mới. 

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, trong những tháng cuối năm, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng cơ cấu nợ, giãn nợ cho khách hàng; rà soát thủ tục, quy trình cho vay và các loại phí, lệ phí mà tổ chức tín dụng đang áp dụng để xem xét cắt giảm các loại phí, lệ phí không cần thiết, hướng đến tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes), PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, hiện nay, lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm tương đối sâu, do đó việc giảm lãi suất cho vay thêm từ 1,5 - 2% để đảm bảo mặt bằng lãi suất thấp là việc có thể thực hiện được và các ngân hàng còn dư địa để giảm.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế - tài chính. (Ảnh: Reatimes)

“Hiện nay, việc giảm lãi suất cho vay cần được các ngân hàng quan tâm thực hiện. Tất nhiên, các rủi ro về nợ xấu, chi phí khác đang gia tăng nhưng các ngân hàng có thể xem xét, chủ động cân đối, quyết giảm thiểu rủi ro để giảm lãi suất, từ đó mới thúc đẩy được tăng trưởng tín dụng. 

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm và thị trường bất động sản ảm đạm, việc giảm lãi suất được thực hiện nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hồi phục, phát triển. Đây là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn từ phía các ngân hàng thương mại”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Mấu chốt là tăng khả năng tiếp cận vốn 

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá, việc các tổ chức tín dụng cùng đồng thuận giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay đối với khách hàng sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp, người dân và thúc đẩy lĩnh vực bất động sản phục hồi. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng cũng đang gặp không ít thách thức.

“Cụ thể, dù các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất cho vay nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp, cùng với khó khăn từ thị trường vốn và thị trường bất động sản dẫn đến tài sản ngân hàng suy giảm, nợ xấu tăng cao, trong khi việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ còn nhiều vướng mắc, khách hàng bất hợp tác và có hiện tượng các nhóm bùng nợ, kêu gọi không trả nợ tràn lan trên mạng xã hội, nhất là nhóm khách hàng vay tiêu dùng”, ông Hùng nhìn nhận. 

Thực tế, lãi suất trên thị trường hiện nay đã có xu hướng giảm, tuy nhiên vốn cho vay nền kinh tế vẫn yếu. Một trong những nguyên nhân quan trọng được các chuyên gia chỉ ra là do mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao so với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, khiến họ phải cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định vay vốn. Vì vậy, cam kết giảm lãi suất gần đây được kỳ vọng sẽ kích thích nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp.

Nhiều ngân hàng thương mại đang đồng loạt giảm lãi suất cho vay. (Ảnh minh họa: Vietnamplus)

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, do những tác động tiêu cực từ nền kinh tế, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp suy giảm đã khiến cho hoạt động ngân hàng rất khó khăn. Bên cạnh đó còn là rủi ro trong lãi suất đầu ra dẫn đến mức độ giảm lãi suất cho vay bị chậm. Để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh đưa ra một số giải pháp.

Thứ nhất, các ngân hàng cần rà soát rủi ro trong mọi hoạt động, đặc biệt là rủi ro trong hoạt động cho vay, xem xét giảm thiểu rủi ro đến mức tối đa để từ đó có thể hạ được lãi suất cho vay.

Thứ hai, ngân hàng cần tiếp tục xem xét để có thể tiết giảm chi phí thường xuyên của ngân hàng, từ đó, các doanh nghiệp cũng có thể tiếp cận được các khoản vay tốt hơn.  

Thứ ba, cần xem xét giảm thiểu thủ tục hành chính để giúp doanh nghiệp giảm được chi phí tiếp cận nguồn vốn tại ngân hàng. 

“Về phía ngân hàng, việc cho vay hiện nay vẫn là một trong những lĩnh vực mang lại nguồn lợi nhuận lớn, vì vậy ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay. Trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” như thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, quan trọng nhất là ngân hàng cần kiểm soát được rủi ro, thẩm định được khả năng trả nợ của doanh nghiệp để đẩy mạnh cho vay. Khi đó, việc hạ lãi suất mới có tính khả thi, doanh nghiệp mới tiếp cận được vốn”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh./.

Một số ngân hàng thương mại đang đồng loạt giảm lãi suất cho vay: 

Nhằm tiếp sức hỗ trợ người dân, kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng phục vụ đời sống, từ nay đến cuối năm 2023, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) tung gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân.

Cụ thể, Sacombank dành 20.000 tỷ đồng cho khách hàng vay vốn mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn (bao gồm sản xuất nông nghiệp) với mức lãi suất thấp chỉ từ 7,5%/năm.

