Aa

"Sốt đất" hạ nhiệt: Kẻ "cắt lỗ", người "găm tiền" chờ bắt đáy

Chủ Nhật, 16/05/2021 - 17:00

Ngay sau khi "sốt đất" ở nhiều địa phương hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, có nguồn vốn tốt lại "săn" các sản phẩm bất động sản "cắt lỗ".

"Găm tiền" chờ bắt đáy sau "sốt đất"

Trong báo cáo thị trường bất động sản mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, giá giao dịch đất nền trong khu dân cư tại thời điểm nửa cuối quý I/2021, đặc biệt là sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán đã xảy ra hiện tượng tăng nóng ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên, tình trạng trên chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi lắng xuống sau khi chính quyền địa phương kịp thời.

Có lẽ thị trường luôn biến động, khi xuất hiện tình trạng "cắt lỗ" cũng là lúc dòng vốn lại theo dõi bắt đáy tìm kiếm cơ hội sinh lời khi kinh tế hồi phục. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn đang lấn cấn không biết có nên xuống tiền mua vào những căn hộ chung cư cao cấp khi mà ảnh hưởng của đại dịch vẫn còn dai dẳng với nền kinh tế.

sốt đất hạ nhiệt
Nhiều điểm nóng "sốt đất" ở huyện Thạch Thất đã chuyển trạng thái im ắng.

Anh Nguyễn Trường Sơn – một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, anh quan tâm hơn đến kênh đầu tư là bất động sản thay vì gửi tiền tiết kiệm vì lãi suất thấp. Thế nhưng, việc đầu tư thời điểm nào, khu vực nào luôn được anh đặc biệt chú ý.

Theo nhà đầu tư này lý giải, thị trường nhà đất ở mỗi địa phương sẽ khác nhau, có nơi thì giá vẫn tăng, thậm chí là "nóng sốt". Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 vừa qua, một số nơi đã trầm lắng, giá giảm, nhưng mặt bằng giá vẫn còn quá cao khiến anh cân nhắc nhiều "xuống tiền".

Cũng chính lúc thị trường hạ nhiệt, giá đất có dấu hiệu ngừng tăng khiến việc giao dịch giữa người mua có lợi thế hơn trong thương thảo. "Tôi đang theo dõi diễn biến của thị trường bất động sản ở vùng ven Hà Nội để đầu tư. Tôi không kỳ vọng quá lớn sẽ mua được lô đất "cắt lỗ" quá hời. Bởi vì, thời điểm "sốt đất" hạ nhiệt tôi sẽ không mua phải đất giá cao và có nhiều lựa chọn được lô đất vị trí đẹp hơn.", anh Sơn chia sẻ.

Nhiều nhà đầu tư cũng giống như trường hợp của anh Sơn đang sẵn sàng dòng tiền để có thể bắt đáy đúng thời điểm mua vào bất động sản vùng ven Hà Nội và các tỉnh lân cận như: Bắc Giang, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…

"Thời điểm vàng"… nhưng khó có giá rẻ

Nhận định về thị trường bất động sản sau cơn "sốt đất", giới chuyên gia thì cho rằng, đây là "thời điểm vàng" để mua vào bất động sản nói chung và những khu vực có giá nhà đất giảm sâu nói riêng. Bởi thời gian tới dịch bệnh có thể sẽ được kiểm soát khi đó bất động sản sẽ là kênh phục hồi nhanh do nhu cầu lớn.

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, những người có nhu cầu bắt đáy tiềm lực tài chính phải vững chắc, bởi đầu tư bất động sản là đầu tư dài hạn, nhất là trong bối cảnh dịch diễn biến còn phức tạp và khó lường. Nhiều phân khúc như: chung cư bình dân, trung cấp và đất liền kề, thổ cư vẫn là kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn nhất.

Đất nền vẫn là kênh đầu tư được giới đầu tư quan tâm nhiều.
Đất nền vẫn là kênh đầu tư được giới đầu tư quan tâm nhiều.

Nhận định về diễn biến thị trường bất động sản trong quý II/2021, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) cho rằng, đất nền vẫn sẽ là sản phẩm được giới đầu tư quan tâm nhiều nhất tại các địa phương ngoài Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên sau thời gian nóng sốt, các nhà đầu cơ sẽ rời khỏi thị trường, lực cầu đầu tư sẽ giảm mạnh.

Cũng theo Hội Môi giới dự báo, giá căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM trong quý II có thể sẽ được giữ nguyên. Dự kiến những sản phẩm mới ra giai đoạn này có thể xây dựng được giá bán phù hợp hơn.

Về giá đất, với sự vào cuộc của chính quyền các địa phương thời gian qua, giá đất sẽ được kiểm soát và không tăng so với quý I. Thậm chí, một số khu vực sẽ xuất hiện giảm giá, cắt lỗ.

Khảo sát thị trường bất động sản thời điểm này, mặc dù lượng giao dịch giảm đáng kể, có dấu hiệu chững lại nhưng việc các nhà đầu cơ cắt lỗ hay bán tháo bất động sản đã xảy nhưng chưa nhiều.

Theo vị lãnh đạo một công ty bất động sản ở Hà Nội chia sẻ, đối với những dự án quy hoạch đã được công khai giá giao dịch trên thị trường vẫn ở mức cao. Còn đối với những dự án chưa rõ pháp lý, chưa có quy hoạch chính thức thì nhiều nhà đầu cơ đang gặp khó trong việc đẩy bán.

"Để cắt lỗ, bán tháo là chưa xảy ra bởi một chu kỳ đầu tư kinh doanh bất động sản thường sẽ kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Chỉ khi vượt ngưỡng thời gian trên, để thu hồi vốn đầu tư cũng như có nguồn chi trả lãi suất ngân hàng,… khi đó mới xuất hiện tình trạng bán đổ, bán tháo", vị lãnh đạo trên phân tích.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top