Theo Thứ trường Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa, Luật Đất đai 2024 được quyết nghị có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 đưa những nội dung mới mang tính đột phá của Luật sớm đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, cũng như tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Luật Đất đai 2024 cùng với Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đã thể chế nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước. Các quy định mới trong ba đạo luật này đã thể chế nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, khắc phục tồn tại, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành. Đồng thời có nhiều quy định mang tính đột phá, đổi mới, tiến bộ, góp phần ổn định chính trị, an sinh xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp, minh bạch trong việc tiếp cận đất đai, quản lý thị trường bất động sản, nhà ở, được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Theo Thứ trưởng, Luật Đất đai 2024 đã đổi mới quy trình, nội dung, phương pháp lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia giờ đây chỉ tập trung xác định diện tích một số loại đất trọng yếu như đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất quốc phòng, đất an ninh. Đối với các loại đất khác, quyền quyết định quy hoạch đã được phân cấp cho cấp tỉnh, từ đó tạo ra sự chủ động và linh hoạt trong điều hành kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2024 có những quy định mới về kế hoạch sử dụng đất. Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh được lập lồng ghép và phê duyệt cùng với quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã giảm bớt quy trình lập, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất và phù hợp với thực tiễn quản lý đất đai tại các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án bất động sản.
Luật Đất đai cũng đã phân cấp toàn bộ thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho chính quyền địa phương để chủ động trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2024 cũng "cắt bỏ" các khâu trung gian trong quản lý đất đai. Cụ thể, Luật đã bỏ quy định về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của Ban quản lý Khu kinh tế, Ban Quản lý khu công nghệ cao, Nhà nước trực tiếp giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận đối với tổ chức, cá nhân sử dụng đất.
Đồng thời, Luật cũng đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng cách quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong việc thực hiện các bước công việc, đồng thời miễn thủ tục đối với trường hợp người sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất, miễn tiền thuê đất. Việc này sẽ rút ngắn nhiều thời gian để được tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân...
Ngoài ra, về phương thức tiếp cận đất đai, Luật Đất đai 2024 đã có những quy định cụ thể, rõ ràng, đa dạng, linh hoạt, phụ thuộc vào tình hình thực tế triển khai và đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.
Cụ thể, Luật duy trì các phương thức tiếp cận đất đai mang tính hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư như: giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất. Đồng thời, Luật bổ sung thêm những phương thức mới mang nguyên tắc thị trường, dựa trên sự cạnh tranh của các doanh nghiệp, đảm bảo tính công bằng, minh bạch như: đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, hay phương thức tạo sự chủ động cho doanh nghiệp như thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc cho phép người đang có quyền sử dụng đất thực hiện các dự án bất động sản.
Đặc biệt, Luật cũng cho phép giao đất, cho thuê đất theo tiến độ của dự án đầu tư, theo tiến độ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. "Với quy định mới của Luật sẽ tháo gỡ các khó khăn vướng mắc tại địa phương, đặc biệt là các dự án mới có sử dụng đất, cân bằng chính sách an sinh xã hội với phát triển kinh tế, góp phần quan trọng trong việc khơi thông nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế, xã hội đất nước", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Song song với việc tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận đất đai, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa chỉ ra, Luật Đất đai 2024 đã có những điều chỉnh về việc cụ thể hơn quyền của người sử dụng đất, thể chế tinh thần về “thương mại hóa quyền sử dụng đất” được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra. Cụ thể, Luật Đất đai 2024 đã cho phép người sử dụng đất được Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm được bán tài sản gắn liền với đất và quyền thuê đất trong hợp đồng khi đáp ứng đủ điều kiện; cho phép người sử dụng đất được sử dụng đất với nhiều mục đích khác nhau.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, Luật Đất đai 2024 còn bảo vệ quyền lợi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, nếu là công dân Việt Nam được hưởng đầy đủ quyền và nghĩa vụ như các cá nhân trong nước khi sử dụng đất. Nếu là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi nhận chuyển nhượng dự án bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản thì được Nhà nước giao đất, cho thuê đất mà không cần phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.
Trường hợp tổ chức nhận chuyển nhượng dự án bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản mà bên chuyển nhượng dự án và bên nhận chuyển nhượng dự án đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật thì được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Không chỉ vậy, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, một trong những điểm đột phá quan trọng khác của Luật Đất đai 2024 là việc xây dựng Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai. Theo đó, hệ thống này sẽ được xây dựng tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước.
Hệ thống này không chỉ phục vụ công tác quản lý nhà nước mà còn kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương, tạo nền tảng cho việc phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Luật Đất đai 2024 quy định rõ, đến năm 2025, Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai sẽ được đưa vào vận hành, khai thác. "Điều này sẽ góp phần công khai, minh bạch thông tin đất đai, giúp các tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận với các thông tin chính thống", Thứ trưởng cho biết.
"Những điểm mới quan trọng nêu trên sẽ góp phần minh bạch trong tiếp cận đất đai, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản", Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan liên quan để trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở. Nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 ngày sẽ tiếp tục góp phần khơi thông nguồn lực đất đai cho phát triển thị trường bất động sản.
Không chỉ chủ động trong việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua Nghị quyết mới, Bộ Tài nguyên và Môi trường còn tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai 2024.
Thứ trưởng nhấn mạnh: "Ngay sau khi Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung tuyên truyền, phổ biến các nội dung mới của Luật đến người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra sự thống nhất trong việc triển khai và thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai mà Luật Đất đai năm 2024 đã đề ra".