Đối với nhu cầu vay phục vụ đời sống, Sacombank dành 10.000 tỷ đồng cho khách hàng vay vốn mua, xây, sửa bất động sản và nhiều mục đích tiêu dùng khác nhau với mức lãi suất chỉ từ 9%/năm. Đặc biệt, đối với khách hàng lần đầu tiên mua nhà để ở thỏa mãn điều kiện, mức lãi suất chỉ từ 8%/năm.

Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng vừa điều chỉnh giảm lãi suất vay dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Theo đó, với khách hàng cá nhân, MSB giảm thêm 2% lãi suất vay thế chấp mục đích mua nhà, xây sửa nhà, tiêu dùng mua sắm trang thiết bị gia đình, du học, chi trả học phí… Lãi suất ưu đãi từ 8,99%/năm, thời gian vay tới 35 năm và ân hạn gốc tới 24 tháng.

Với khách hàng doanh nghiệp, MSB giảm 1% lãi suất cho vay với khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) có món vay giải ngân bằng VND từ ngày 19/07/2023.

Bên cạnh đó, MSB vẫn đang tiếp tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi lên đến 10.000 tỷ đồng cho các SME tiềm năng thuộc lĩnh vực ưu tiên như: Xuất nhập khẩu, thương mại, sản xuất và xây dựng.

Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) vừa triển khai gói vay 7.000 tỷ đồng kích cầu tiêu dùng với lãi suất ưu đãi từ 8,8%/năm, giảm đến 2%/năm dành cho khách hàng cá nhân. Cụ thể, gói vay 1.000 tỷ đồng dành cho khách hàng hiện hữu tại BVBank trên 12 tháng với mức ưu đãi lãi vay giảm đến 2%. 

Gói vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi linh hoạt chỉ từ 8,8% hoặc ưu đãi cố định từ 9,9% trong 3 tháng đầu với các khoản vay được giải ngân mới phục vụ sản xuất kinh doanh - mua nhà đất - sửa chữa nhà và tiêu dùng. Gói vay 2.000 tỷ đồng nhằm kích cầu mua sắm tài sản tích lũy và kích cầu tiêu dùng.

Chương trình mang đến nhiều gói vay ưu đãi áp dụng từ ngày 04/8 - 31/12/2023.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) mới đây đưa ra thông tin sẽ dành 5.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay với mục đích sản xuất kinh doanh, được áp dụng lãi suất ưu đãi từ 7,5% và khách hàng mua nhà để ở được hưởng lãi suất 8,5%/năm.

Không chỉ các ngân hàng thương mại tư nhân, các ngân hàng thương mại Big 4 cũng có chương trình hỗ trợ người vay vốn.

Cụ thể, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) mới đây đã công bố dành 25.000 tỷ đồng triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi khách hàng xuất, nhập khẩu năm 2023. Lãi suất ưu đãi thấp hơn đến 1%/năm so với sàn lãi suất cho vay hiện hành của Agribank tương ứng đối với từng dải kỳ hạn.

Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu, nhập khẩu như: xuất khẩu gạo, thịt, thủy sản, cà phê, nông sản, đồ thủ công mỹ nghệ…; nhập khẩu đồ uống, phân bón, máy móc thiết bị, xăng dầu, hóa mỹ phẩm, vật liệu xây dựng…

Hay tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp tiếp tục được giảm tới 0,5% lãi suất, áp dụng trong 5 tháng từ ngày 01/08/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Lũy kế đến hết 30/6/2023, ngân hàng này đã giảm gần 1.300 tỷ đồng tiền lãi cho hơn 242.000 lượt khách hàng với dư nợ lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 87% tổng dư nợ.

Với Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), để hỗ trợ doanh nghiệp, ngân hàng đã tăng quy mô gói ưu đãi lãi suất SME lên 15.000 tỷ đồng và giảm thêm lãi suất cho vay với lãi suất ưu đãi mới từ 6,8%/năm.

Cuối cùng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng tiếp tục giảm lãi suất cho vay tới 0,5%/năm so với lãi suất hiện hành đối với các khoản vay trung, dài hạn hiện hữu và chưa được áp dụng lãi suất cạnh tranh.

Bên cạnh đó, ngân hàng này đã triển khai gói tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở thương mại với quy mô 20.000 tỷ đồng. Chương trình áp dụng đến hết ngày 31/12/2024 hoặc đến khi hết quy mô của gói tín dụng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top