Làng tôi cách núi Thiên Thai độ 5 - 6km gì đó theo đường đê sông Đuống. Mẹ tôi xưa hay chạy chợ kiếm thêm để nuôi anh em tôi. Bởi thóc lúa của hợp tác xã chia theo công điểm thường chẳng đủ ăn. Bà thường hay chạy quanh ba chợ: Chợ Hồ, chợ Chằm và chợ Núi. Xào xáo, rau cỏ, cám bã lợn gà… gì cũng buôn. Buôn đầu chợ bán cuối chợ lấy công làm lãi, để ra được chút gì thêm vào nuôi 5 cái miệng háu đói của lũ con và một ông chồng yếu sức, quanh năm ốm.
Mỗi khi chợ về, bà cũng hay mua quà. Hôm nào bán được nhiều hàng, vui vẻ, bà mua quà khá xông xênh, anh em chia nhau vui như tết. Hôm nào kém chợ, bà mua ít, có khi thậm chí chỉ là miếng mít của cô hàng bên cạnh chẳng bán được, tan chợ để rẻ như cho, bảo chị mang về cho các cháu ăn…
Nhưng cũng chính vì vậy mà tôi được biết mít ở núi Thiên Thai ngon như thế nào. Ngon hơn hẳn mít ở vườn làng tôi và các nơi khác. Giống mít trong vườn các nhà trên sườn núi này là giống mít dai, nhưng cực kỳ ít xơ. Mà cái xơ của nó cũng ngon kia, ngọt gần bằng múi! Hay là do hồi ấy mỗi hôm đi chợ Núi mùa mít chín, mẹ tôi chỉ mua một miếng về cho cả nhà ăn thòm thèm nên tôi thấy thế…
Mít núi Thiên Thai chưa bổ đã thơm nức vườn. Trong đó người ta hay để mít chín cây, có mùi thơm mới ra vườn khảo quả, vỗ xem quả nào bồm bộp hạ xuống đem vào. Ít thì ăn, nhiều đem ra chợ bán. Bổ quả mít ra, mùi thơm lừng lẫy cả góc chợ. Múi vàng ươm ứa mật nhưng không ướt, khiến thị giác của ta đã được hưởng ngay một bữa tiệc màu vàng tươi tuyệt đẹp.
Bóc lấy một múi, bỏ hạt, đưa vào miệng, vị ngọt thanh thấm đẫm ngấm nhanh vào vị giác, cùng hương thơm sực nức tràn trề thính giác khiến con người ta cảm thấy lâng lâng. Chậm rãi nhai miếng mít giòn sần sật trong miệng, bạn sẽ cảm thấy như mình đang được thưởng thức hương vị thiên nhiên ngọt ngào trong lành của dãy núi Thiên Thai thơ mộng, nằm soi bóng ngàn năm bên bờ sông Thiên Đức.
Nhưng mùa hè chợ Núi không chỉ có mít. Mà ở chợ đó còn bán khá nhiều ổi. Cũng là ổi từ các vườn trên núi trẩy xuống bán. Có hai loại ổi mà anh em tôi thường được ăn: Ổi mỡ và ổi găng.
Về cơ bản hai loại ổi này khá giống nhau, chỉ có kích thước là khác nhau. Ổi mỡ to hơn, bằng nắm tay trẻ em, dày cùi hơn. Còn ổi găng nhỏ hơn, nhỉnh hơn hòn bi ve xíu, mỏng cùi nhiều ruột hạt hơn. Nhưng khi chín, đều cho một màu trắng mỡ màng rất thích mắt và mùi thơm đặc trưng. Ổi chín mềm ngọt thỉu, không giòn như ổi ương. Ăn ổi ương cũng có cái thú của nó, ngọt thanh và mơ hồ lẫn vị chua hấp dẫn. Mỗi phiên chợ Núi về, mẹ tôi mua vài hào được mớ ổi của nhà nào đó trong chân núi đem ra bán. Chín, ương lẫn lộn. Thế cũng đủ cho anh em tôi gần trưa là thấp thỏm ra đầu làng ngóng mỗi hôm bà đi chợ Núi…
Vãn mùa mít, ổi là đến mùa thị. Người vùng tôi ai cũng thuộc câu ca trong truyện Tấm Cám: “Thị ơi thị rụng bị bà/Bà để bà ngửi chứ bà không ăn”. Nhưng bọn trẻ chúng tôi chẳng ngửi thị được lâu. Mẹ mua cho mỗi đứa quả thị từ trong chợ Núi về. Cũng hít hà một lát rồi nhẹ nhàng nắn bóp xung quanh quả thị.
Nắn rất nhẹ để cho thịt bên trong quả mềm ra nhưng vỏ không bị nứt. Rồi gỡ cái rốn thị ra, bóp nặn vừa đủ cho thịt quả thị trào lên rốn, mút vào miệng. Thơm và ngọt ngào. Hình như vị ngọt của quả thị nó trung gian giữa mít và ổi. Ngọt vừa đủ và thơm cũng vừa đủ. Không đặc sắc nồng nàn như mít, cũng không thoang thoảng mơ hồ như quả ổi ương…
Mẹ tôi bảo, khi có thị chín là mít không còn ngon nữa, hay bị sượng. Thế nên mùa nào thức ấy, mẹ hay mua quà cho chúng tôi đúng tiết. Mít, ổi, thị… những thứ quả núi Thiên Thai mỗi khi chợ về nơi đáy thúng. Khi mẹ ngồi hối hả quơ cái quạt nan phần phật liên hồi để giải nhanh cơn nóng mùa hè, thì anh em chúng tôi xúm xít lục quà, hân hoan chia nhau, những ngọt thơm trong lành của quả núi Thiên Thai…