Aa

Mùa nước lụt…

Chủ Nhật, 23/08/2020 - 07:00

Nhìn trên đỉnh suối có cột nước trắng xóa đang ầm ầm đổ xuống.“Lũ ống”! Chúng tôi chỉ kịp gào lên thế rồi bỏ hết mọi thứ nhảy lấy người lên khỏi dòng suối và chạy lên sườn núi.

Quê tôi bên bờ sông Đuống. Ngày xưa, cứ quãng cuối tháng 6 âm lịch là bắt đầu mùa nước lụt. Ở trên miền núi thì mùa này hay có nước lũ. Mưa to, nước từ các cánh rừng ngọn núi đổ ào ào dồn về các khe suối. Độ dốc lớn nên nước dồn rất nhanh, chảy rất xiết. Đó là nước lũ. Hồi ở bộ đội trên vùng núi đá phía Bắc, tôi đã chứng kiến nhiều cơn lũ dữ dội. Có hôm cả tiểu đội tôi đang ngồi nghỉ ngơi hút thuốc trong lòng suối cạn thì nghe tiếng động lạ. 

Nhìn trên đỉnh suối có cột nước trắng xóa đang ầm ầm đổ xuống. “Lũ ống”! Chúng tôi chỉ kịp gào lên thế rồi bỏ hết mọi thứ nhảy lấy người lên khỏi dòng suối và chạy lên sườn núi. Cột nước khổng lồ đổ ập xuống cuốn phăng mọi thứ ba lô chăn màn, nồi niêu súng ống. Chỉ vài phút sau con lũ tan, bọn tôi lại lần theo lòng suối để nhặt quân tư trang mắc vào các cây đổ ngổn ngang trong lòng con suối chỉ còn chảy lấp xấp. 

Các con suối ở các khe núi đó chảy dồn về các dòng sông nhỏ, rồi nhập nước về những dòng sông lớn, khi đó dòng chảy sẽ đỡ hung dữ hơn. Càng về xuôi, dòng sông càng mở rộng ra dần, khi đó nước không còn dâng lên ào ạt đến mức chạy không kịp nữa mà con nước cứ từ từ dâng một cách điềm tĩnh nhưng không có cách gì chống đỡ nổi. Mọi thứ quanh đường nước chảy của dòng sông đang lừng lững trôi về phía biển cứ lụt dần, lụt dần mất tăm tích… Đó là nước lụt.

Sông Đuống quê tôi nhận nước từ sông Hồng chỗ cửa Đức Giang nên mùa lụt xưa cũng ăn theo nước sông Hồng. Đến khoảng tháng 6 âm lịch hàng năm, mưa trên thượng nguồn bắt đầu nhiều. Về đêm, nhìn phía trên ấy sẽ thấy chớp nhay nháy liên hồi, khí trời bắt đầu lành lạnh. Các cụ già làng tôi bảo mưa nguồn nhiều rồi, nước sông sẽ lên nay mai. Ruộng bãi bên ngoài đê mùa này hay trồng ngô đỗ rau dưa, các gia đình đã phải tính toán thu hoạch chạy dần con nước lụt.

ta-con-song-que-em-lop-6

Con sông Đuống thường ngày chỉ rộng 200m đến 300m, chỗ nào lớn lắm cũng chỉ độ 500m là cùng. Đến mùa nước, dòng sông chuyển màu đỏ rực phù sa. Nước lên hàng ngày, cứ rập rình rập rình lên xuống từng cen ti mét một. Đến một hôm, bỗng con nước vượt bờ vở tràn vào cánh bãi, cũng réo ồ ồ như lũ thượng nguồn. Trong khi bố mẹ và người lớn trong làng cuống quýt đi thu hoạch nốt chỗ hoa màu mang lên đê thì bọn trẻ chúng tôi vô cùng khoái trá: Nước lụt lên tràn bãi mang theo bao nhiêu là các loại cá sông, bọn tôi vác nơm, vó đi bắt cá vui ơi là vui. Bắt cá và tắm nước sông đục ngầu phù sa mát rượi rồi thả trôi theo dòng nước tràn bãi, thi bơi với nhau, đủ trò… 

Khi con nước đã phủ tràn cánh bãi hai bên bờ, liền dải với lòng sông thì nó sẽ lên từ từ. Nhưng người già quê tôi rất lo lắng, bởi con nước mà cứ lừng lừng như thế sẽ lâu rút, lụt sẽ lâu. Đê ngâm nước lâu ngày cộng với dịp đó rất hay mưa. Những cơn mưa rào ào ào trút xuống như đổ nước. Rồi bỗng lại tạnh luôn, nắng hửng lên ngay, rồi lại mưa đổ xuống ào ạt lúc nào không biết… Ấy là mưa nước lên. Nhưng sợ nhất là những trận mưa rả rích suốt ngày đêm, từ ngày nọ sang ngày kia không tạnh. Mưa thối đất. 

