Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam thông tin, hiện trên địa bàn tỉnh có 180 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu dân cư, khu đô thị đang triển khai, trong đó 173 dự án đã lựa chọn nhà đầu tư và 7 dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư. Theo Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được phân loại cụ thể thành 3 nhóm.
Trong đó, nhóm 1 là những dự án được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận là việc lựa chọn nhà đầu tư chưa đúng theo quy định, gồm 106 dự án. Trong đó, nhóm dự án đã được cấp thẩm quyền thu hồi, chấm dứt hoạt động gồm 10 dự án; dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng gồm 20 dự án; dự án đã được cấp thẩm quyền giao đất gồm 57 dự án.
Nhóm 2 là các dự án được lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ, gồm 28 dự án. Trong đó, 15 dự án đang còn tiến độ thực hiện dự án; 6 dự án chậm tiến độ dưới 12 tháng; 7 dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đã được UBND tỉnh công nhận nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm đăng ký thực hiện dự án, nhưng chưa chấp thuận nhà đầu tư.
Nhóm 3 là các dự án đã giao chủ đầu tư, công nhận chủ đầu tư trước ngày Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, nhưng không nằm trong danh sách các dự án mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận việc lựa chọn nhà đầu tư chưa đúng quy định, gồm 46 dự án.
Ngoài ra, các dự án bất động sản còn gặp những vướng mắc khác về thực hiện nghĩa vụ ký quỹ bảo đảm dự án, gia hạn tiến độ, giải phóng mặt bằng... Việc này tạo áp lực cho các đơn vị trong khi thị trường đã "đứng hình" từ lâu.
Trước những khó khăn của dự án bất động sản, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam đã đề xuất các biện pháp đối với từng nhóm dự án cụ thể như giao Sở Xây dựng, Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp chủ trì, làm việc với các chủ đầu tư để đôn đốc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng và quyết toán dự án đối với 20 dự án đã hoàn thành thuộc nhóm 1.
Đối với 57 dự án đã được cấp thẩm quyền giao đất, thì với các dự án đã được cấp thẩm quyền giao đất phần lớn diện tích dự án, phần diện tích còn lại chưa được giao đất nhỏ, gặp vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thì cho phép khoanh dự án, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng, tách phần không thể bồi thường giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, đưa vào chỉnh trang để kết thúc dự án.
Nếu diện tích vướng mắc ảnh hưởng đến hạ tầng khung dự án thì chủ đầu tư phối hợp cùng với địa phương hoàn thành công tác bồi thường, tiếp tục đầu tư hoàn thành dự án đảm bảo hạ tầng khung hoặc bàn giao về địa phương để tiếp tục đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật.
Đối với các dự án nhóm 2, kiểm tra, rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các nhà đầu tư tiếp tục thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan. Đối với nhóm 3, giao các sở, ngành đốc thúc chủ đầu tư hoàn thiện, quyết toán 17 dự án đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành; 4 dự án đã chuyển chủ đầu tư cho UBND TX. Điện Bàn thì địa phương tiếp tục đầu tư…
Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam mới đây, các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực bất động sản, nhà ở, khu dân cư, khu đô thị liên tục "than khó". Không ít doanh nghiệp gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, gia hạn tiến độ, tín dụng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… khiến họ "điêu đứng" sắp "chết" vì bế tắc.
Ông Lê Tự Tâm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TX. Điện Bàn cho rằng, các doanh nghiệp như đang "ngồi trên lửa", bởi khó khăn kéo dài do dịch bệnh và hoạt động thanh, kiểm tra các dự án thời gian qua. "Khó khăn lớn nhất hiện nay là gia hạn các dự án, nếu doanh nghiệp không được gia hạn thì ngân hàng không cho vay. Một số doanh nghiệp đã vay ngân hàng để nộp vào ngân sách tỉnh, nhưng vẫn chưa gia hạn được, ngân hàng đưa doanh nghiệp vào nhóm nợ vốn. Ngoài ra, vướng nhất là giải phóng mặt bằng…", ông Tâm nói.
Trước những khó khăn đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khẳng định sẽ nỗ lực giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền trong năm 2024. Đặc biệt, là khắc phục những tồn tại mà Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra. Cùng với đó, tiếp tục kiến nghị Trung ương những vấn đề vượt thẩm quyền để tìm phương án giải quyết trong thời gian sớm nhất.
"Khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản thì tỉnh đã nắm rõ, sẽ sớm có kế hoạch tháo gỡ. Mong doanh nghiệp bình tĩnh, nỗ lực, chia sẻ với tỉnh để cùng nhau tháo gỡ", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh./.