Aa

Lòng tốt và thị phi

Thứ Hai, 28/09/2020 - 07:00

Giờ kinh nhất là, những người trong bóng tối, rào rào quăng đá lên mạng, vào lòng tốt của người khác.. Nghiệm ra, đa phần người thị phi là người rất ít khi làm việc tốt cho người khác.

Phải nói ngay thế này, tôi là người từng không ưa anh Hải, Đoàn Ngọc Hải ấy, cái thời anh ấy làm Phó chủ tịch Quận 1 đi dẹp vỉa hè. Không phải phản đối việc dẹp vỉa hè, dù quả là, xung quanh vỉa hè còn rất nhiều chuyện vân vi. Chả phải ngẫu nhiên mà người ta, cả người nước ngoài, nâng cái món vỉa hè Việt Nam thành hẳn... văn hóa vỉa hè. 

Việt Nam xuất phát từ nền kinh tế tiểu nông, tiết kiệm từng thước đất, nên cái việc để những vỉa hè thẳng băng, sáng loáng, rộng rinh... nó như là... trái khoáy, như là trêu người. Vỉa hè thì có khác quái gì... bờ ruộng, là đã từng có ông bạn tôi nói thế. Bờ ruộng thì mỗi bên mỗi lần làm cỏ vạc một ít, nên cuối cùng nó mỏng như cái... lưỡi dao, đi trên ấy rất khó, dù một trong những mục đích của nó là để đi. Ông Hữu Thỉnh có câu thơ rất hay về bờ ruộng: 

"Vạc mảnh bờ con cua mất quê

Rau đay làm lẽ thuở tôi về"

Là từ cái đoạn bên nào cũng vạc bờ ấy. Riết rồi quen, người ta thấy cái việc nhấp nhổm vỉa hè nó như là... đặc sản. Ra nước ngoài, thấy vỉa hè trống trơn, cứ chèm chẹp thèm một góc vỉa hè mà khề khà ly cà phê hay là chai bia cỏ, ngắm phố, ngắm người và... hít bụi.

Thì ông Hải phải làm việc của ông ấy, rất tận tụy và đúng đạo đức công vụ. Nhưng thứ nhất là cái mặt ông hại ông. Hầu như chả thấy bao giờ ông cười. Lúc nào cũng căng thẳng như là chuẩn bị tuyên án, dù thực ra, rất nhiều ông thẩm phán chuẩn bị tuyên án, cả án nặng, lại khá duyên. Thứ nữa, là nhất cử nhất động của ông đều bị báo chí khai thác. Cứ thấy ông xuất hiện là thấy cả chục ống kính chen nhau.

Thế nhưng phải khẳng định, việc ông làm là đúng. Bởi quy định thế, cương vị ông nó phải thế, huống gì ông lại là người luôn hành động.

Nên sau đấy, khi lãnh đạo thành phố ấy điều ông sang việc khác thì thấy có vẻ cái món vỉa hè nó không nóng nữa. Và, ông từ chức.

Rồi ông làm những việc mà trước ông chưa ai làm, mọi người đều đã biết.

Và rõ ràng, đấy là việc rất tốt. Có người bảo sao ông không tuyển thêm người, không thành lập một tập thể, vân vân. Nhưng ông thích thế. Cái việc từ thiện chả ai giống ai. Vấn đề là khá nhiều người dè bỉu ông. Bảo tiền đâu ông làm? Rồi bảo ông làm màu, rồi này, rồi kia.

Ông Đoàn Ngọc Hải và câu chuyện từ thiện chở bệnh nhân về nhà miễn phí. (Ảnh sưu tầm)

Hay nhất là ông cứ kệ, việc ông ông làm.

Nhưng không phải không có những thị phi, thậm chí khá nặng. Như đặt vấn đề là tiền ở đâu, như hay là ông sám hối, rồi liệu làm được mấy ngày?!...

