Cũng không hẳn ngày xưa không bị phát hiện. Nhớ năm nào đấy, báo Tết của một tỉnh in bài thơ "Viên xúc xắc mùa thu" của một tác giả lạ. Thời gian êm đềm đến lúc một nhà thơ, khi ấy còn trẻ, phát hiện, ơ bài này là của Hoàng Nhuận Cầm mà. Sau đấy, cả "tác giả" và người chịu trách nhiệm cho đăng, đã sử dụng rất nhiều biện pháp để chày bửa chuyện này và "khủng bố" người phát hiện.
Ở Quảng Ngãi có nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng. Anh là người có số phận hết sức kỳ lạ. Đẹp trai, học giỏi, tốt nghiệp thủ khoa đại học sư phạm, ra trường đi dạy, đâu được chừng một năm thì bị một cơn sốt và rối từ đấy liệt toàn thân, chỉ nằm một chỗ. Một mẹ một con, rồi mẹ anh mất sau mấy năm chăm anh. Vợ chồng một người bạn đưa anh về nhà nuôi. Và anh làm thơ, thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, vẫn chỉ với một tư thế... nằm như thế.
Không dưới một lần trên báo chí, trên mạng có những bài tố cáo Hưng đạo thơ và tôi, với tư cách là người hiểu Hưng, dẫu chưa gặp nhau bao giờ, đã phải lên tiếng “bảo lãnh”, nói khó với các báo, với các tác giả, để họ hiểu Hưng. Mà đúng thế, tôi biết và luôn tin Hưng không bao giờ có ý định ăn cắp của ai, có điều cứ vô tình nó vận vào thế, sau đấy Hưng rất ân hận, day dứt. Tôi còn giữ khá nhiều thư Hưng gửi cho tôi, với những chữ rút ruột, những lời bật máu. Ơn đời, ơn mọi người trả chưa hết, nỡ nào phụ lòng bạn bè, phụ lòng cuộc đời này.
Nhớ có lần nhà thơ Trần Nhương đưa lên trang của mình bài của một nhà thơ tố cáo Hưng ăn cắp thơ của bác ấy. Tôi đọc xong, điện cho Hưng xác minh, Hưng bảo: Anh ơi, em không bao giờ ăn cắp, không bao giờ, không bao giờ làm thế, nhưng giờ nó thế em cũng không biết tại sao. Tôi hỏi bạn bè và cả các nhà thơ đàn anh ở Quảng Ngãi là Thanh Thảo, Phạm Đương, Mai Bá Ấn... rồi điện cho anh Nhương.
Anh Nhương đang trên đường xuống Hải Phòng, nghe tôi trình bày xong, bảo ngay khi xuống Hải Phòng sẽ gỡ bài. Và để gỡ, anh cũng phải có một bài “nói lại cho rõ”. Rồi trên trang nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng thế. Anh Tạo cũng hiểu Hưng và cũng “nói lại cho rõ”…
Tức là hết sức vô tình, Hưng đã... đi thực tế bằng thơ, và nó vận vào anh một cách hết sức vô thức. Khi phát hiện ra, anh đã ngay lập tức lên tiếng xin lỗi và xóa nó khỏi bộ nhớ của mình, trả về cho đúng tác giả.
Mới đây, một nữ tác giả đã rút những chi tiết đắt nhất, độc nhất từ truyện ngắn của một nhà văn để làm thành bài thơ của mình. Khi cộng đồng mạng phát hiện, báo cho nhà văn, chị chỉ yêu cầu là, bài thơ cần có một chú thích, rằng "nhân đọc truyện ngắn của nhà văn..." là xong. (Bản thân tôi, cũng có vài lần, sau khi đọc xong một cuốn sách, thì nổi hứng làm một bài thơ, ví dụ bài "Gửi Xéc Gây..." ghi ngay dưới tít: Nhân đọc "Và một ngày dài hơn thế kỷ" của Aitmatov.
