Aa

Lúc này, phải chắt chiu từng cơ hội cho doanh nghiệp trụ vững

Thứ Hai, 29/05/2023 - 14:17

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cách hỗ trợ DN nhanh và hiệu quả nhất lúc này là không tạo thêm rào cản mới, không làm khó DN.

PV: Thưa ông, cuối tuần trước, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa đưa ra kết quả khảo sát doanh nghiệp, với những thông tin rất đáng lo ngại. Có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023, ông nhận định như thế nào về thông tin này?

Ông Phan Đức Hiếu: Tôi đã đọc báo cáo này. Doanh nghiệp đang cảm nhận rất tiêu cực. Mặc dù Ban IV nhận định, doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp ở khu vực TP.HCM cảm nhận khó khăn hơn, nhưng với tỷ lệ chênh lệch rất nhỏ, nên tôi cho rằng, khó khăn khá đồng đều ở các ngành, lĩnh vực.

Đặc biệt, các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp - thường được trông là trụ đỡ trong những lúc nền kinh tế khó khăn, cũng đang cảm nhận khó khăn không kém hơn các ngành khác, dù triển vọng thị trường cho các sản phẩm của ngành trong các tháng cuối năm 2023 có tích cực hơn. Rõ ràng, so với năm trước, sức khỏe của doanh nghiệp đã bị bào mòn đi nhiều.

PV: Trong 4 nhóm khó khăn lớn nhất theo khảo sát gần 10.000 doanh nghiệp của Ban IV, đứng đầu vẫn là khó khăn về đơn hàng (chiếm 59,2%), khó khăn trong tiếp cận vốn vay là 51,1%. Hai nhóm còn lại là thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật (45,3%) và nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (31,1%)...

Ông Phan Đức Hiếu: Doanh nghiệp khó khăn về đơn hàng, không đủ điều kiện tiếp cận vốn là dễ hiểu và dễ thấy. Thị trường thế giới khó khăn, cầu giảm, cạnh tranh giữa các quốc gia khốc liệt. Đang có tình trạng cạnh tranh đơn hàng giữa các quốc gia, chứ không chỉ là doanh nghiệp. Doanh nghiệp đang rất nỗ lực để giữ khách hàng, giữ đơn hàng.

Quốc hội, Chính phủ cũng đang thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, hỗ trợ giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT), giãn thời gian nộp thuế...

Nhưng điều tôi thấy lo lắng là, trong bối cảnh này, doanh nghiệp vẫn nói đến những khó khăn về thủ tục hành chính và nguy cơ hình sự hóa. Đáng ra, đây không nên là khó khăn lớn của doanh nghiệp vào lúc này, trong bối cảnh chúng ta đều đang nói về hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng.

Ngay trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, cũng đã có nhóm giải pháp cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Thêm nữa, cải cách thể chế luôn được xác định là một khâu đột phá. Quốc hội và Chính phủ có nhiều chương trình, nỗ lực thực hiện. Chính quyền địa phương cũng có những nỗ lực không hề nhỏ trong hỗ trợ doanh nghiệp.

Tôi nhìn thấy thực tế trong khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mà Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tháng 4/2023, kết quả đánh giá chất lượng thực thi chính sách và thái độ ủng hộ khu vực kinh tế nhân của chính quyền các địa phương tiếp tục gia tăng mạnh trong vài năm trở lại đây...

PV: Nhưng doanh nghiệp vẫn chưa cảm nhận được, nghĩa là phản ứng chính sách và xử lý chính sách chưa hiệu quả? 

Ông Phan Đức Hiếu: Tôi đồng tình với quan điểm này. Có thể thấy rõ trong cách xử lý các vướng mắc trong đăng kiểm, kiểm định xe cơ giới; vướng mắc trong thủ tục phòng cháy chữa cháy mà doanh nghiệp, người dân kiến nghị. Hay như mới đây, 14 hiệp hội cùng kêu về cách tính định mức chi phí tái chế (FS)...

Trong lúc hoạt động doanh nghiệp đang quá khó như hiện tại, đáng ra doanh nghiệp không phải gánh thêm những chi phí tăng thêm, khó khăn tăng thêm như vậy. Ở đây, rõ ràng có câu chuyện là, một mặt Chính phủ nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng mặt khác, vẫn có những rào cản mới không hề nhỏ được tạo ra, thậm chí có trường hợp bỏ thủ tục này thay bằng thủ tục khác.

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. 