Nhớ lần ông đưa cháu bé ung thư từ Hà Nội về nhà ở một tỉnh cực Bắc. Hội lái xe ở tỉnh đấy tổ chức đón ông như đón anh hùng. Sau khi ông đưa cháu về nhà cháu thì những anh em hội lái xe hâm mộ ông đón ông về trụ sở, là nhà một thành viên, rộng, có ô tô, salon xịn. Và "livestream" (quay và phát video trực tiếp trên Facebook). Nhiều người vào xem chả biết đầu cua tai nheo gì, chửi ông làm màu xong chửi luôn bệnh nhân, là nhà giàu thế mà còn... lợi dụng, sao không để ông chở những người nghèo hơn?

Giờ thì tôi lại thấy thương và quý ông. Cũng từng một mình lái xe đường dài nên tôi biết, cô đơn lắm. Nhưng tôi lái là có đích đến. Còn ông, như vô định. Cứ vào bệnh viện ngồi, ai có nhu cầu thì chở, trước khi khách lên xe sẽ không biết là sẽ đi đâu, vào hay ra, phải hay trái. Bất ngờ cũng có cái thú. Nhưng cả tháng toàn lang thang bất ngờ thế thì quả là cao cường.

Nhưng mà nào đã hết. Còn làm nhà ở mấy nơi cho người nhà bệnh nhân và phụ nữ ở miễn phí. Đi rồi mới tận thấy nỗi khổ của họ, và thương họ, thế thôi. Ngay cái kinh nghiệm không nhận tiền mặt cũng là một cách hay. Thi thoảng tôi cũng có bạn bè xin tài khoản để nhờ chuyển cho các trường hợp khó khăn mà tôi gặp trên đường rồi viết. Đa phần là tôi cảm ơn và nói khó với họ là tôi sẽ xin tài khoản đối tượng rồi họ chuyển giúp vào đấy. Đấy cũng là cách để bền việc và thanh thản.

Cơ khổ, giờ cứ loạn xà ngầu khen chê. Người khen thì ngút trời, thấy anh đâu là xúm vào chụp ảnh rồi "livestream", chặn cả xe lại xin chụp ảnh. Đặt trường hợp mình, gặp ai đấy xin chụp ảnh, "livestream" mà từ chối là bị cho là chảnh ngay, mà đứng vào, ngồi im... lại bị cho làm màu. Nghiệm ra, đa phần người thị phi là người rất ít khi làm việc tốt cho người khác.

Tóm lại, làm việc tốt ấy, khó chứ chả dễ. Có người bạn nói: Họ để yên cho mình làm việc là tốt rồi. Nghe nó xót.

Một khoảng khắc của Nhà vô địch trên Đường lên đỉnh Olympia. (Ảnh sưu tầm)

Rồi lại nhớ chuyện cô bé vừa vô địch chương trình "Đường lên đỉnh Olimpia" năm này. Cháu bị chỉ trích vì tự tin quá, tự nhiên quá, thật thà bộc lộ cảm xúc quá. Cơ khổ, phải nói là cô bé ấy cực kỳ nhanh, bản lĩnh, tự tin, và thông minh nữa.

Nếu là đạo diễn, tôi cũng khuyên các cháu hãy bộc lộ hết cảm xúc của mình trên trường quay, nhất là quay trực tiếp. Chỉ khoảnh khắc ấy nhưng nó sinh động, nó mọi nhẽ cho chương trình. Còn cô bé, tôi thấy cũng chả có gì phức tạp ở cái hành động chỉ tay lên trời ấy cả. 17 tuổi, sống hết mình như thế, nhanh và thông minh thế. 

Ơ này, nhưng mà chưa cần thông minh, chỉ mới xinh thôi là dường như sẽ đã phải hứng thị phi rồi đấy!

Giờ kinh nhất là, những người trong bóng tối, rào rào quăng đá lên mạng, vào lòng tốt của người khác...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top