Aa

Lựa chọn đấu thầu quốc tế cho dự án nhà máy điện khí LNG tại Cẩm Phả

Thứ Bảy, 31/07/2021 - 10:10

Quảng Ninh đang kêu gọi đầu tư vốn ngoài ngân sách vào dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh với tổng số vốn đầu tư gần 2 tỷ USD.

Theo đó, nhà máy này có công suất 1.500MW, với tổng vốn đầu tư 47.480 tỷ đồng (tương đương 1,998 tỷ USD). Trong đó, chi phí thực hiện dự án là khoảng 47.350 tỷ đồng; số còn lại là chi phí giải phóng mặt bằng. Tổng diện tích đã quy hoạch là 55,89ha tại phường Cẩm Thịnh, TP. Cẩm Phả để xây dựng nhà máy này.

Cụ thể, về phần đất xây dựng nhà máy điện và kho chứa LNG có diện tích 42,51ha với 2 khu vực chính là khu vực kho lưu trữ và tái hóa khí 9,74ha và khu vực xây dựng nhà máy điện 32,77ha. Còn diện tích mặt nước 13,38ha bao gồm hành lang tuyến ống cấp khí và xả nước làm mát 9,56ha, bến cảng LNG 1,45ha và hành lang tuyến ống cấp nước làm mát 2,37ha.

Trong đó, phần diện tích đất 42,51ha thì hiện nay đang có khoảng 30ha do các hộ dân đang quản lý, hiện trạng trên đất có các công trình nhà tạm, lán trại, tường rào và trồng cây keo, chuối… phần diện tích còn lại do UBND phường Cẩm Thịnh quản lý.

Còn lại với phần diện tích mặt nước là 13,38ha thì có 6 hòn đảo là hòn Đá Bàn, hòn Đá Đỏ và 2 hòn đảo nhỏ và một phần diện tích của đảo hòn Lướt, hòn Ba Chỏm. Đồng thời, trên mặt bằng các hòn đảo không có các công trình xây dựng và chưa giao cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nào quản lý. Phần diện tích mặt biển do UBND phường Cẩm Thịnh quản lý.

Quảng Ninh
Tỉnh Quảng Ninh lựa chọn đấu thầu quốc tế cho dự án nhà máy điện khí LNG (Ảnh minh hoạ)

Thời hạn hoạt động 50 năm tính từ ngày nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất. Trong đó, vào thời điểm quý I/2022, nhà đầu tư được chọn sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư. Tiếp tục từ quý II/2022 - quý II/2027 sẽ triển khai đầu tư xây dựng và đưa dự án vào hoạt động khai thác trong quý III/2027.

Được biết, nhà máy điện khí sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất 1.500 MW; sân phân phối 500 KV với quy mô đảm bảo truyền tải hết công suất 1.500 MW của nhà máy điện; các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhà máy điện như kênh dẫn nước làm mát vào nhà máy, kênh dẫn nước xả trở về biển đảm bảo đủ công suất phát điện đạt 3.000 MW, kênh dẫn nước thải dân sinh đi ngang mặt bằng nhà máy, đường giao thông nội bộ và kết nối với HTGT của địa phương.

Còn lại cảng và kho LNG được bố trí sẽ là bến nhập LNG đáp ứng quy mô sản lượng thông qua cảng 2,4 triệu tấn LNG/năm. Trong đó, bao gồm: 1 bến cập tàu và các hạng mục phụ trợ phục vụ bến nhập LNG; tuyến ống vận chuyển LNG từ bến nhập LNG về kho chứa đáp ứng quy mô sản lượng thông qua 2,4 triệu tấn LNG/năm; kho chứa LNG công suất 1,2 triệu tấn/năm với 2 bồn chứa loại trên cạn, mỗi bồn chứa có dung tích 100.000 m3; khu tái hóa khí phục vụ nhà máy điện khí với công suất 1.500 MW; các thiết bị và hạng mục phụ trợ.

Trước đó vào ngày 17/10/2020, dự án nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh (sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng) đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 điều chỉnh và đây cũng là dự án nhà máy điện sử dụng khí LNG nhập khẩu đầu tiên của miền Bắc.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, giai đoạn 2021 - 2030, hệ thống điện miền Bắc sẽ bị thiếu điện với khoảng 6.000MW. Nguyên nhân là do nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả 3 công suất 440MW và nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 3 công suất 600MW do TKV làm chủ đầu tư dự kiến sau năm 2029 mới đưa vào vận hành. Các nhà máy điện mặt trời hiện đã được bổ sung quy hoạch rất ít, công suất nhỏ, khó có khả năng phát triển và các nhà máy điện gió hiện chưa có nhà máy nào được đưa vào vận hành…

Ngoài ra, từ số liệu của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, phụ tải điện toàn quốc tính đến ngày 31/5/2021 đã ở mức cao kỷ lục từ trước đến nay với công suất đỉnh là 41.549 MW và sản lượng điện là 850,3 triệu kWh. Riêng ở khu vực miền Bắc, mức độ tiêu thụ điện ngày 31/5/2021 cũng ghi nhận những con số cao kỷ lục với công suất đỉnh đạt 17.526MW, sản lượng điện là 360 triệu kWh.

Tại Quảng Ninh, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã phải thực hiện cắt điện khẩn cấp một số khu vực trên địa bàn tỉnh vào một số thời điểm. Cụ thể tại các trạm biến áp 110kV Tràng Bạch, 110kV Cái Dăm, 110kV Giếng Đáy và một số đường dây trung áp sau trạm biến áp 110kV. Qua đó, sẽ gây mất điện trên diện rộng tại một số địa phương như: Thị xã Đông Triều, TP. Hạ Long (các phường Bãi Cháy, Hà Khẩu, Hoành Bồ…). 

