Aa

Mảng tối thị trường sơn

Thứ Sáu, 18/08/2017 - 06:01

FDI đổ vào BĐS: Hai mặt lượng - chất; Mảng tối thị trường sơn; 9 thực trạng đáng lo ngại của thị trường địa ốc TP HCM; Tiết lộ gây sốc về tỷ lệ môi giới BĐS bỏ việc… là những tin tức nổi bật về BĐS 24 giờ qua.

9 thực trạng đáng lo ngại của thị trường địa ốc TP HCM

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển đã đưa ra nhiều dự báo thận trọng cho những tháng còn lại của năm. Theo chuyên gia này, thị trường địa ốc đang tiềm ẩn khá nhiều dấu hiệu đáng quan ngại.

Thứ nhất: Nguồn cung căn hộ 6 tháng đầu năm cao tương đương so với cùng kỳ năm 2016 và vẫn trong xu thế cung lớn hơn cầu. Trong khi đó, lượng tiêu thụ 6 tháng này đã có sự sụt giảm so với năm ngoái khiến hàng tồn kho tăng cao. Sự giảm tốc là dấu hiệu đầu tiên cho sự bất ổn.

Sức mua giảm, nguồn cung tăng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư bất động sản không còn hấp dẫn như trước đang là những dấu hiệu đáng quan ngại tại thị trường TP HCM. Ảnh: Lucas Nguyễn.

Sức mua giảm, nguồn cung tăng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư BĐS không còn hấp dẫn như trước đang là những dấu hiệu đáng quan ngại tại thị trường TP HCM. Ảnh: Lucas Nguyễn.

Thứ hai: Ông Hiển dẫn dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố tháng 5/2017, thu nhập bình quân và năng suất lao động thấp sẽ làm hạn chế nhóm khách hàng mua nhà để ở tại TP HCM trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa vẫn diễn ra mạnh mẽ. Đây là thách thức không hề nhỏ cho đô thị hơn 10 triệu dân này.

Thứ ba: Chuyên gia này tiếp tục dẫn nguồn từ báo cáo của IMF, tốc độ tăng trưởng tín dụng diễn ra rất nhanh nhưng kinh tế phát triển không tương xứng khiến hiệu quả tín dụng và tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư đã xấu đi.

Thứ tư: Nguồn vốn vay dành cho BĐS có thể gặp khó khăn do chính sách thắt chặt tín dụng sẽ được áp dụng.

Xem chi tiết tại đây.

Mảng tối thị trường sơn

Hiện ở Việt Nam có khoảng trên 400 doanh nghiệp ngành sơn, trong đó có trên 70 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, số lượng doanh nghiệp này không nhiều nhưng lại đang chiếm thị phần khá lớn, lên đến khoảng trên 60%. Để giữ chân được khách hàng của mình, các hãng sơn đều có những chiến thuật riêng.

Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư BĐS, mỗi nhà sản xuất đều theo đuổi những cách thức chiếm lĩnh thị trường khác nhau. Nếu những hãng sơn ngoại "mạnh gạo, bạo tiền" mạnh tay chi cho hoạt động truyền thông, quảng cáo, thì các hãng sơn nội có vẻ trầm lắng hơn trong cuộc đua này, chủ yếu qua kênh tiếp thị trực tiếp.

Sơn giả, sơn nhái mang đến nỗi lo chất lượng cho người sử dụng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Sơn giả, sơn nhái mang đến nỗi lo chất lượng cho người sử dụng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Chế độ hậu mãi của các hãng sơn cũng khác nhau nhiều. Trong đó, những ông lớn như Dulux, Nippon, Boss, 4Oranges có chế độ chăm sóc người dùng rất khác biệt. Chẳng hạn, với các sản phẩm của 4 Oranges, nếu thi công đúng quy trình của hãng (dùng sơn bột chét, sau đó dùng sơn lót và cuối cùng mới dùng sơn phủ) thì được bảo hành trong 1 năm. Còn sơn Nippon lại phân hạng bảo hành theo các cấp độ khác nhau. Từ sơn cao cấp, trung cấp và bình dân có thời gian bảo hành lần lượt là 5 năm, 3 năm và 2 năm. Để được bảo hành, khi mua sơn, khách hàng cần yêu cầu đại lý làm thư bảo lãnh sản phẩm. Trong khi đó, hãng Dulux lại không hề có chế độ bảo hành cho sản phẩm.

Xem chi tiết tại đây.

FDI đổ vào BĐS: Hai mặt lượng - chất

6 tháng đầu năm, lĩnh vực BĐS đứng thứ 4 về thu hút vốn FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 1,15 tỷ USD. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các chuyên gia, chúng ta cũng cần có sự nhìn nhận thích đáng, phân tích tác dụng vốn ngoại trong lĩnh vực BĐS.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư BĐS, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Hút được nhiều vốn FDI là tốt, nhưng nếu vốn đầu tư đổ quá nhiều vào BĐS thì cũng cần xem xét . Đặc biệt, nếu dòng vốn chủ yếu chạy vào các sản phẩm BĐS cao cấp, nghỉ dưỡng thì chỉ làm nóng thị trường, làm dư thường nguồn cung ở phân khúc đó, chứ không tạo ra lực đẩy cho kinh tế, cho xã hội”.

Tương tự, TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cũng cho rằng, số vốn đăng ký cao cũng chưa nên mừng vội. Một trong những vấn đề quan trọng hiện nay là tìm cách biến số vốn đầu tư đăng ký thành hiện thực.

Theo các chuyên gia, nếu vốn FDI vào lĩnh vực BĐS phục vụ cho các nhu cầu bức thiết của xã hội như BĐS dành cho người thu nhập thấp, trung bình, BĐS công nghiệp thì rất tốt, nên khuyến khích và cần đẩy mạnh việc thu hút vốn vào phân khúc này.

