Ngày 24/10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản.
Thị trường thiếu nguồn cung bất động sản cho người thu nhập thấp
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong những tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản tuy đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực về nguồn cung nhưng vẫn còn khá hạn chế. Đáng chú ý, cơ cấu sản phẩm nhà ở phần lớn vào phân khúc trung - cao cấp, trong nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu, cơ cấu sản phẩm bất động sản bình dân giảm dần.
Cụ thể, nhà ở thương mại (bao gồm chung cư và nhà ở riêng lẻ) đang triển khai xây dựng 939 dự án với quy mô khoảng 426.158 căn. Trong đó, 33 dự án với quy mô 9.101 căn đã hoàn thành và 60 dự án khác với tổng quy mô 31.673 căn đã được cấp phép mới. Đối với đất nền, hiện có 528 dự án đang được triển khai với quy mô khoảng 65.321 ô/nền. Đồng thời, 48 dự án đã hoàn thành với 4.537 ô/nền và 24 dự án mới với 5.456 ô/nền đã được cấp phép trong năm nay.
Tính đến ngày 31/8/2024, dư nợ tín dụng dành cho hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.274.233 tỷ đồng, tăng 29,18% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý III/2024, giá bất động sản tại một số địa phương vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt tại Hà Nội, TPHCM và các đô thị lớn... Nguồn cung bất động sản, nhà ở để đáp ứng nhu cầu đại bộ phận người dân, các đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình tại các khu vực đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM còn thiếu.
Đáng lưu ý, tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng đấu giá đất với giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, nhưng sau đó "bỏ cọc" nhằm thiết lập mặt bằng giá ảo để kiếm lợi từ việc tăng giá đất.
Nguyên nhân của đợt tăng giá bất động sản này một phần xuất phát từ sự biến động của chi phí liên quan đến đất đai trong thời gian gần đây, cũng như tác động từ việc áp dụng phương pháp tính và bảng giá đất mới.
Thủ tục mua, thuê nhà ở xã hội còn phức tạp
Đến nay, các địa phương trên cả nước đã quy hoạch tổng cộng 9.757ha đất dành cho phát triển nhà ở xã hội. Hiện có 622 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai với quy mô lên đến 565.177 căn hộ. Trong số này, đã có 79 dự án hoàn thành với tổng quy mô 40.679 căn; 131 dự án đang được khởi công xây dựng với quy mô 111.687 căn, và 412 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 411.076 căn.
Tuy nhiên, chỉ có 83 dự án tại 63 tỉnh, thành phố đáp ứng điều kiện vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Trong số này, 15 dự án đã được cam kết cấp tín dụng với tổng số tiền 4.200 tỷ đồng. Đáng chú ý, 57 dự án không có nhu cầu vay vốn, 6 dự án đang trong quá trình thẩm định và 5 dự án không đáp ứng điều kiện vay vốn.
Về phía người mua nhà, tại 32 trong số 83 dự án nhà ở xã hội, đã có người dân được vay vốn theo chương trình 120.000 tỷ đồng với tổng dư nợ là 2.099 tỷ đồng, hỗ trợ cho 5.236 khách hàng. Đáng chú ý, phần lớn dư nợ phát sinh từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, với con số 2.019 tỷ đồng, do lãi suất vay ưu đãi hơn so với các ngân hàng thương mại.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tích cực triển khai đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất". Một trong những dự án thí điểm đang được hoàn thiện là dự án thiết chế công đoàn tại Hà Nam, bao gồm các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, nhà đa năng và 5 block nhà ở 5 tầng với tổng cộng 244 căn hộ. Đồng thời, việc hoàn thiện thủ tục để đưa vào khai thác, sử dụng hạ tầng kỹ thuật và công trình nhà đa năng tại Tiền Giang (giai đoạn 1) cũng đang được thực hiện. Song song đó, dự án trung tâm văn hóa, thể thao thuộc thiết chế công đoàn tại Trà Vinh đã được khởi công xây dựng.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, chính sách và cơ chế dành cho nhà ở xã hội vẫn chưa đủ hấp dẫn, đặc biệt là các nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư. Nguồn vốn từ ngân sách để phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế, trong khi thủ tục mua, thuê nhà ở xã hội vẫn phức tạp, yêu cầu nhiều giấy tờ chứng minh về điều kiện nhà ở, thu nhập và cư trú.
Về chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng mục tiêu, các địa phương đã đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, 19.468 hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo đã được hỗ trợ, đạt tỷ lệ 62,6% so với kế hoạch năm 2024. Khoảng 21.000 hộ tại các khu vực thiên tai, biên giới, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn đã được bố trí nơi ở ổn định. Đặc biệt, hơn 18.204 căn nhà đã được hỗ trợ cho các hộ nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần cải thiện điều kiện sống cho các đối tượng này.
Quan tâm hỗ trợ nhà ở cho người có công
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, chính sách nhà ở có ý nghĩa toàn diện về chính trị, kinh tế, xã hội, đã được hiến định. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách liên quan
Thời gian qua, các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo đã tham gia nhiều ban chỉ đạo, tổ công tác liên ngành, và tạo bước tiến rất lớn trong triển khai chính sách nhà ở, đặc biệt là thể chế hoá trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng…
Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Nội vụ để nghiên cứu, đề xuất, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về phương án sắp xếp, kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản với các tiểu ban, tổ công tác liên ngành trực thuộc.
Trước mắt, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ LĐTBXH, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính hoàn thiện đề án, chương trình nhà ở cho người có công cần sửa chữa hoặc xây mới, bố trí phân bổ kinh phí để thực hiện trong năm 2025. "Đối tượng người có công phải được quan tâm, ưu tiên khi điều tiết thực hiện các chương trình hỗ trợ nhà ở mục tiêu", Phó Thủ tướng nói.
Bộ Xây dựng đề xuất Ban Chỉ đạo thành lập các đoàn công tác liên ngành kiểm tra việc thực hiện pháp luật liên quan đến chính sách nhà ở, thị trường bất động sản, nhà ở xã hội, hỗ trợ nhà ở mục tiêu tại một số địa phương trọng điểm, như Hà Nội, TPHCM, Bắc Ninh…
"Trong đó cần đánh giá thực chất tình hình thị trường bất động sản tại các địa phương, nơi nào thiếu nhưng không làm, nơi nào thừa mà không bán được, cũng như trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong dự báo cung cầu, điều tiết cơ cấu các phân khúc sản phẩm bất động sản", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng rà soát hồ sơ, thủ tục hành chính của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đồng thời các thủ tục trong một bộ hồ sơ duy nhất để giảm thời gian, chi phí.
Theo Phó Thủ tướng, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến cung cầu thị trường bất động sản là vướng mắc từ các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, bản án, vì vậy, các địa phương phải khẩn trương rà soát toàn bộ, phân loại và đề xuất nhóm giải pháp xử lý thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Trung ương, của địa phương.
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thống kê, báo cáo tình hình tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, đánh giá tác động đối với nền kinh tế, đề xuất những quyết sách, biện pháp mới, đủ mạnh, mấu chốt để khơi thông thị trường bất động sản.
Trong năm 2025, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tổ chức quán triệt với các địa phương trong thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về nhà ở, thị trường bất động sản thống nhất, thông suốt, theo tinh thần "phân cấp mạnh cho địa phương, nhưng văn bản quy định, quy trình, thủ tục phải rõ".