Trước nay, bất động sản thường chỉ được định nghĩa theo các phân khúc như: Phân khúc nhà ở, văn phòng, bán lẻ và nghỉ dưỡng. Thế nhưng ranh giới của những định nghĩa đó đang bị xóa mờ bởi nhu cầu của thế hệ cư dân thành phố mới. Mọi người luôn mong muốn được sống, làm việc và giao lưu với người có chung sở thích và lối sống. Vì lý do này mà các mô hình kinh doanh như Uber và Airbnb đang ngày càng trở nên phổ biến.
Không gian làm việc chung cho mọi người là một nơi để làm việc, tương tác và cộng tác với những người cùng chí hướng, thường ở dạng chỗ ngồi linh hoạt. Những không gian như vậy đã trở nên phổ biến với sự gia tăng của “dân du mục” công nghệ số (những người làm việc từ xa) và những doanh nhân lạc quan, những người tìm kiếm một sự thay thế cho môi trường văn phòng truyền thống.
Song xu hướng đã phát triển hơn nữa và bây giờ mở rộng sang nhà ở. Sống chung (co-living) là sự phát triển mới của nhà ở chung, mang mọi người lại gần nhau và thay đổi mô hình nhà đã dùng bởi các thế hệ trước.
Có hai hình thức chính của không gian sống chung. Đầu tiên về cơ bản là nhà ở chung: Cư dân có phòng riêng (hoặc trong một số trường hợp là giường trong ký túc xá) và chia sẻ các tiện nghi khác như nhà bếp, phòng tắm và phòng khách. Thứ hai chủ yếu là một không gian làm việc chung, có chỗ ở, và tập trung vào việc mang những người cùng chí hướng đến với nhau. Mô hình hiện đại có không gian sống chung đã nhanh chóng xuất hiện ở các thành phố đô thị trên toàn thế giới và đặc biệt phổ biến ở các khu vực có chi phí nhà ở ngày càng cao như Singapore.
Co-living tại các thành phố này thu hút những người lao động địa phương muốn có một nơi ở với giá hợp lý, cũng như người nước ngoài. Không gian co-living cũng có ở các khu vực đô thị nhỏ như Bali và Siam Reap và chủ yếu nhắm vào những người không chỉ muốn sống ở những khu vực có nhiều hoạt động giải trí và chi phí sinh hoạt thấp hơn mà còn muốn là nơi giúp năng suất làm việc cao.
Những không gian này đang phổ biến hơn bởi nhiều lý do. Đầu tiên, lý do tài chính chắc chắn là một trong số đó, bởi những thành phố lớn luôn có chi phí nhà ở tăng cao. Nhưng tài chính không phải là yếu tố duy nhất dẫn tới sự gia tăng nhu cầu này. Thế hệ trẻ sinh ra từ năm 1980 tới 2000, và thế hệ sau đó vô cùng muốn tìm kiếm những giá trị tinh thần cộng đồng, điều mà ngày càng khó tìm thấy ở các khu vực đô thị, ngay cả với sự ra đời của mạng xã hội. Những người trẻ tuổi bị thu hút bởi lời hứa về một cộng đồng và các không gian sinh hoạt chung, nơi tổ chức các hoạt động xã hội, sự kiện và hội thảo thường xuyên đều hấp dẫn đối với họ. Ở chung một phòng khách không phải là một trở ngại mà ngược lại rất thú vị.
Mô hình co-living giúp những người trẻ tuổi kết nối với những người có cùng sở thích. Mô hình này giúp họ dễ dàng kết bạn khi chuyển đến các thành phố hoặc quốc gia mới và tạo điều kiện kết nối giữa các chuyên gia trẻ và những người khởi nghiệp. Một số nơi còn cẩn thận lựa chọn người được ở dựa trên tính cách để đảm bảo mọi người chung sống hòa bình và thành công.
Co-living được coi là một trong những mô hình nhà ở giúp cải thiện tình hình gia tăng dân số tại thành thị, và đặc biệt rất phổ biến với những người độc thân và giới trẻ. Thậm chí, co-living đã giúp giải quyết bài toán về giá thuê nhà cao ngất ngưởng ngay cả khi xảy ra dịch bệnh Covid-19. MBO Partners đã công bố nghiên cứu cho thấy khoảng 10,9 triệu người lao động Mỹ sẽ theo đuổi con đường trở thành dân du mục kỹ thuật số. Đây là mức tăng 48% so với năm 2019. Bạn cũng có thể thấy sự thay đổi ở những người lao động truyền thống, với số lượng họ làm việc như những người du mục kỹ thuật số tăng 96% - từ 3,2 triệu lên 6,3 triệu.
Nhận thức sự hấp dẫn của loại hình nhà ở này, Anna Rose, giám đốc của Space Syntax - nhà tư vấn kế hoạch đô thị tại London, nhận xét: “Hiện tại, mô hình co-living đang phục vụ chủ yếu nhóm đối tượng người trẻ trong khoảng 20 tới 30 tuổi. Thế nhưng những người lớn tuổi cũng có thể được thu hút bởi những căn hộ diện tích rộng hơn. Các nhà phát triển dự án nhà ở co-living nên đầu tư vào những không gian có thể đồng thời được sử dụng bởi nhiều người”.
Theo vị này, với tốc độ phát triển bùng nổ của phân khúc co-living, các nhà đầu tư và phát triển bất động sản nên nhanh chóng nắm lấy tiềm năng đầu tư. Hơn nữa, so với các phân khúc bất động sản khác như dịch vụ văn phòng, các bất động sản áp dụng mô hình mới này có thể giúp giảm thiểu rủi ro và ít bị ảnh hưởng hơn trong thời kỳ suy thoái.
Không có gì phải bàn cãi rằng nhiều người lao động từ xa đang ở tại các khu co-living. Du lịch và cuộc sống “du mục” sẽ trở nên phổ biến hơn sau đại dịch, vì vậy có thể sẽ thấy nhiều ký túc xá hướng đến mô hình co-living trong tương lai. Co-living sẽ không chỉ mở ra cơ hội ở các khu vực thành thị mà còn ở các vùng nông thôn và các điểm đến độc đáo. Co-living sẽ mang đến một cơ hội cho các chủ sở hữu và nhà điều hành bất động sản trong lĩnh vực kinh doanh cho thuê sau Covid-19.
Mô hình co-living hiện vẫn chưa trở thành xu hướng nở rộ tại Việt Nam nhưng trong bối cảnh giá nhà đang tăng mạnh ở các thành phố đông dân như TP.HCM, Hà Nội, và với số lượng người trẻ ngày càng nhiều thì bắt buộc cần có giải pháp nhà ở giá rẻ hơn. Theo đó, xu hướng này mang đến nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư tại Việt Nam, những người hướng hướng tới đối tượng 16 triệu người dưới 30 tuổi muốn ra ở riêng. Tuy nhiên, nếu phát triển sẽ cần phải có khung pháp lý điều chỉnh, mô hình này để tránh tiềm ẩn nguy cơ rủi ro như condotel, farmstay... gây ảnh hưởng tới cả chủ đầu tư lẫn khách hàng.