Aa

Miền Tây sẽ cất cánh

Chủ Nhật, 13/09/2020 - 08:00

Có lẽ khi về tới đất mũi Cà Mau, ngắm nhìn những rừng đước bạt ngàn thì cái hình ảnh miền Tây, đồng bằng Nam Bộ đã từng ấn tượng sâu sắc trong tôi mới hiện lên rõ ràng và sống động nhất.

Dịp vừa rồi, tôi có một chuyến du ngoạn miền Tây Nam Bộ khá dài ngày. Đoàn chúng tôi xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh, qua Long An, Đồng Tháp, An Giang xuống Kiên Giang rồi nghỉ lại một đêm, sáng hôm sau vượt biển ra quần đảo Nam Du chơi vài ngày. Hưởng đủ gió biển Tây của Tổ quốc rồi bọn tôi lại trở về đất liền, từ Kiên Giang đi sang Cà Mau, tới tận cùng phía nam của đất Việt. 

Cái cảm giác đứng ở nơi “ngón chân cái choãi ra biển” của dải đất tổ quốc có lẽ ai cũng giống ai, rưng rưng khó tả… Rồi từ Cà Mau đất mũi, chúng tôi đi ngược về thành phố theo lộ trình: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang rồi lại qua Long An để về điểm xuất phát ban đầu.

Với một chuyến “cưỡi ngựa xem hoa” đúng nghĩa. Đi, ngắm và cảm nhận, 9 ngày xuyên qua 11 tỉnh thành, ngày đi đêm nghỉ, ghé thăm các danh lam thắng cảnh của miền đồng bằng sông nước trù phú nhất nước. Hít thở không khí trong lành phóng khoáng của rừng tràm, rừng đước, của những cánh đồng, con kênh, dòng sông mênh mang, của vườn tược cây trái ngọt ngào…

Được nếm những món ăn đặc sắc Nam Bộ. Và nhất là được tiếp xúc với những con người miền Tây thật thà chân chất, hào sảng phóng khoáng, hiếu khách không chút màu mè cảnh giả… Tất cả đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc, những cảm nhận thực sự không bao giờ phai mờ về miền đồng bằng sông Cửu Long mà mình vốn được học, đọc từ bé qua sách giáo khoa, qua những trang viết của các nhà văn, nhà báo, nhà thơ về nơi đây.

Thật ra đây không phải là lần đầu tiên tôi đi miền Tây. Tôi đã đến nơi đây khá nhiều lần trong những chuyến du lịch cùng đồng nghiệp ngành Dược hồi còn đi làm. Lại đã có những chuyến “du lịch chớp nhoáng” đi thẳng về chơi ở một tỉnh thành hay một danh lam, địa chỉ văn hóa nào đó. Thế nhưng thật sự đây mới là chuyến đi dài ngày đầu tiên của tôi hầu như khắp các tỉnh miền Tây, với tâm thế đi để cảm nhận. Cảm nhận vẻ đẹp quê hương đất nước và con người Việt chúng ta nơi đây. Với tư cách một nhà văn, tôi nghĩ điều đó thật cần thiết cho mình. Thế nên khi những người bạn trong Thành phố Hồ Chí Minh ngỏ ý tổ chức chuyến đi, tôi liền xách ba lô lên.

Chúng tôi đi xuống miền Tây khi mùa mưa bắt đầu ở vùng này. Hai bên đường những cây hoa chuông vàng nở rực rỡ, xe ô tô chạy trong những cơn mưa rồi lại nắng. Xe lao vun vút xuyên qua những dải đồng bằng tít tắp mênh mông lúa, loại sản vật đã làm nên thương hiệu của miền đồng bằng nơi đây. Những khóm nhà dưới bóng cây dừa, tương tự như cây tre ngoài Bắc. Những nhà cửa ấp khóm, thị tứ thị trấn, thành phố… cũng hầu như không khác gì mấy với mọi nơi trên đất nước mình. 

Chỉ khác chút là nhiều khi đường xe chạy trên bờ kênh, bên dưới là ghe thuyền tấp nập xuôi ngược chở nặng hàng hóa bán buôn. Nhưng vẫn không có gì lạ lắm, bởi con sông Đuống quê tôi cũng tấp nập tàu thuyền suốt ngày đêm như vậy. Có lẽ khi về tới đất mũi Cà Mau, ngắm nhìn những rừng đước bạt ngàn thì cái hình ảnh miền Tây, đồng bằng Nam Bộ đã từng ấn tượng sâu sắc trong tôi mới hiện lên rõ ràng và sống động nhất. 

Đến Cà Mau, ra đất mũi trong một ngày mưa gió dữ dội, biển động sóng đánh rầm rập vào hàng bờ kè bao quanh, nhìn ra biển xa mờ mịt…tôi bỗng cảm thấy mình như là một kẻ lưu dân thủa xa xưa, phải trốn sự hà khắc của quan quân phong kiến phía Bắc. Hoặc vì sự nào đó trong đời mà bước chân đến tận vùng đất mới, khi ấy còn đầy rắn rết, hổ báo trên rừng, cá sấu dưới sông, muỗi bay như sáo đỉa nhào bánh canh… để mà tìm đường mưu sinh. 