Người dân quê tôi vốn có những kinh nghiệm đau thương từ những vụ vỡ đê trong quá khứ. Nên mùa lụt thường hay kéo nhau lên đê ngắm trời ngắm nước với vẻ mặt đầy lo lắng. Nhưng đó chỉ là người lớn thôi, chứ còn bọn trẻ con chả lo lắng gì. Chạy lên đê chơi, nhìn dòng nước mênh mang từ đê bên nọ sang đê bên kia rộng vài cây số đỏ ngầu phù sa.

Giữa dòng sông nước cuồn cuộn trôi băng băng về phía biển. Còn dải cánh bãi hai bên bờ mọi khi xanh mướt rau màu nước ngập lụt hết, hầu như chỉ còn những ngọn mía, ngọn đay lơ phơ trong biển nước. Thấy đẹp và hùng vĩ làm sao. 

Tôi nhớ hồi ấy khoái trá nhất là những buổi chiều tà đứng trên đê ngắm nước. Đàn ễnh ương mỗi con chỉ bằng ngón chân cái, bám trên những ngọn cây còn nhô lên mặt nước bắt đầu phồng giọng gào ồm ồm vang vọng như một con bò rống. Bạn tưởng tượng xem, dàn đồng ca ễnh ương gào trên biển nước mênh mông dưới bóng chiều tà. Âm thanh và quang cảnh mới hùng vĩ làm sao…

Thường thì con nước lụt sẽ lên đỉnh cao dịp đầu tháng bảy rồi rút dần. Một buổi sáng nào đó bỗng nó tụt hẳn khỏi cánh bãi, vuột xuống dưới bờ vở của dòng sông. Để lại trên mặt bãi một lớp phù sa mới tinh khôi mỡ màng. Bọn trẻ chúng tôi thường là những đứa đầu tiên dẫm lên lớp phù sa nâu non dẻo quánh đó. 

Bọn tôi đi tảo quanh bãi, tìm kiếm bắt những con cá cua tôm không kịp theo dòng nước rút xuống sông, bị mắc lại trong thùng vũng lạch nước…

Qua rằm tháng bảy sẽ hầu như không còn lụt to nữa. Thỉnh thoảng nước sông cũng trào dâng lên, gọi là con nước trở mã. Thường thì con nước này cũng chỉ quẫy đạp dưới bờ vở chứ không mấy khi lại tràn nổi lên phủ bãi. Người lớn làng tôi bắt đầu be bờ vùng bờ thửa, tháo nước đọng để cho phù sa khô ải chuẩn bị cày bừa cho vụ rau màu mới.

Nhưng đó là chuyện đã hơi xưa rồi. Đã hơn hai mươi năm nay, kể từ khi nhà máy thủy điện Sông Đà đóng đập xả, phát điện tổ máy cuối cùng thì từ đó hạ lưu sông Hồng, sông Đuống hết nước lụt. Mùa mưa mà con nước cũng chỉ nhờ nhờ vàng chứ không còn màu đỏ rực như xưa. Cái màu huyền thoại làm nên tên một dòng sông có lẽ đã biến mất vĩnh viễn. Và con nước nữa, chả bao giờ xấp xới với tới bờ vở hai bên tả hữu. Mùa nước lụt xưa đã trôi vào ký ức. 

Ước mơ trị thủy không bị lũ lụt hoành hành của dân quê tôi ngàn đời nay đã thành hiện thực. Thế nhưng mỗi mùa mưa về, đi trên đê sông, tôi lại nhớ da diết cái dòng nước mênh mông cuồn cuộn đỏ rực phù sa lao băng băng về phía biển. Mùa mưa nay đang cao điểm mà dòng sông vẫn cứ lấp ló tít mãi đâu xa. 

Bỗng nhiên tôi không hiểu mình nên buồn hay nên vui nữa. Khi những mùa nước lụt như ngày xưa đã không còn hàng năm tưới tắm nước phù sa cho cánh bãi quê mình…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top