Aa

Mấy chuyện nhỏ ở làng

Thứ Năm, 25/02/2021 - 07:00

Về làng chơi, như là khoảng nghỉ giữa hai hiệp trong trận bóng đời, thung thăng thủ thỉ chuyện vãn, thấy thật là vui. Ngẫm nghĩ thì thấy, sao mà mình may mắn thế.

Khách quen quán chợ

Hai vợ chồng tôi giờ đã thành khách quen của quán bún trong chợ làng Phú La. Về làng, nhiều khi sáng ra, hai vợ chồng dẫn nhau ra chợ, ăn sáng no nê hết khoảng 15.000 đồng, bằng suất đánh đôi giày trên phố. 

Lần đi dự trại viết ở Vũng Tàu, kể với hai ông anh là Trần Ham Vui (Nhà thơ, họa sĩ Trần Nhương), nhà văn Vũ Ngọc Tiến và Tiến "trọc" (nhà văn Phạm Ngọc Tiến), rằng: “Chợ làng tôi, ăn bát bún xương chỉ mất 5 ngàn đồng". Cả ba cứ ngây ra, bảo tôi bịa. Ông Trần Nhương nói: “Giá thế thành ra như bán ở thiên đường. Bát bún bán có 5 ngàn, không bõ công rửa bát à?”.

Thì đây, bữa sáng hai người, hai bát bún 10 ngàn, bát đậu phụ rán nóng hổi 5 ngàn, tổng lại là 15 ngàn. Ăn xong còn ngồi chán chê, chè xanh, thuốc lào, chuyện vãn đủ mọi thứ... Có người chạy đến mời quả chuối, người cho miếng mít, mấy quả ổi... Nghe khối chuyện làng vui buồn.

Lão Hiền là chủ quán, nói chuyện cuốn hút lắm. Ngày xưa, lão đi bộ đội, ăn nói có duyên, dáng vóc cao lớn, có bộ dạ tá đóng vào, đi đâu ai cũng tưởng sĩ quan cao cấp, chào hỏi cung kính. Lão từng làm chủ hôn đám cưới, chả cần soạn trước, nếu gia chủ vui vì kén mãi mới được dâu hiền rể thảo, bảo lão cứ nói cho dài cho hay, thì lão nói dài, hay ho, nếu bảo đám này vầy vậy thôi, thì lão nói ngắn, sao cho đủ lệ bộ, tịnh chả đám nào chê trách. Lão làm đủ nghề rồi mới yên vị chủ quán chợ làng gần hai chục năm nay.

Theo lão kể, đứng chân ở đây được lâu thế, không dễ! Cũng lắm xung đột, tinh tướng, cũng lắm vấn đề, nhưng cứ từ từ, ứng xử mực thước, mềm rắn đúng lúc cho nó hết nhẽ đi, rồi cũng phải ổn. Lão Hiền đưa ra một câu nhận định làm tôi  nghĩ mãi: "Ở làng xã này cũng có cỡ hơn chục thằng đểu. Tôi từng xuôi Nam ngược Bắc, gặp tới cả ngàn thằng đểu. Còn nước ngoài nước trong như anh thì có khi thấy cả triệu thằng đểu ấy chứ. Thế mà không đểu theo thì còn sợ gì thằng nào đểu nữa, nhỉ?".

Sáng sớm ra, xe máy lão kéo cái xe cải tiến chở đủ đồ nghề ra chợ. Bà Chinh vợ lão, đạp xe đạp kề bên, cùng ra theo. Chừng độ mười giờ, hết hàng, vãn chuyện, hai vợ chồng lại thong dong ra về...

Mình chúa thích nghe nịnh. Ngồi chợ làng. Sướng! Có người đến nắm tay: "Ông ơi, con đọc Mùa hạ khó quên của ông rồi. Vẫn còn giữ sách đấy". Có bác bảo: "Này, anh tán ra cái nguồn gốc món gỏi lòng Phú La của làng ta, không đâu có, để in báo, kể cũng uyên thâm đới". Có cụ nhận: "Ông Phong là họ xa với nhà chồng tôi, phải gọi tôi bằng chị"… Đại loại, nhiều chuyện như thế... Ngồi chợ làng mà biết đủ thông tin trong nước, quốc tế, cơ cấu bố trí nhân sự cấp cao thì như thần, nói đâu trúng đó, thế mới lạ!

