Aa

Luật Chứng khoán sửa đổi và khả năng nâng hạng thị trường trong 2021

Duy Thành
Duy Thành blackflag_keke@yahoo.com
Thứ Sáu, 22/01/2021 - 10:00

Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2021 là cơ sở tạo ra những thay đổi mới, giúp thị trường Việt Nam thỏa mãn các tiêu chí của các tổ chức định hạng thị trường, qua đó nâng hạng thị trường.

4 yếu tố chính tác động tới thị trường chứng khoán 2021

Tại Báo cáo vĩ mô nhận định thị trường năm 2021 vừa công bố, CTCP Chứng khoán Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) kỳ vọng Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực từ tháng 1/2021 sẽ là cơ sở pháp lý cao nhất cho ra đời nhiều sản phẩm mới. "Những thay đổi này hỗ trợ cho việc nâng hạng thị trường mới nổi của FTSE Russell năm 2021 - 2022 và MSCI vào 2023 - 2025. Hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn Doanh nghiệp Nhà nước có cơ hội được đẩy mạnh", báo cáo nhấn mạnh.

Cụ thể hơn, về thị trường trong năm 2021, nhóm nghiên cứu cho rằng VN-Index đang có điều kiện thuận lợi tăng giá nhờ 2 yếu tố: Một là kết quả kinh doanh của các công ty cải thiện và hai là tăng hệ số P/E nhờ dòng tiền mới của nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, VN-Index được dự báo có kịch bản giá trọng tâm tại 1.261 điểm vào cuối năm 2021, với 2 kịch bản gồm: Kịch bản 1, VN-Index dự báo 1.258 điểm: Tăng trưởng EPS tăng 22%, P/E ở mức 17,2 lần. Kịch bản 2, VN-Index dự báo 1.154 điểm: Tăng trưởng EPS tăng 22%, P/E ở mức 15,8 lần.

Có 4 yếu tố chính tác động đến thị trường chứng khoán trong năm 2021 được BSC nêu ra, đó là:

Thứ nhất, trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định và lấy lại đà tăng trưởng sau kiểm soát dịch bệnh. Vĩ mô tích cực giúp cho lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết cải thiện mạnh nhờ phục hồi sản xuất, tiêu dùng trong nước và quốc tế, mặt bằng lãi suất thấp và cải thiện từ nền lợi nhuận thấp trong năm 2020.

Thứ hai, ngoài nước, các quốc gia và khu vực chủ chốt duy trì lãi suất thấp và các gói hỗ trợ kinh tế. Kinh tế thế giới hồi phục từ mức tăng trưởng âm năm 2019 và kiểm soát dịch bệnh thông qua triển khai rộng rãi vaccine ở các nước phát triển.

Thứ ba, thị trường đang thu hút mạnh mẽ dòng vốn nhà đầu tư trong nước, và liên tiếp tạo ra kỷ lục về thanh khoản. Mặt bằng lãi suất thấp vẫn sẽ giữ chân nhà đầu tư trong nước nửa đầu năm 2020 trong khi thị trường có cơ hội thu hút dòng vốn ngoại cùng với xu hướng chuyển dịch dòng tiền sang thị trường biên xuất hiện vào cuối năm 2020 và tương quan hấp dẫn giữa tăng trưởng và định giá hợp lý so với các thị trường khu vực.

Thứ tư, Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực trong năm 2021, là văn bản pháp lý cao nhất kiện toàn các thành phần điều hành thị trường, cơ sở cho ra đời các sản phẩm mới hỗ trợ nhà đầu tư và qua đó có thể nâng hạng thị trường.

Trong năm 2021, quy mô vốn hóa thị trường dự báo đạt 266,2 tỷ USD nhờ cổ phiếu tăng giá và niêm yết mới; thanh khoản bình quân thị trường đạt 320 triệu USD/phiên.

Luật Chứng khoán sửa đổi và khả năng nâng hạng thu hút vốn ngoại

Tại báo cáo lần này, BSC nhấn mạnh tới vai trò của Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực ngay từ đầu năm 2021 trong việc tạo cơ sở và nền tảng pháp lý cho giai đoạn phát triển mới của thị trường trên một loạt các lĩnh vực như: Chào bán chứng khoán; Công ty đại chúng; Thị trường giao dịch chứng khoán, đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán; Công ty chứng khoán và công ty quản lý chứng khoán; Công bố thông tin và Thanh kiểm tra.