Tác giả thơ ban đầu đồng ý và có lời xin lỗi về việc "cầm nhầm chi tiết", nhưng sau, nghe một số "tham mưu" của những người cái gì cũng biết, lại công khai tuyên bố đấy là sáng tạo của riêng mình, không lấy chi tiết nào của ai. Nhà văn nổi đoá lên, làm vài việc về hành chính. Bù lại, chị nhận rất nhiều gạch đá khủng bố của... đối phương, đông lắm.
Đỉnh cao của vụ việc là tác giả thơ nhờ một nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc, và bài hát rất hay, nhiều người rất thích. Nhưng khi nhạc sĩ biết được đầu cua tai nheo xuất xứ của "bài thơ", thì bằng sự cương trực vốn có, ông tuyên bố, hủy bỏ bài hát. Rất nhiều người hẫng vì mất đi một bài hát rất hay, nhưng cái nhẽ nó thế, ông nhạc sĩ tuyên bố và ông làm, vì sự công bằng, vì cái cốt lõi của sáng tạo, vì sự tuyên chiến dứt khoát với nạn... "cố ý cầm nhầm".
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn hôm rồi nhắn cho tôi: Bài "Hương thầm" của chị mà cũng có người nhận của họ đấy, họ đưa sổ tay ra bảo làm năm 1973, mà không biết rằng, năm 1970 chị đã nhận giải thưởng cho bài thơ này. Và chị chọn cách... im lặng.
Và mới nhất, có hai bài thơ khá giống nhau, một bài tên là "Ngẫu thu" xuất bản trong tập thơ từ 2010, và một tên là "Khúc giao mùa" đăng trên facebook, nhưng khi lộ chuyện thì "tác giả" trưng ra bằng chứng là ông làm năm 2013.
Vấn đề là, nhẽ ra khi được góp ý, thì nhẹ nhàng rút bài xuống, nhắn nhau một câu, chả ai nói làm gì. Đây, như là "hoạt động tình báo" ấy, một mặt nhắn tin cho tác giả xin lỗi và hứa sẽ "nói rõ" việc này trên phây. Mặt khác trên phây công khai vẫn cho rằng... không sai. Nhất là sau đấy, khi có vài "nhà văn" nhảy vào khuyên: thơ họa cũng là thơ. Đây là bài thơ họa bài kia, anh không việc gì phải nhân nhượng, nó là của anh. Và cũng dù trước đấy, trên phây, trước khi đăng "bài thơ" mà sau này gọi là "họa thơ" kia, "tác giả" đã phi lộ: "... Cái tính tôi nó cứ mê thơ. Ừ thì lại thơ vậy. Nhưng chẳng biết thơ của mình có phải là thơ không?".
Và cuộc "khủng bố" tác giả bắt đầu.
Nhà văn bị "nhà thơ" lấy chi tiết làm bài thơ tôi kể trên, sau đấy còn bị nhiều người "cầm nhầm" nguyên truyện ngắn của mình đăng trên các tạp chí văn nghệ địa phương nữa. Cũng xin nói thêm, các tạp chí văn nghệ địa phương giờ chủ yếu in vài ba trăm bản, chủ yếu để... biếu, và ban biên tập đọc với nhau, nên những người "cầm nhầm" nghĩ đăng ở đấy là an toàn nhất.
Nhưng lại quên là, trong số gần 100 tờ tạp chí gửi bưu điện biếu các tỉnh thành, thì cũng có vài người đọc. Họ đọc và phát hiện, truyện ngắn này đăng tên người này nhưng nó lại không phải của người này mà lại của người kia. Thời mạng nhanh hơn điện bây giờ, chỉ một cú chụp điện thoại, gửi qua zalo hoặc fb, xong. Vấn đề là, sau cuộc bài thơ phổ nhạc ấy, chị cũng nản.
