Aa

Luật sư cùng doanh nhân trong thời đại mới

Thứ Tư, 09/10/2024 - 15:15

Luật sư và doanh nhân trong sự đồng hành cùng nhau ngay từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh là một cơ sở vững bền cho hành trình phát triển song hành - luật sư phát triển cùng doanh nhân, doanh nhân phát triển cùng hệ thống bền vững pháp lý.

Ngày Truyền thống của nghề Luật sư 10/10 gần với Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Trùng hợp thay, sự hỗ trợ của luật sư với doanh nhân trong đầu tư kinh doanh, sản xuất cũng ngày càng được nhấn mạnh.

Kinh doanh không chỉ có mỗi công đoạn sản xuất hàng hóa hay cung ứng dịch vụ mà chuỗi hoạt động của các thương nhân bao gồm: Tạo ra pháp nhân hoặc khởi nghiệp như một thương nhân, quản trị và điều hành, đầu tư sản xuất và cung ứng… Trong mỗi khâu nhất định lại có những chuỗi hoạt động khác nhau về nhân sự, thủ tục hành chính, giao kết hợp đồng, vận chuyển và thanh toán với rất nhiều vấn đề, mà vấn đề nào cũng dựa trên các quy phạm luật để thực thi hoặc dựa trên thỏa thuận hợp đồng để thực hiện.

Từ các hợp đồng hợp tác đến chuyện mua một con tàu đi biển, chuyển nhượng một nhà máy điện gió hay mua một trường đại học..., luật pháp luôn sẵn sàng mang đến các điều kiện và tiêu chuẩn khó nhằn buộc doanh nhân phải am tường, nếu không sẽ rơi vào rủi ro.

Nhưng không ai có thể tài giỏi tất cả mọi lĩnh vực và vấn đề này các doanh nhân thường nhận ra được rất sớm. Doanh nhân cần người chuyên nghiệp xử lý các vấn đề không cốt lõi đối với họ, để họ tập trung vào kinh doanh.

Luật sư cùng doanh nhân trong thời đại mới- Ảnh 1.

Luật sư Lê Cao, Luật sư điều hành FDVN, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC)

Trong nguyên lý 80/20 của Richard Koch, 80% là số nhiều nhưng đôi khi lại là những việc không trọng tâm nhất của một doanh nghiệp, nên doanh nhân cần làm chuyện họ giỏi nhất trong 20% công việc còn lại. Chẳng hạn, họ giỏi sản xuất điện thoại, máy tính hay máy bay, họ chỉ cần chuyên tâm làm những việc đó, còn vô số những chuyện như ký hợp đồng, pháp lý tuân thủ, nhân sự, kiểm soát rủi ro, tài chính, họ sẽ để cho các chuyên gia chuyên nghiệp khác làm thay họ.

Và một trong các chuyên gia chuyên nghiệp đó chính là các luật sư. Luật sư sẽ bước vào 80% những việc không trọng tâm của doanh nghiệp với tư cách một người chuyên nghiệp thực thi đúng 20% sự trọng tâm của hoạt động nghề luật sư.

Ngay từ khi bắt đầu, các doanh nghiệp đã cần có sự tư vấn về những vấn đề quan trọng của khởi nghiệp như phương thức đầu tư, cách thức góp vốn, hình thức doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, các điều kiện kinh doanh, địa điểm đầu tư, vấn đề đại diện doanh nghiệp, giấy phép thành lập và các giấy phép về điều kiện đầu tư, hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh, các hồ sơ nội bộ như điều lệ, nội quy, quy chế hoạt động, các hợp đồng lao động…

Như vậy, ngay từ khi bắt đầu các doanh nghiệp, doanh nhân đã cần đến sự tư vấn pháp lý của luật sư để hoàn thiện hàng loạt bộ mẫu về quản trị cho chặng đường dài phía trước.

Luật sư cùng doanh nhân trong thời đại mới- Ảnh 2.

Luật sư và doanh nhân trong sự đồng hành cùng nhau ngay từ khi bắt đầu là một cơ sở vững bền cho hành trình phát triển song hành - luật sư phát triển cùng doanh nhân, doanh nhân phát triển cùng hệ thống bền vững pháp lý.

Không chỉ đưa ra những ý kiến tư vấn để doanh nghiệp quyết định lựa chọn những giải pháp phù hợp nhất với hoạt động kinh doanh của họ, mà luật sư còn xây dựng quy trình chuẩn cho các doanh nghiệp vận hành một cách có hệ thống. Sự tương tác giữa luật sư và thương nhân ngay từ đầu sẽ giúp ích trong việc triển khai các quy trình, biểu mẫu và hệ thống quản trị, vừa thể hiện được cá tính, ý chí của doanh nghiệp, vừa đảm bảo các ý chí đó được triển khai phù hợp pháp luật.

Ngoài ra, nhiều luật sư còn là các chuyên gia cho nhiều doanh nghiệp lớn, uy tín. Trong quá trình hành nghề, họ không chỉ am hiểu luật pháp mà các kinh nghiệm về quản trị điều hành doanh nghiệp, ứng xử văn hóa doanh nghiệp, kinh nghiệm về đầu tư của họ tích lũy qua công việc có thể cũng trở thành tài sản của doanh nghiệp được tư vấn nếu có thể tham khảo những ý kiến của họ một cách phù hợp với đặc thù kinh doanh của từng doanh nghiệp.

Như vậy, luật sư và doanh nhân trong sự đồng hành cùng nhau ngay từ khi bắt đầu là một cơ sở vững bền cho hành trình phát triển song hành - luật sư phát triển cùng doanh nhân, doanh nhân phát triển cùng hệ thống bền vững pháp lý.

Tất nhiên, để trở thành một sự lựa chọn tin tưởng cho các doanh nhân, doanh nghiệp, mỗi hãng luật phải nâng cao năng lực chuyên môn, đội ngũ nhân sự phải am tường nhiều ngôn ngữ, am hiểu pháp luật Việt Nam, pháp luật của các quốc gia khác và pháp luật quốc tế, có kinh nghiệm dày dặn trong giải quyết các vấn đề pháp lý ở nhiều tòa án, trọng tài.

Các luật sư không đưa ra các phán quyết về các vấn đề tư vấn, nhưng bằng kiến thức chuyên môn và uy tín nghề nghiệp, họ có thể mang đến sự hài lòng cho doanh nhân trên hành trình phát triển của các doanh nghiệp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top