"Luật Chứng khoán sửa đổi được đánh giá toàn diện, phù hợp chuẩn mức quốc tế giúp kiện toàn các thành phần tham gia thị trường, tăng cường minh bạch, giám sát và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Cùng với Đầu tư 2020 và Luật Doanh nghiệp 2020, Luật chứng khoán sửa đổi cũng đều có hiệu lực từ 1/1/2021. Các Luật ra cùng thời điểm và được rà soát sẽ tránh hiện tượng chồng chéo, khó hiểu trước đây", báo cáo nêu.

Cụ thể, các quy định rõ ràng về danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường với đầu tư nước ngoài trong Luật Đầu tư sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia ngày càng nhiều vào các lĩnh vực kinh tế. Luật Doanh nghiệp cũng quy định về mua chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết. Bên cạnh đó, những quy định mới này sẽ bổ sung và tạo cơ sở cho Luật Chứng khoán sửa đổi trong việc quy định room với từng ngành nghề và triển khai chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết qua đó tháo gỡ được nút thắt cho hoạt động đầu tư của khối ngoại tại những cổ phiếu hết room.

Ngoài ra, Luật Chứng khoán sửa đổi là cơ sở pháp lý cao nhất đẩy nhanh kiện toàn các Sở và Trung tâm lưu ký. Đây là cơ sở quan trọng nâng cấp hệ thống và cho ra đời các sản phẩm mang tính bước ngoặt như giao dịch T+0, bán chứng khoán chờ về, chứng chỉ không có quyền biểu quyết, HĐTL và quyền chọn với các cổ phiếu,… Những thay đổi mới sẽ giúp thị trường Việt Nam thỏa mãn các tiêu chí của các tổ chức định hạng thị trường qua đó nâng hạng thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo BSC, thị trường chứng khoán Việt Nam có cơ hội được xét nâng hạng FTSE vào tháng 9/2021. Cơ hội nâng hạng MSCI sẽ diễn ra trong giai đoạn 2023 - 2025.

Về FTSE, nhóm nghiên cứu cho hay, Việt Nam đã có 3 năm trong danh sách theo dõi nâng hạng thị trường mới nổi hạng 2 của FTSE kể từ khi lần đầu tham gia vào tháng 9/2018. Theo bộ tiêu chí FTSE Russell. Theo cập nhật tháng 9/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thỏa mãn 7/9 tiêu chí nâng hạng. Tiêu chí “Chu kỳ thanh toán-DvP” bị đánh giá “Hạn chế” do nhà đầu tư phải ký quỹ đủ tiền mặt trước khi đặt lệnh và tiêu chí “Thanh toán - Tỷ lệ hiếm khi giao dịch thất bại” không được đánh giá do chu kỳ thanh toán hiện tại khả năng giao dịch thất bại gần như không tồn tại. FTSE Russell cũng ghi nhận tính xây dựng của cơ quan quản lý Việt Nam trong 12 tháng qua.

2 tồn tại này sẽ phụ thuộc vào tiến độ triển khai mô hình đối tác trung tâm (CCP) mà Trung tâm lưu ký (VSD) đang thực hiện với đối tác Hàn Quốc. Trường hợp VSD vận hành mô hình CCP và cho phép nhà đầu tưu ứng trước tiền trước thời điểm xét hạng vào tháng 9/2021 thì Việt Nam có cơ hội sẽ được nâng hạng.

Về MSCI, Việt Nam chưa cải thiện thêm được tiêu chí nâng hạng thị trường mới nổi của MSCI trong 3 năm gần nhất từ 2018 - 2020, theo đó vẫn còn 9/17 tiêu chí cần phải cải thiện. Nếu so với Kuwait mới được nâng hạng năm 2020, Việt Nam vẫn còn 5 tiêu chí còn phải cải thiện để có thể nâng hạng. Trong báo cáo 6/2020, các tiêu chí MSCI đề cập cần cải thiện gồm: Giới hạn sở hữu nước ngoài tại lĩnh vực có điều kiện; thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng đáng kể bởi room khối ngoại; quyền bình đẳng đầu tư nước ngoài liên quan thông tin Tiếng Anh và room sở hữu; mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối; đăng ký mở tài khoản phải có chấp thuận VSD; quy định thị trường và dòng thông tin bằng Tiếng Anh và thanh toán bù trừ không có thấu chi và ứng trước tiền. Một số tiêu chí này sẽ cải thiện khi VSD vận hành mô hình CCP kể trên, tuy nhiên, các tiêu chí khác chưa sớm được cải thiện.

"Chúng tôi cho rằng khả năng nâng hạng của MSCI diễn ra trong giai đoạn 2023 - 2015 tùy thuộc vào tốc độ cải thiện các tiêu chí nâng hạng", BSC kết luận.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top