Chị viết cho tôi: "Biết nó ăn cắp của mình nhưng mình phải... len lén như không biết anh ạ. Chứ không rồi bị cuốn vào tranh cãi, mệt lắm. Mà đa phần những người ủng hộ thì họ không lên tiếng, còn bên kia, ở đâu ra mà đông thế, và em nghiệm ra, những người bảo vệ đạo văn nhất là những người cũng từng dính dáng?".
Trở lại với bài thơ "Ngẫu thu" và "Khúc giao mùa", nó rành rành như thế, nhưng sau khi được một vài tham mưu gợi ý rằng "Khúc giao mùa" "họa" "Ngẫu thu" thì tác giả và "những người bạn" bắt đầu vào trận với tất cả sự bất chấp, lươn lẹo và cả chửi bới rất thô tục. Ban đầu họ lý lẽ như thế này: "Gớm, thế em hỏi anh, truyện Kiều thì mượn từ ai, ở đâu, khi nào? Văn học nghệ thuật ấy mà, thơ, văn, nhạc, họa, nhiếp ảnh đều ảnh hưởng nhau từ đông sang tây từ ta sang tàu cả thôi và chứng minh cực khó nếu như không đăng ký bản quyền, keke". Tiếp theo là họ bôi nhọ tác giả thật, những là ông này mới đạo, những là vô văn hóa, văn hóa lùn, huếnh hoáng, hoắng, tham... vân vân và vân vân.
Và như lẽ thường, những người hiểu chuyện, cười khẩy, tác giả thật cũng... lơ đi, vì còn bao việc phải làm.
Và, nhờn thuốc là thế.
Đạo văn cứ phát triển là vì thế. Dù nói thật, đạo để kiếm tiền giờ ít rồi, mà nó chỉ là thỏa mãn tí danh hão. Cứ như cái lời "phi lộ" của tác giả cầm nhầm kia, thì bài thơ của ông chỉ là để đăng lên phây và để bạn đọc xem đấy có phải là thơ không?
Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung, là văn minh vượt bậc, là sự phát triển kinh ngạc, là sự tiến bộ hết sức của con người. Nhưng nó cũng mang lại một số hệ lụy, ấy là người ta có nhu cầu... đăng thơ, và khi không làm được thì... đi mượn, nhưng quên xin phép. Khi bị phát hiện thì mồm năm miệng mười cãi. Cãi không được thì vu vạ lại, thì "khủng bố" bằng nhiều cách. Được vạ thì má sưng, những người tử tế chả dại gì dây vào.
Một bạn đọc nhắn cho tôi nhân cái sự "cầm nhầm" vừa xảy ra: "Ấy thế mà văn nghệ sĩ cứ dài cổ ra chửi quan tham, tham ô, tham nhũng. Mình cũng tham đấy thôi. Thấy chữ của người khác, cũng cầm lòng chả đặng".
Thì đau đến thế chứ còn thế nào nữa ạ?
Đây là hai bài thơ ạ, mời các bạn đọc:
KHÚC GIAO MÙA
Lời thu thoảng một nét buồn
Gió thu chuốt mỏng cánh chuồn chuồn kim
Nắng chen mắt lá lung linh
Vịn hoàng hôn tím lục tìm dấu xưa
Chưa vàng đáy mắt đã thu
Đương xanh chạm khúc giao mùa càng xanh
Đêm nghiêng trăng níu vênh cành
Mơn xanh khóm trúc vén xanh mây trời
Ngâu vương một cánh thu rơi
Giọt thu ngấu giữa lòng người
Nổi nênh
NGẪU THU
Em ru một mảnh gió buồn
Cành tre vuốt nhọn một chuồn chuồn kim
Lá vàng cuốn nắng đi tìm
Ngày dĩ vãng nối nổi chìm trong nhau
Lá rơi chẳng biết cành đau
Nước trôi hòn sỏi nhuộm màu hớ hênh
Mùa đi chân mây nổi nênh
Một manh cỏ muộn xanh đành xanh thôi
Muốn làm ngâu cả đất trời
Mà thu lại ngấu hồn người đi rong...