Do đó, xuất phát từ thực tiễn về nhu cầu điện của quốc gia, nên việc xây dựng một nhà máy điện khí được cho là phù hợp với sự phát triển chung của các địa phương. Từ đầu năm 2018, qua các chuyến đi thực địa, các nhà đầu tư nhận thấy ở khu vực phía Bắc không có địa phương nào có điều kiện thuận lợi để xây dựng nhà máy, trừ Quảng Ninh. Cùng với đó, tại khu vực cảng Con Ong - Hòn Nét (TP. Cẩm Phả), Quảng Ninh lại có lợi thế rất lớn so với các địa phương khác về giao thông vận tải, phù hợp để xây dựng các bến cảng cho việc nhập khẩu khí hóa lỏng LNG với quy mô công suất tàu từ 70.000 - 100.000DWT.

Không được chuyển nhượng dự án trong thời gian triển khai

Ngoài những yêu cầu về năng lực tài chính, kinh nghiệm của nhà đầu tư, UBND tỉnh Quảng Ninh đặt ra nhiều tiêu chí khác, trong đó nhà đầu tư cam kết không yêu cầu bảo lãnh về hợp đồng mua bán điện, thu mua sản lượng điện sản xuất, mà phải tự đàm phán với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Theo yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, nhà đầu tư đăng ký thực hiện Dự án phải thu xếp vốn chủ sở hữu tối thiểu 7.122 tỷ đồng (tương đương 299,7 triệu USD). Vốn nhà đầu tư phải huy động từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tối đa là 40.358 tỷ đồng (tương đương 1.698,3 triệu USD). Trường hợp liên danh, nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 30%, từng thành viên liên danh có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 15% trong liên danh.

Về năng lực kinh nghiệm, nhà đầu tư phải có tối thiểu 1 dự án trong lĩnh vực sản xuất điện khí (tự nhiên hoặc LNG) đã tham gia với vai trò góp vốn chủ sở hữu. Hoặc có tối thiểu 2 dự án trong lĩnh vực sản xuất điện khí (tự nhiên hoặc LNG) mà nhà đầu tư đã tham gia với vai trò là nhà thầu chính thực hiện các gói thầu xây lắp. Hoặc có tối thiểu 3 dự án trong lĩnh vực sản xuất điện khí (tự nhiên hoặc LNG) mà đối tác cùng thực hiện đã tham gia với vai trò là nhà thầu chính thực hiện các gói thầu xây lắp.

Hồ sơ mời nhà đầu tư đăng ký thực hiện Dự án do UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt nêu rõ, ngoài việc đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, nhà đầu tư phải có đầy đủ các cam kết khi thực hiện Dự án. Cụ thể, nhà đầu tư phải cam kết không khiếu kiện trong trường hợp thay đổi, điều chỉnh các nội dung yêu cầu đối với nhà đầu tư hoặc hủy bỏ kết quả lựa chọn nhà đầu tư vì lý do an ninh quốc phòng; cam kết không yêu cầu bảo lãnh về hợp đồng mua bán điện, thu mua sản lượng điện sản xuất, cam kết tự thỏa thuận đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Ngoài ra, nhà đầu tư phải cam kết thành lập doanh nghiệp tại địa phương, thực hiện các nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật; xây dựng phương án đấu nối, thỏa thuận đấu nối truyền tải điện vào hệ thống lưới điện quốc gia; cam kết áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Nhà đầu tư không được mua bán, chuyển nhượng Dự án dưới bất kỳ hình thức nào trong thời gian triển khai Dự án đầu tư đến khi đưa Nhà máy vào vận hành và phát điện thương mại, trường hợp vi phạm thì thu hồi Dự án mà không bồi thường. Nhà đầu tư phải bảo đảm tiến độ đầu tư hoàn thành đưa Dự án vào hoạt động trong quý III/2027, trường hợp không triển khai đúng tiến độ thì Dự án bị thu hồi và không được bồi thường…

Được biết, cuối năm 2020, Tổ hợp nhà đầu tư bao gồm: Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Công ty CP Cơ khí và Lắp máy Việt Nam (Colavi), Tập đoàn Tokyo Gas và Tập đoàn Marubeni đã cùng ký biên bản ghi nhớ về việc phát triển Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh.

Theo tìm hiểu, PV Power là nhà đầu tư có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, đầu tư xây dựng, vận hành kho cảng LNG và nhà máy điện.

Colavi là nhà đầu tư có địa chỉ tại thị xã Đông Triều, Quảng Ninh, chuyên thực hiện các dự án EPC, EP, PC, BOO trong lĩnh vực công nghệ tuyển khoáng sản, vận chuyển bằng băng tải, chế tạo kết cấu thép phi tiêu chuẩn, lắp máy...

Về phía 2 nhà đầu tư từ Nhật Bản, Tập đoàn Tokyo Gas là nhà cung cấp khí hóa lỏng chính cho nhiều thành phố lớn ở Nhật Bản. Tháng 8/2016, Công ty Tokyo Gas Asia (công ty 100% vốn chủ sở hữu của Tokyo Gas) cùng 2 doanh nghiệp tại Việt Nam đã thành lập Công ty LNG Vietnam có vốn điều lệ 100 tỷ đồng nhằm phân phối khí hỏa lỏng cho các khách hàng lớn như EVN.

Về phía Tập đoàn Marubeni, nhà đầu tư này từng đề xuất với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kế hoạch xây dựng tại tỉnh này một nhà máy điện khí LNG với diện tích đề xuất là 200ha, tổng công suất 4.800 MW.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top