Xem chi tiết tại đây.

Tiết lộ gây sốc về tỷ lệ môi giới BĐS bỏ việc

Tại hội thảo “Khởi nghiệp với nghề môi giới BĐS” vừa diễn ra tại TP.HCM, chuyên gia BĐS Trần Minh cho biết, có đến 80% môi giới địa ốc bỏ việc chỉ sau thời gian 6 tháng đến 1 năm.

Ông Minh cho biết, số môi giới tồn tại được và thành công với nghề này chỉ khoảng 5%. Đây là những người có thu nhập cao từ vài trăm triệu đến tiền tỷ mỗi năm.

Trong khi đó, theo Tiến sỹ Lê Thẩm Dương - Giảng viên khoa Quản trị Kinh doanh thuộc Đại học Ngân hàng (TP.HCM), công việc nào càng nhiều cơ hội thì thách thức sẽ càng lớn. Đối với nghề môi giới là nghề đòi hỏi nhiều kiến thức về kinh tế, thị trường, kỹ năng giao tiếp… 

Tiến sỹ Lê Thẩm Dương chia sẻ tại hội thảo.

Tiến sỹ Lê Thẩm Dương chia sẻ tại hội thảo.

“Những người mới vào nghề cần phải xác định tâm thế làm việc hết mình, xem mình có phù hợp với nghề nghiệp này hay không. Còn những người thấy người ta kiếm tiền dễ quá thì lao vào, sau đó nhìn đâu cũng ngại khó, ngại khổ thì chắc chắn sẽ thất bại” – ông Dương cho biết.

Một con số đáng chú ý khác được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo là có đến hơn 6.000 doanh nghiệp BĐS được thành lập mới tại TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2017. “Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp dịch vụ môi giới có lãi, phần nhiều là hòa vốn và thua lỗ. Điều này cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn chậm thích nghi khi thị trường đang có những dịch chuyển về phân khúc cũng như thanh khoản không còn nóng như hồi 1 - 2 năm trước” - chuyên gia BĐS Trần Minh nhận định.

Xem chi tiết tại đây.

 

Đánh thuế căn nhà thứ hai vẫn còn nhiều thách thức

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, đề xuất đánh thuế theo giá trị căn nhà thứ hai mà Bộ Tài chính đưa ra là hợp lý. Thế nhưng, hiện nay vẫn còn vướng mắc rất nhiều vấn đề.

Chẳng hạn, người dân sẽ sử dụng tên người khác để đứng tên căn nhà thứ hai, với mục đích trốn thuế. Hay nước ta chưa có hệ thống thông tin tập trung tại Trung ương, thế nên để xác định căn nhà thứ hai sau căn nhà thứ nhất sẽ là việc khó khăn. Bên cạnh đó, việc xác định sở hữu sẽ dẫn tới có một số người thì bị đánh thuế, số khác không bị phát hiện nên tránh được thuế và gây ra sự bất công.

Đánh thuế căn nhà thứ hai vẫn còn nhiều thách thức.

Đánh thuế căn nhà thứ hai vẫn còn nhiều thách thức.

Ngoài ra, chúng ta cần phải xem lại giá trị của căn nhà. Nếu giá trị cả đất và công trình xây dựng trên đất là cơ sở để đánh thuế mà mỗi năm giá trị thay đổi thì phải dựa vào đâu để có thể đánh thuế. Do đó, việc đánh thuế căn nhà thứ hai sẽ không phải là điều dễ dàng.

Xem chi tiết tại đây.

Dự án 8B Lê Trực: Cư dân sốt sắng “đòi nhà”, kiến nghị xử lý “thấu tình, đạt lý”

Đơn kiến nghị khẩn cấp do Trưởng Ban đại diện lâm thời toà nhà, bà Nguyễn Thị Hồng Xuân ký gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, vào thời điểm tháng 6/2015 khi toà nhà thuộc dự án 8B Lê Trực bắt đầu vào hoàn thiện cũng là lúc khách hàng mới ký kết hợp đồng mua căn hộ và đã đóng góp 80-90% giá trị căn hộ để được nhận nhà vào tháng 12/2015.

Tuy nhiên, đến tháng 9/2015, báo chí đưa tin về xây dựng sai phép, tiếp đó các cấp chính quyền, ban ngành vào cuộc và đến ngày 6/3/2016 việc cưỡng chế phá dỡ đã được tiến hành.

Sáng 16/8 hộ dân mua nhà tại dự án 8B Lê Trực căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư trả nhà, không trả nhà phải trả lại tiền. Ảnh : Báo Xây dựng.

Sáng 16/8 hộ dân mua nhà tại dự án 8B Lê Trực căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư trả nhà, không trả nhà phải trả lại tiền. Ảnh : Báo Xây dựng.

“Đến tháng 10/2016 việc cưỡng chế giai đoạn 2 đã kết thúc và từ đó đến nay, tòa nhà vẫn im lìm nằm đấy trong khi người dân gặp muôn vàn khó khăn mong ngóng từng ngày để được về ở”, đơn kiến nghị của đại diện lâm thời toà nhà nêu.

Cũng tại đơn kiến nghị này, đại diện toà nhà cho biết, đã nhiều lần người dân gửi đơn đến các ban ngành nhưng chưa có kết quả trong khi lỗi chính thuộc về chủ đầu tư và các cơ quan quản lý hoạt động xây dựng.

Đồng thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm có biện pháp “thấu tình, đạt lý” trong xử lý công trình 8B Lê Trực để tạo điều kiện bảo vệ người dân sớm ổn định cuộc sống.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top