Quê tôi ở làng Thế Chí Tây, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là một trong năm xã ven phá Tam Giang, được gọi là Ngũ Điền. Ngày xưa nhắc đến Ngũ Điền là nhắc đến một vùng năm xã nghèo khổ khó khăn, gồm Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc, Điền Hòa, Điền Hải. Thế Chí Tây là tên cũ của Điền Hòa. Mỗi lần từ Huế về quê có mấy đường, gồm đường thủy, đi đò từ bến Đông Ba, chạy xình xịch khoảng bốn tiếng thì về tới làng.
Đò chật ních người và hàng, sặc mùi thuốc rê, cá tôm. Đường bộ thì hoặc qua đò Vĩnh Tu, đoạn này phá rộng, từ bên này sang bên kia bờ mênh mông cả cây số duềnh doàng sóng. Và đường nữa thì chạy dấn lên tận Phong Điền để qua đò Đại Lộc. Con đường này hết sức lồi lõm, chạy qua xã Phong Chương, đất đỏ và cát trộn lẫn. Tôi thấy vùng này còn nghèo hơn Ngũ Điền nhiều.
Đến một ngày, tôi phát hiện, trời ạ, Phong Chương chính là quê của danh tướng Nguyễn Tri Phương, một trong hai Tổng đốc người miền Trung đã tuẫn tiết vì thành Hà Nội.
Không chỉ mình tôi, nhiều người cũng không biết đây là quê ông Nguyễn Tri Phương, không biết là mộ ông cũng nằm ở đây. Và không chỉ ông, nơi đây còn hai người nữa là Nguyễn Lâm, con trai Nguyễn Tri Phương là phò mã, tức là con rể của vua và ông Nguyễn Duy, em ruột Nguyễn Tri Phương, cũng là một danh tướng, công thần nhà Nguyễn.
Trước khi được điều ra giữ thành Hà Nội cùng với con trai, cụ Nguyễn Tri Phương gần như là thanh kiếm báu của triều đình nhà Nguyễn, được điều đi tất cả các nơi có biến. Thời ấy, dấu chân ông đã in từ Huế tới Biên Hòa, và sau đấy, như chúng ta đã biết, là thành Hà Nội.
Tại đây, Nguyễn Tri Phương đã anh dũng hy sinh. Một cái chết lẫm liệt, oai hùng và bi tráng. Nên mãi mãi sau này, mọi người vẫn nhắc đến hai Tổng đốc đã tuẫn tiết vì Hà Nội là Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu.
Nghĩ cũng kinh, cái thời ấy, Pháp đã có súng, quân ta giữ thành bằng gươm giáo. Thế mà cầm cự oai hùng, bi tráng, lẫm liệt. Và cái chết là được dự báo trước. Cái cách chết của Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương đã khiến cho cả dân tộc phải bùi ngùi, cảm phục đến tận giờ và mãi mãi về sau.
Vừa rồi về quê giỗ mẹ, tôi rủ chú em tranh thủ một buổi sáng chạy sang viếng mộ cụ Nguyễn Tri Phương. Chỉ mươi cây số, mà bao năm tôi có biết và ghé thăm đâu, chỉ chạy qua thôi.
Sang tới nơi thì cứ luẩn quẩn mãi trong đầu hai câu hỏi chưa gặp được câu trả lời, dù tiến sĩ Trần Đình Hằng, quê làng Phong Lai sát cạnh đấy, là Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội miền Trung, có hứa gửi tài liệu gốc cho tôi. Một là cách gì mà hồi ấy người ta đã chuyển được thi hài cả hai cha con ông từ Hà Nội về quê Phong Chương để an táng. Đây hẳn là một công việc cực kỳ kỳ khu và công kỹ.
Giờ xe lạnh hoặc là xe cứu thương miễn phí của ông Đoàn Ngọc Hải mà cũng còn khó khăn, còn hồi ấy là tuyền đi bộ. Để thấy quyết tâm và sự tín nhiệm của triều đình cũng như uy tín của ông đối với triều đình lớn như thế nào? Và hai là, làm sao mà một ông nông dân ở vùng quê hẻo lánh như thế, sau khi đánh đông dẹp Bắc thì ra làm Tổng đốc Hà Thành, toàn người tài, toàn người mệnh danh “chả thơm cũng thể hoa nhài...” mà lại thu phục được nhân tâm đến thế?