Mình kể với ông Hiền chuyện mấy ông nhà văn không tin giá bún, giá đậu ở đây. Ông thủng thẳng: "Có khối người bảo ăn bát bún 5 ngàn của tôi thì no quá, muốn mua bát ít hơn, 2 hoặc 3 ngàn, tôi cũng bán. Có lần, mấy ông đại gia quê làng, có dịp về, quần cộc áo phông ra chợ, bảo tôi mua cái cổ hũ với đoạn phèo ngon nhất chợ cho vào luộc lên, ngồi uống rượu cả buổi. Xong xuôi, thanh toán, tôi bảo hết 38 ngàn, móc ví đưa ra tờ tiền 500 ngàn đồng. Tôi bảo không đủ tiền trả, mà có 38 ngàn thôi, chứ không phải ba trăm tám mươi ngàn nhá, tiền gì to thế!". Mấy người tròn mắt, tưởng ông chủ quán nói đùa. Người vốn ở làng đây còn thế, nữa là...

Cứ giá cả với cách sống như thế này, đi công tác, thấy đóng góp đủ rồi, thăng trầm lăn lóc quan trường mãi, cũng chán rồi, thì về quê mà sống, khỏe re…

Anh trai của Phan Quân 

Điểm lại thì hóa ra tôi cũng có nhiều đận sướng khổ cùng với Quốc Trọng (Đạo diễn, Diễn viên, NSƯT Trần Quốc Trọng). Lão nổi như cồn với vai Xuân Tóc đỏ, sau rồi đóng Tôn Ngộ Không trong phim "Tôn Ngộ Không đến Việt Nam" do Đỗ Minh Tuấn đạo diễn. Tôi với lão cầm đầu một nhóm trẻ trẻ đi phát hành, giám sát chiếu phim này ở Hải Phòng. Đi cả chuyến không được đồng nào, nát bét cả cái xe máy cũ mới thửa được, nhưng tôi thấy vẫn "lãi", vì được “đánh đu” với lão, nghe đủ chuyện nhắng nhít từ lão.

Sau này lão làm nhiều phim chính luận đình đám như "Mùa lá rụng trong vườn", "Ngõ lỗ thủng", "Bí thư Tỉnh ủy"... tôi lại thấy lão sâu sắc và có kiến văn đáng nể. Hóa ra lão đọc đủ thứ sách, Đông Tây kim cổ. Lão cũng là loại người ưu thời mẫn thế lắm. Đã mong viết cái kịch bản nào ưng ý để lão đạo diễn, mà chưa đến duyên. 

Đạo diễn Quốc Trọng (Ảnh sưu tầm)

Hồi xem tập cuối "Người phán xử", thấy lão vào vai Phan Sơn, anh trai của Phan Quân tập đoàn Phan Thị, lúc chết, mặt phù nề kinh bỏ xừ, đêm nằm mơ, thấy lão chết mình đi đưa ma... Tỉnh giấc, thấy may quá, đấy chỉ là mơ thôi... Loại như lão còn sống lâu. Nhưng lại vẩn vơ nghĩ, lão này uống gì cho mặt phị ra để đóng Phan Sơn, nhỡ uống phải thuốc giả thì nguy. Dạo này đang ầm ầm lên các loại thuốc chữa bệnh giả nhập khẩu, không biết lão có chú ý đọc không, để mà tránh...

Có hôm nhà văn Vũ Ngọc Tiến gọi đến uống rượu, đón mấy chị em văn thơ Sài Gòn ra: Trần Mai Hường, Nguyễn Bính Hồng Cầu, có cả mấy trại viên Trại Vũng Tàu: Phương Thảo Phạm, Lê Hồng Nguyên, Hà Linh, rồi thêm Phạm Xuân Nguyên nữa, thì lại gặp lão. Mình mân mê xem kỹ lại cái mặt lão. Thấy nó vẫn gọn gàng, nhẵn bóng. Hỏi, có uống thuốc làm phì mặt ra để đóng phim không? Lão bảo, hóa trang thôi, dại gì uống thuốc. Rồi lão đọc thơ, đọc văn, tếu táo, át hết cả đám viết văn làm thơ...

Đạo diễn Quốc Trọng trong phim Người phán xử (Ảnh sưu tầm)

Một dịp về quê, khoe với bà con ở quán nước đầu làng là tôi chơi thân với Phan Sơn, nên gọi Phan Quân trong “Người phán xử” là chú em. Thoáng thấy có mấy người bĩu môi quay đi ra chiều tỏ ý là tôi bịa chuyện. Tức thế chứ!

Tiện có ảnh chụp với lão, tôi đưa lên phây để làm bằng. Bà con ở làng, giờ cũng khối người chơi phây, thể nào cũng có người xem được, không nghĩ là mình bịa chuyện nữa. Để cho chắc ăn hơn, chắc lúc nào thuận tiện, phải kéo lão này về làng uống rượu để bà con nhìn thấy, thì chắc là sẽ hoàn toàn tin tưởng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top