Có lẽ không đâu như Hà Nội, được thiên nhiên ban tặng cho một cấu trúc đầm, hồ xen lẫn đất đai cùng với sông ngòi, làm nên một vùng đất kỳ quan với những thắng cảnh tuyệt diệu. Hà Nội được chọn là kinh thành cũng bởi ở thế hợp tụ hài hòa có một không hai này trong suốt dải đất hình chữ S. Trong “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn đã khẳng định đây là “Đất đế đô muôn đời”. Những đầm, hồ Hà Nội là một phần quan trọng làm nên vẻ đẹp ngàn năm nay.
Không ai có thể phủ nhận đầm, hồ là một cấu thành không thể thiếu và giữ vai trò quan trọng từ vẻ đẹp đến những chức năng hữu dụng cho đời sống như thoát nước trị lụt, điều hòa nước thải và điều phối không khí trong lành của Hà Nội. Có hệ thống đầm hồ với những khoảng diện tích mặt nước mênh mông bể sở, người dân từ nhiều đời có một cuộc sống thanh bình an nhiên tự tại.
Hồ Tây chiều thu (Nguồn: Internet)
Đầm, hồ còn là những nguồn lợi thủy sản không nhỏ. Những Hồ Gươm, Hồ Tây, Trúc Bạch... thật nên thơ và đã in dấu không ít trong thi ca sử sách. Trúc Bạch, hồ dệt lụa đến tận hôm nay còn thôi thúc câu thơ xưa: “Bóng ác đông trời đã rạng/ Tiếng gà thôi lỗi tiếng hòn châm”, là tiếng đập lụa giặt vào hòn châm (đá) của các cô thôn nữ kiều diễm thuở nào. Hồ Tây từng in vết dấu tình yêu của biết bao nhiêu cặp tình nhân các thế hệ. Hồ Gươm lẫy lừng huyền thoại rùa thần hoàn kiếm sau khi chiến thắng ngoại xâm.
Hà Nội với những đầm, hồ tự nhiên và cả nhân tạo, làm thành một quần thể đầm, hồ hoàn chỉnh. Người Hà Nội thế hệ những năm sau 1975 chắc không quên những ngày lao động đào vét, cải tạo hồ Thành Công. Hàng vạn thanh niên, công nhân được huy động tham gia công trình này. Bấy giờ tôi đang biên chế trong một cơ quan Nhà nước, cũng tham gia không ít ngày. Tất cả các cơ quan trên địa bàn Hà Nội, các khu phố đều huy động công nhân viên chức, đoàn viên thanh niên luân phiên nhau tham gia lao động công ích để đào hồ. Cụm công viên Indira Gandhi trong đó có diện tích mặt nước hồ Thành Công là một nơi nghỉ dưỡng đẹp, là lá phổi xanh, nơi tập luyện thể thao của hàng vạn dân cư trong vùng.
Hà Nội có bao nhiêu đầm, hồ? Đã có thống kê nhưng đấy chỉ là những đầm hồ gắn liền với bao huyền tích lịch sử cũng như mang dấu ấn một địa phương, một vùng đất. Hồ Hữu Tiệp nằm trong làng Ngọc Hà là dấu tích còn lại của một con sông cũ đã bị lấp. Tuy diện tích khiêm tốn nhưng Hữu Tiệp lại nổi danh bởi nơi đây là một bảo tàng nước chứa xác chiếc máy bay B52 của không quân Hoa Kỳ bị quân dân Thủ đô bắn rơi tại chỗ trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972.
Hồ Bảy Mẫu gắn với công viên Thống Nhất gợi nhớ bao ký ức của người Hà Nội. Dạo chiến tranh, tôi cùng bè bạn đi trên con tàu chở chật lính mới vào Nam. Trong toa, tất cả mọi người đều đứng lên nhìn qua khung cửa sổ toa tàu một lần cuối, với hình ảnh công viên Thống Nhất và mặt nước hồ Bảy Mẫu, Ba Mẫu thân thương, trước khi vào trận. Lúc ấy, quả thật tôi đã thoáng nghĩ đây là lần cuối cùng... Chắc gì tôi sẽ còn quay trở lại được ?! Có không ít người lính nghĩ như tôi. Tôi đã may mắn lành lặn trở về, còn đồng đội tôi nhiều người đã không có được cái may mắn ấy.
Có một cái hồ tôi biết chắc là có nhiều thanh thiếu niên một thời gắn bó với nó. Hồ Quảng Bá. Cái hồ tự nhiên này được đầu tư và khoanh lại một khoảnh làm thành hồ bơi. Không biết bao nhiêu buổi tôi đã lặn ngụp đến đỏ kè mắt ở hồ bơi này suốt những năm tháng trẻ con. Lại nhớ lần đầu tiên run rẩy sợ hãi đứng trên cầu nhẩy lấy hết can đảm lao xuống. Cú dập nước kinh hoàng ấy chí ít cũng cho tôi được một bài học con trẻ nhớ đời về sự sợ hãi và lòng dũng cảm. Hà Nội bây giờ có quá nhiều bể bơi hiện đại dành cho mọi lứa tuổi. Hồ Quảng Bá vẫn còn, nhưng nó đã bị quên lãng.
Hàng trăm đầm, hồ tên tuổi quen thuộc gắn với địa danh với huyền tích và cả sản vật. Hồ Thiền Quang, hồ Văn Chương, hồ Thiên Quang Tĩnh nằm trong cụm di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Cái hồ độc đáo nhỏ bé nhưng cổ kính này được ví là cái giếng soi ánh mặt trời. Đầm Sòi, đầm Đỗi phường Định Công. Đầm Sét ở Thịnh Liệt. Các đầm này đã bị mất hẳn trên bản đồ đầm, hồ Hà Nội hoặc còn lại diện tích rất ít.
Những ai còn nhớ đặc sản cá rô đầm Sét ở Hà Nội? Từ xa xưa cá rô đầm Sét đã sánh vai với những sản vật nổi tiếng trong vùng. Thế nên mới có câu “Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô đầm Sét”. Con cá rô đầm Sét dân giã nhưng có thời từng được sánh ngang với sâm cầm Hồ Tây “cá rô đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây”. Đây là những sản vật độc đáo của đầm, hồ Hà Nội mang đi tiến vua.
Phía đông nam Hà Nội là vùng đầm hồ liên tiếp với mật độ dày đặc. Phải kể đến vựa cá lớn nổi tiếng là hồ cá Yên Duyên. Đặc biệt là chuỗi quần thể hồ Yên Sở, hiện có chức năng điều hòa thủy văn cho thành phố. Mưa lớn thì đây là nơi chứa nước cho một phần thành phố để bơm thoát ra sông Hồng.
Ngoài những đầm hồ tên tuổi trong bản đồ, Hà Nội còn hàng ngàn đầm hồ không tên. Chỉ tiếc là với tốc độ phát triển thành phố nhanh và ý thức kém của con người, ngoài những hồ trong quy hoạch xây dựng, thì có rất nhiều đầm, hồ đã bị san lấp và ô nhiễm trầm trọng.
Chưa bao giờ Hà Nội cần sự quan tâm đến những đầm, hồ hiện còn như lúc này. Cần phải có một chính sách bảo vệ đầm, hồ và những đầu tư thiết thực. Bởi đó chính là những gì hồn cốt góp phần làm nên một diện mạo Hà Nội - "Đất đế đô muôn đời”.