PV: Bài học ở đây là gì, thưa ông?

Ông Phan Đức Hiếu: Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ trong tình trạng từ tắc nghẽn này sang tắc nghẽn khác. Ví dụ, nếu giãn chu kỳ kiểm định xe cơ giới mà chủ phương tiện phải đến đăng ký, thì không thực sự giảm được thủ tục, chi phí.

Chúng ta đã có bài học trong giai đoạn Covid-19, khi có giải pháp gia hạn thời gian nộp thuế, lúc đầu yêu cầu doanh nghiệp đến làm thủ tục gia hạn, không nhiều doanh nghiệp thực hiện. Nhưng khi chuyển sang hình thức tự động gia hạn, hiệu quả của chính sách rất tốt. Chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT hiệu quả cao cũng vì nguyên nhân là thực thi tự động.

Theo tôi, trong thời điểm này, tư duy xây dựng và thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ như vậy cần được phát huy.

Thứ nữa, không nên ban hành các quy định mới, làm phát sinh thêm chi phí cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nhưng trong trường hợp buộc phải ban hành, thì phải có cơ chế hỗ trợ để tuân thủ quy định mới. Nhiều quốc gia có cơ chế bù đắp cho doanh nghiệp khi quy định mới tạo ra chi phí.

Ví dụ, khi ban hành thủ tục mới về phòng cháy chữa cháy, một mặt rà soát, đánh giá tác động, phát hiện quy định bất lợi; mặt khác cần hỗ trợ doanh nghiệp chi phí tuân thủ hoặc tạm dừng thực hiện quy định mới song song với hoạt động rà soát...

Quan điểm của tôi trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp là cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là yêu cầu ưu tiên và cần thực hiện mạnh mẽ hơn, với các phương thức giải quyết hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả và nhanh hơn. Chính phủ đã làm rất tốt những yêu cầu này trong giai đoạn dịch bệnh, giờ cần tiếp tục phát huy.

PV: Trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu vốn, nhiều doanh nghiệp tiếp tục kêu ca về hoàn thuế, chi phí nộp bảo hiểm xã hội, công đoàn quá cao...

Ông Phan Đức Hiếu: Quốc hội đang xem xét nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tôi ủng hộ tiếp tục kéo dài các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã thực hiện trong giai đoạn dịch bệnh, gồm hỗ trợ tiếp cận vốn, giảm chi phí hoạt động, cho vay ưu đãi để trả lương cho người lao động và cả các biện pháp không thanh kiểm tra...

Kiến nghị hoàn thuế của doanh nghiệp phải được giải quyết sớm, dứt điểm. Vấn đề này đã được đưa ra rất lâu, qua nhiều cuộc làm việc mà vẫn chưa có giải pháp. Không thể để doanh nghiệp thiếu tiền, phải đi vay trong khi tiền hoàn thuế tồn đọng nhiều năm.

Lúc này, chắt chiu từng cơ hội cho doanh nghiệp tồn tại và trụ vững là rất quan trọng. Thậm chí, tôi đồng tình với cả đề xuất cho phép chung cư là nơi đăng ký trụ sở, chứ không phải là nơi hoạt động, để duy trì hoạt động của doanh nghiệp, khi mà doanh nghiệp không còn tiền thuê nhà, chủ doanh nghiệp chỉ có địa chỉ chung cư của gia đình, nếu không được đăng ký làm trụ sở, doanh nghiệp phải tạm dừng...

Dù cơ hội rất nhỏ, chúng ta cũng phải tính tới để doanh nghiệp cầm cự, duy trì trạng thái, vượt qua giai đoạn này. Nhưng cũng vì vậy, tôi đồng tình với đề xuất cần có cơ chế tháo gỡ vướng mắc cho cả công chức, doanh nghiệp, để công chức có không gian làm việc.

Cũng cần làm rõ là không phải mọi doanh nghiệp đều có thể vượt qua khó khăn. Đã có tình trạng doanh nghiệp cố tồn tại để hưởng các chính sách hỗ trợ, ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách. Chính phủ cần đến tính đến cả những kịch bản khó khăn nhất để có cơ chế giải quyết nhanh, thúc đẩy các doanh nghiệp cơ cấu lại, có cơ chế để bảo vệ những người tiêu dùng có liên quan khi doanh nghiệp phá sản, đóng cửa...

Lúc này, phản ứng chính sách cần nhanh, chủ động ứng phó với các kịch bản xảy ra, kể cả xấu nhất./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top