Những con người đó đã khai phá nên cho tổ quốc một dải đất, một vùng đồng bằng vàng bạc kim cương quý báu để lại cho muôn đời con cháu nước Việt thừa hưởng. Và có lẽ cái chất lưu dân đi mở đất của các thế hệ xa xưa ở nơi đất mới hoang vu, khi ấy đã cảm như là nơi cùng trời kiệt đất nhưng lòng vẫn đau đáu nhớ về cố hương. Trong đêm mênh mông hoang lặng, trong tiếng hú của ác thú cùng dàn ca khủng khiếp của muỗi mòng, họ mượn chén rượu để tiêu sầu, rồi từ trong sâu thẳm của tâm can, bật lên những lời ca có âm hưởng da diết nhớ nhung ai oán. 

Tôi đồ những làn điệu đờn ca tài tử, cải lương, vọng cổ đã từng khiến tôi một thời mê đắm qua chiếc radio hàng đêm của Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam đã sinh ra như vậy. Về miền Tây mà không đi ghe trên sông, không xuống vườn hái trái, không nghe vài câu vọng cổ có lẽ là một khiếm khuyết vô cùng lớn. Như khi chúng ta cùng bạn bè nơi đây nhậu một bữa lẩu cá kèo, cá linh, ăn bún mắm mà lại thiếu đi mấy bông điên điển, rau đắng, kèo nèo…

Miền Tây giờ dù là đang mùa mưa cũng không có nhiều nước. Không còn cảnh đồng nước mênh mang với những thiếu nữ đẹp mê hồn chống xuồng đi hái bông súng ma, bông điên điển. Miền Tây giữa mùa lũ nhưng dòng sông Hậu, sông Tiền cũng chỉ chấp chới nơi bến bờ. Chắc chắn cái cảnh lũ lụt vừa hùng vĩ vừa kinh hoàng đã từng gây bao thảm cảnh nhưng nó cũng đã hàng năm tưới tắm cho miền đất nơi đây thêm màu mỡ hàng năm vĩnh viễn không còn nữa. 

Có lẽ chính quyền và nhân dân nơi đây tư duy theo hướng này để có những điều chỉnh thích hợp cho sản xuất và đời sống. Nhân nói về đời sống, giờ đây điều kiện sống của nhân dân vùng này cũng không khác gì các nơi, thành phố thị xã thì không nói, nhưng về vùng sâu cũng vậy, cũng chủ yếu thấy những căn nhà đúc khang trang, vững chãi chứ hầu như không tìm thấy những căn nhà tạm bợ, thưng lợp bằng lá dừa nước như trong sách báo xưa. Có lẽ những năm cải cách mở cửa kinh tế đã đem lại cho vùng này những kết quả rõ rệt trên từng con người, từng hộ gia đình.

Nhưng tôi vẫn tiếc. Đó là cảm giác đọng lại sau khi kết thúc chuyến đi, về đến Thành phố Hồ Chí Minh. Và xuyên suốt cả chuyến bay trở ra Bắc. Về đến nhà rồi vẫn còn bâng khuâng tiếc nuối. Tôi tiếc vì không hiểu sao ở một vùng đất trù phú nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế mọi mặt, có thể xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, nuôi trồng thủy sản hiện đại như vậy mà cho đến nay Nhà nước đầu tư hạ tầng cơ sở giao thông còn ít. 

Có thể nói là yếu kém. Con đường quốc lộ 1 chạy xuống mũi Cà Mau mới chỉ là hai làn đường nhỏ hẹp, xấu hoàn toàn không tương xứng với vị thế và tiềm năng về phát triển du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, nuôi trồng thủy sản qui mô lớn như vậy. Mà hầu như các tỉnh khác của miền Tây tôi đi qua cũng không khá hơn bao nhiêu. 

Trong lòng tôi cứ day dứt mãi câu hỏi, ai cũng biết khẩu hiệu “Giao thông đi trước một bước” là đúng đắn, thế nhưng bao năm qua sao không ai nghĩ đến việc làm nhanh một con đường cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh xuyên thẳng đến Đất Mũi? Có con đường huyết mạch ấy mở ra, sẽ có muôn vàn cơ hội cho người dân nơi đây đổi đời và cả vùng miền Tây sẽ cất cánh, vươn dậy như chín con rồng huyền thoại, xứng với vị thế tiềm năng của nó.

Nhưng hơn tất cả những cảm giác tiếc nuối hay bùi ngùi khi phải chia tay mảnh đất con người đẹp đẽ, là cái cảm giác tự hào yêu thương đất nước mình. Đất nước mình đâu cũng đẹp, đâu cũng nhiều tiềm năng phát triển. Chỉ có chúng ta làm thế nào cho những tiềm năng kia bừng nở thành hoa thơm trái ngọt để cuộc sống của nhân dân no đủ, giàu sang, hạnh phúc mà thôi!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top