Muôn mặt lý do tăng giá
Cùng với nhu cầu bức thiết về cái ăn, cái mặc..., đến các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị những ngày này sau khi bão lũ đi qua, câu chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt như tấm tôn, đinh, thép, bao xi măng lại trở thành câu chuyện thời sự.
Gia đình bà Phạm Thị Nho (thôn Lộc Hạ, xã An Thủy) đã trải qua những giây phút đớn đau bên lằn ranh sinh tử, phải cưa nóc nhà để thoát ra ngoài khi lũ lên trong đêm đen. Mặc dù không thiệt hại về người nhưng hiện tại bà Nho cũng mất hết tài sản, ngôi nhà đã bị gỡ mái cứu người trong lũ lụt giờ rất cần sửa sang lại nhưng chưa biết xoay sở ra sao.
Ông Nguyễn Văn Thục - Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy cho biết, gần như toàn bộ gia súc, gia cầm và nhiều tài sản của người dân xã này đã bị lũ cuốn trôi, nhà cửa đã bị sóng đánh tan tành...
Chỉ 2 ngày kể từ khi lũ về, căn nhà nhỏ của gia đình anh Trương Nam Sơn (33 tuổi) và chị Trần Thị Tằm (30 tuổi, ngụ đội 4, thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) đã bị đánh sập. Năm 2005, gia đình anh được một tổ chức nước ngoài tài trợ, xây cho một căn nhà hai gian, rộng 50m2. Ba thế hệ gia đình sống trong căn nhà từ ngày đó. Đến năm 2019, anh dành dụm được khoảng 40 triệu và quyết định tự tay xây cho vợ chồng em gái một căn nhà 35m2 ngay bên cạnh để cả nhà được sống rộng rãi hơn.
Căn nhà mới bị sóng lũ đánh sập một nửa chỉ trong 2 ngày. Những bức tường bê tông bị lũ “gặm” loang lổ, không còn hình dáng ngôi nhà. Căn nhà cũ bên cạnh cũng bị sóng vỗ nứt nhiều mảng tường. Sàn nhà bong tróc gần hết, tuy nhiên khi nước rút đây vẫn sẽ là nơi trú ngụ cho cả chục con người trong khi chưa có phương án nào khác.
Thực tế, với nhu cầu và điều kiện kinh tế còn nghèo của đa số người dân khu vực miền Trung thì thị trường vật liệu xây dựng chủ yếu tiêu thụ vẫn là: thép, gạch, đá, cát, xi măng, tôn, tấm lợp phibro xi măng, gỗ.
So với ngày thường, giá cả từng mặt hàng tăng cao là khó tránh. Cụ thể: tấm lợp phibro xi măng tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/tấm tùy từng loại.
Chị Nguyễn Thị Tài (ở xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh) cho biết, tháng trước gia đình tôi đã mua tấm phibro loại 1,8m với giá 53.000 đồng/tấm, nhưng hôm nay đi mua thì loại này có giá là 65.000 đồng/tấm, tăng 12.000 đồng so với ngày bình thường. Dù vậy cũng phải mua về sửa lại nhà để ở. Chị Tài cho biết: ở vùng này hầu như nhà nào cũng bị tốc mái hư hỏng nặng phải sửa sang lại, nên không chỉ vật liệu mà nhân công cũng vô cùng đắt đỏ, đành cắn răng chạy vạy lo liệu mà làm.
Bên cạnh việc thiếu lao động, nhiều vùng nông thôn miền Trung còn bị chia cắt, mất điện trên diện rộng nên người dân đang rất khó khăn trong việc sửa chữa lại mái nhà, thợ gò hàn lợp mái tôn nhận việc ở những vùng có điện, những vùng không có điện thì hẹn người dân chừng nào có điện mới làm.
Động thái từ chính quyền và ngành chức năng
Được biết ngay khi lũ rút, ngành chức năng các tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh đã “tung quân” đi kiểm tra thị trường nhằm bảo đảm ổn định giá cả, nhất là giá các loại vật liệu xây dựng, chống hiện tượng đẩy giá hàng hóa lên sau bão.
Theo tìm hiểu ở địa bàn Hà Tĩnh, sau bão lũ giá bán một số mặt hàng vật liệu xây dựng có xu hướng tăng khoảng 10 - 15%, tùy vào từng loại mặt hàng. Mặc dù giá có tăng, nhưng nhu cầu của người dân rất lớn, nên có nhiều thời điểm một số mặt hàng này trong tình trạng bị “cháy” hàng không đủ phục vụ.
