“Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” là câu ca dao hàm ý về sự ứng xử giao tiếp bằng ngôn ngữ trong đời sống sao cho lịch lãm, đẹp lòng nhau. Quả thật, lời nói chẳng tốn kém vật chất nhưng nó lại giữ một vai trò quan trọng trong đời sống.
Hà Nội, đô thị có hàng ngàn năm tuổi, lại ở vị trí quan trọng là thủ đô của cả nước. Hà Nội là nơi trung tâm của văn hóa và mọi phương diện khác. Bởi vậy, cái sự ăn nói càng cần phải được coi trọng. Lời ăn tiếng nói của người Hà Nội vốn xưa nay chuẩn mực, với những đặc thù rất riêng so với ngôn ngữ các vùng miền trong cả nước.
Hà Nội với sự phân bố đô thị, gồm những làng cổ có truyền thống lâu đời cùng các khu phố cổ, vốn là nơi tập trung sản xuất, buôn bán và những khu phố cũ, hay còn gọi là phố Tây. Ở những khu dân cư riêng biệt này, tiếng nói cũng có những nét khác biệt, nhưng về cơ bản, có sự thuần nhất trong cách phát âm.
Nét đẹp thanh lịch của người Tràng An (Ảnh: Internet)
Giọng nói người Hà Nội phát âm nhẹ, thẳng, không uốn lưỡi đối với các cặp phụ âm tr, ch hay s, x hoặc r với d, gi… nhưng lại tách bạch, phân biệt rõ ràng với âm l, n. Đi đâu người Hà Nội cũng vẫn giữ được bản sắc giọng của mình. Tôi đã đi khắp nước và cả nước ngoài, nếu gặp người đồng hương, hiển nhiên nghe giọng nói là có thể đoán định được.
Tiếng nói người Hà Nội, nhất là phụ nữ, luôn dịu nhẹ, tình cảm. Đàn ông thì trầm trầm, ấm áp. Ít có sự băm bổ, ộn ạo trong cách nói của người Hà Nội gốc. Tất nhiên, ở đây chỉ nói đến cái chung đa số, còn thì với những cung bậc khác ở một số người, thì giọng nói, cách nói lại phụ thuộc ở tính cách.
Quy luật phát triển thời hiện đại biến Hà Nội thành một đô thị lớn nhất nhì đất nước với số dân tăng gấp nhiều lần so với chỉ vài chục năm trước. Sự phân bố khu vực dân cư cũng đã thay đổi. Những làng cổ Hà Nội biến mất. Thay vào đó là các khu dân cư, khu đô thị mới và những làng ngoại thành sáp nhập vào nội thành.
Những làng ngoại thành đa số là các làng nghề của Hà Nội trước đây, với những tập quán lâu đời và tiếng nói cũng mang bản sắc địa phương truyền thống. Nhưng thay đổi lớn nhất là sự nhập cư của cộng đồng dân các vùng miền vào Hà Nội.
Có thể khẳng định, Hà Nội bây giờ là một quần thể dân cư người Việt. Trong đó có đủ người ngoại tỉnh, không sót một vùng miền nào. Người mỗi địa phương đến Hà Nội mưu sinh lập nghiệp, đương nhiên là mang theo giọng nói của nơi mình đến. Sự hòa trộn này khiến cho tiếng nói của người Hà Nội mới có những âm điệu, ngữ điệu vô cùng phong phú.
Thế nên, gọi là tiếng nói của người Hà Nội hôm nay cũng đã là một sự nan giải rất khó thống nhất. Nhưng điều đó, tôi nghĩ, lại không phải là quan trọng. Quan trọng hơn cả là thái độ ứng xử cộng đồng thông qua lời nói mà câu ca dao trên đề cập đến.
Lời nói của người Hà Nội hôm nay hiển nhiên khác trước. Với số dân đông và mang nhiều nét văn hóa vùng miền du nhập, thì điều đó là tất yếu. Những chuẩn mực cũ của nếp sống truyền thống dần bị xâm thực bởi nếp sống hiện đại. Ngôn ngữ về cơ bản không thay đổi nhưng cách nói lại khác trước nhiều.
Người Hà Nội bây giờ ra đường, nhiều khi thấy bất ổn về cách cư xử, trong đó lời nói là những biểu hiện rõ nhất. Một vụ va chạm giao thông nhẹ trên đường, lẽ ra chỉ cần một lời xin lỗi là xong, nhưng đôi khi lại biến thành ẩu đả. Câu chửi bung ra trong tiết trời nóng nực, một ánh nhìn thiếu thiện cảm, chỉ thế có khi cũng thành một cuộc xung đột. Và những lời lẽ dung tục nhất được văng giữa thanh thiên bạch nhật.
Người Hà Nội cũ có cách giao tiếp khoan thai và nói năng mềm mỏng, thưa gửi rất lễ độ. Con cái, phận dưới bao giờ cũng khuôn phép với cha mẹ và các bậc bề trên. Ra đường, sự nhường nhịn được coi là ứng xử chủ đạo. Không phải lý do dân nhập cư vào Hà Nội gây ra những gì mất đi sự thanh lịch, mà chính là cách sống hiện đại hôm nay với những hệ lụy từ nhiều bất cập xã hội, cùng sự xuống cấp của đạo đức, đã biến lời ăn tiếng nói của cộng đồng người Hà Nội bị biến dạng.
Dễ dàng nhận thấy, từ cách phát âm, giờ cũng đã có quá nhiều điều đáng nói. Phát âm sai, thiếu chuẩn, lẫn lộn về âm là điều rất bình thường. Thậm chí, trong lớp trẻ, còn tạo dựng ra những nhóm sử dụng ngôn ngữ kiểu như mật ngữ với những lối nói tắt, viết tắt cực kỳ khó hiểu. Nói lái, nói lóng thời nào cũng có, nhưng bây giờ những cách nói này phát triển một cách không thể kiểm soát.
Nhưng đáng nói nhất là nói đệm, nói tục, nói bậy, có ở đủ mọi lứa tuổi, nhiều nhất ở thanh thiếu niên. Ở những nơi công cộng, sự tục tĩu trong ngôn ngữ được thể hiện công khai và không có một chút nào e dè. Đáng sợ nhất là cách nói này có không ít ở các bạn trẻ, đặc biệt là bạn nữ. Nơi tôn nghiêm nhất là trường học, thì bây giờ cũng không còn là thành trì bất khả xâm phạm. Nghe những nhóm học sinh đối thoại, nhiều khi người lớn phải đỏ mặt.
Lời ăn tiếng nói thể hiện cách hành xử. Từ lời nói, dễ dàng nhận thấy sự ứng xử của người Hà Nội hôm nay với nhau, đang ở mức dưới chuẩn mực đẹp.
Không mất tiền mua thật, nhưng cái sự lựa lời kia, cần phải có sự chung sức của tất cả người Hà Nội, để có được cái kết đẹp lòng nhau. Mong là thế!