Cái cách mà cha con ông về quê an nghỉ cũng rất đáng suy nghĩ. Tôi nhớ, mới dăm năm trước, thì mộ và nhà thờ cha con ông mới được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, tức là được quan tâm tu bổ, còn trước đấy, cứ im lìm lặng lẽ ở đấy. Và đấy cũng là lý do rất nhiều người không biết là cụ Nguyễn Tri Phương đương nằm ở đây, dù Hà Nội và các thành phố khác có rất nhiều con đường mang tên ông, nhiều đường rất to.
Mộ ông giờ nằm khiêm tốn ở rìa làng. Dù vùng Thừa Thiên Huế nổi tiếng với... thế giới người âm, với những “đô thị lăng mộ”, và quê ông cũng không ngoại lệ, thế nhưng lăng mộ của cha con ông rất nhỏ, hoàn toàn không tương xứng với danh tiếng của một danh tướng đầy công trạng như suy nghĩ của nhiều người. Nhưng tôi lại hết sức khâm phục về điều ấy.
Ông đã trở về quê mình, khiêm cung nằm đấy giữa dân làng, quê hương. Tuy vậy, cái cách mà người đang sống thể hiện nơi đây thì lại khiến tôi băn khoăn. Một là con đường vào khu lăng mộ quá nhỏ, hai xe gặp nhau là sẽ đối đầu chứ không tránh nhau được. Tức là nếu có du khách đến chiêm bái, thắp hương tưởng nhớ bằng ô tô sẽ rất khó. Và nữa, cái việc người ta dùng dây kẽm gai để “bảo vệ” mộ cụ thì nó lại giống như... giam nhiều hơn là bảo vệ.
Ảnh: Văn Công Hùng
Để ngăn bò vào phá thì thiếu gì cách, hoặc là trồng hàng rào chè tàu như rất nhiều vùng nông thôn Việt đã và đang có, sẽ rất đẹp và thuần Việt, hoặc là xây một vòng tường thấp, cũng chấp nhận được hơn rất nhiều việc cắm cọc chăng kẽm gai rất tạm bợ và chướng mắt, phản cảm. Bên trong thì cỏ lút cả bia và mộ. Điều này có thể tạm chấp nhận bởi Huế đang là mùa mưa. Và thầy Thuận, Hiệu trưởng trường Nguyễn Tri Phương của xã Phong Chương ngay lập tức rút điện thoại chỉ đạo, ngày mai giáo viên ra dọn cỏ. Bảo sao không huy động học sinh, trả lời, việc này phải người lớn bác ơi, học sinh làm sao nổi.
Nói thêm về trường này, là trường khá nghèo, nhưng cũng có nhiều cố gắng để dạy và học. Hiệu trưởng kể, trường mới làm một hệ thống nhà vệ sinh mới, và mấy tháng nay trường đang hết sức... méo mặt vì phải trả tiền nước. Xí bệt nên mỗi lần dùng là tốn mấy lít. Trước nhà vệ sinh xổm và đứng, dội nước, dội mỏi tay cũng chỉ mấy gáo. Giờ ai dùng loại dội nước nữa, đã làm là phải bệt. Mấy trăm học sinh, mỗi ngày mấy trăm lần xả nước, cuối tháng hóa đơn tiền nước về, thầy méo mặt. Kể chuyện này chen vào để thấy, làm gì cũng phải có... tiền.
Thôi không vào lăng mộ viếng cụ được, bèn đứng ngoài hàng rào kẽm gai vái vọng trong mưa rồi quay xe về nhà thờ cụ cách đấy mấy trăm mét.
Và, nhà thờ cũng chỉ có thể đứng ngoài nhìn vào, vì cổng khóa kín. Thôi đành, chúng tôi quay về trong mưa.
Và vẫn cứ thắc thỏm trong lòng bao nhiêu câu hỏi...