Bà Cao Thị L. (chủ đại lý vật liệu xây dựng ở huyện Kỳ Anh) cho biết, sau bão, một số mặt hàng vật liệu xây dựng “cháy” hàng. Người dân ở đây chủ yếu lợp mái nhà bằng tấm phibro, tôn, bão vào càn quét phá hết nên loại tấm lợp này bán rất chạy, có nhiều thời điểm không có hàng để mà bán.
Còn bà Đỗ Thị H. (chủ một công ty chuyên cung cấp sắt thép, tôn lợp nhà ở huyện Kỳ Anh) cho biết, trong 2 ngày cửa hàng đã bán được hàng ngàn mét vuông tôn. Số lượng tôn bán ra cho người dân tăng gấp nhiều lần so với ngày bình thường. Lý giải giá tôn tăng khoảng 0,5% chủ cửa hàng cho biết, do ở Kỳ Anh bị mất điện nên các đại lý phải dùng máy nổ để cắt tôn dẫn đến giá tăng để bù đắp chi phí.
Theo Chủ tịch Hiệp hội tấm lợp phibro xi măng Võ Quang Diệm, Hiệp hội đã làm việc với các doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Hương Hoàng (Quảng Trị), Nhà máy Tấn Phát Tâm Châu thuộc Công ty TNHH Thương Mại số 1 - Đoàn Luyến (Quảng Trị), Công ty Cổ phần Quảng Phúc (Quảng Ngãi), Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Trung Nam (Hà Tĩnh) đề nghị các doanh nghiệp tăng cường sản xuất, phát huy tối đa công suất thiết kế, có cơ số sản phẩm dự phòng lớn, đủ cung cấp cho thị trường khi thị trường tăng đột biến. Ông cũng lưu ý cần tăng cường các biện pháp quản lý giá đối với các đại lý, đảm bảo giá tấm lợp ổn định, không tăng giá để trục lợi trước những khó khăn của đồng bào.
Để chia sẻ khó khăn, kịp thời hỗ trợ đồng bào vùng bão lũ, khắc phục thiệt hại về nhà ở do bão lũ gây ra, Nhà máy Tấm lợp Tấn Phát Tâm Châu - Công ty TNHH Thương mại số 1 - Đoàn Luyến (Quảng Trị) đã tài trợ 2.500 tấm lợp phibro xi măng (trị giá 150 triệu đồng) cho 60 hộ gia đình ở xã Ba Lòng, huyện Đakrông và huyện Hướng Hóa và hỗ trợ 600 tấm lợp phibro xi măng cho đồng bào thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế khắc phục thiệt hại do cơn bão số 5 gây ra.
Hiện nay, giá bán thép trong nước ở mức bình quân khoảng 11.000 - 11.050 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể. Tuy nhiên, Hiệp hội Thép VSA cho rằng, các doanh nghiệp có sự cạnh tranh gay gắt để giữ thị phần hay phát triển thêm thị phần, cạnh tranh trong cả lĩnh vực công trình và dân dụng. Do đó, giá thép xây dựng trong nước không điều chỉnh nhiều dù giá nguyên liệu tăng cao.
Rất nhiều người dân ở vùng tâm lũ miền Trung cho biết, việc tăng giá ít do điều kiện khách quan có thể chấp nhận. Song đối với những cửa hàng tăng giá, ép giá cao thì người dân mong chính quyền địa phương, ngành chức năng sẽ phối hợp với cơ quan chức năng xử phạt thích đáng.
Một cán bộ Đội Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh quản lý tại địa bàn huyện Kỳ Anh cho biết, đơn vị đang ra quân kiểm tra chặt chẽ, yêu cầu các đại lý bán vật liệu xây dựng trên địa bàn như: ngói đỏ, tôn lợp, tấm ngói phibro… ký cam kết không tăng giá.
Còn đối với một số đại lý bán hàng có tăng giá thì có thể đó là đại lý mà đơn vị chưa kịp đến kiểm tra, yêu cầu ký cam kết. Việc này sẽ tiếp tục được khẩn trương triển khai để chấn chỉnh, đảm bảo giá bán thị trường ổn định, không được tăng giá cao, trục lợi khi người dân đang lâm hoàn cảnh hoạn nạn do thiên tai, bão lũ.