Theo đó, các cân nhắc về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) có tác động đáng kể đối với một lượng lớn các tổ chức phát hành nợ và có khả năng ảnh hưởng ngày càng tăng đến sức mạnh xếp hạng của họ. Báo cáo cũng xác định các chủ đề tín dụng ESG chính mà Moody's sẽ theo dõi trong năm nay, đồng thời cung cấp cái nhìn về cách có thể tạo thành rủi ro tín dụng trong ngắn và trung hạn.
“Công nghệ xanh và đổi mới mang tính đột phá sẽ ngày càng thúc đẩy các quyết định đầu tư, kinh doanh trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều từ quá trình chuyển đổi carbon, nhưng điều kiện kinh tế mờ nhạt và căng thẳng địa chính trị có thể là nguyên nhân gây trở ngại cho tham vọng Net Zero ở nhiều nơi.
Bất chấp động lực chung cho quá trình khử carbon đang tăng tốc, lãi suất cao và tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại sẽ hạn chế đầu tư xanh vào năm 2024 và tạo rào cản cho việc thực hiện các dự án sử dụng nhiều vốn”, Phó Chủ tịch Moody’s - Rebecca Karnovitz dự báo.
Theo Moody's, mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý nối lại hợp tác về các vấn đề liên quan đến khí hậu vào tháng 11/2023, nhưng tiến bộ này phần lớn phụ thuộc vào sự phát triển trong mối quan hệ ngoại giao rộng lớn hơn của hai nước.
Riêng tại Trung Quốc, việc hỗ trợ chính sách đang thúc đẩy đầu tư xanh, định hình lại chiến lược đầu tư, chuyển đổi carbon cho các công ty trong những lĩnh vực dễ bị ảnh hưởng nhất. Vào tháng 5/2022, Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Trung Quốc đã ban hành kế hoạch làm việc, dự kiến tất cả các doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước niêm yết sẽ áp dụng hướng dẫn công bố ESG tự nguyện. Tuy nhiên, các công ty trong các lĩnh vực sử dụng nhiều carbon ở nước này có xu hướng tụt hậu so với các công ty cùng ngành trên toàn cầu trong việc đặt ra mục tiêu khử carbon.
Phân tích của Moody's đối với 485 công ty phi tài chính niêm yết từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông cho thấy, tính đến tháng 5/2023, chỉ có khoảng 4% đặt ra mục tiêu khử carbon với thông tin liên quan đến lộ trình nhiệt độ cụ thể, so với khoảng 29,5% ở châu Âu và 19,9% ở các nền kinh tế tiên tiến thuộc phần còn lại của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Còn theo ngân hàng UBS của Thụy Sĩ, cơ quan này vẫn lạc quan một cách thận trọng về việc chuyển đổi năng lượng như một chủ đề đầu tư trong trung và dài hạn. Chuyên gia tại UBS nhấn mạnh: “Xu hướng chung của quá trình chuyển đổi năng lượng trong trung và dài hạn không thay đổi. Chúng tôi duy trì thái độ tương đối thận trọng và lạc quan đối với các khoản đầu tư năng lượng mới như điện gió và điện mặt trời”.
Tại Việt Nam, dù được quan tâm nhưng nguồn vốn cho các dự án vào lĩnh vực xanh vẫn còn khá khiêm tốn. PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích, bởi vì đầu tư vào các dự án xanh có thời gian thu hồi vốn dài hơn so với dự án thông thường; tỷ suất sinh lợi của các dự án này cũng thấp hơn so với các dự án có cùng lĩnh vực, vì vậy về phía doanh nghiệp nhu cầu đầu tư chưa thực sự cao do chưa có sự hấp dẫn.
Mặt khác, đối với ngân hàng là đơn vị cung cấp tín dụng xanh, vì những dự án đầu tư này mang tính dài hạn hơn nên thời gian quay vòng vốn của ngân hàng cũng sẽ lâu hơn, do đó giữa cung và cầu chưa thực sự mặn mà để thúc đẩy hoạt động đầu tư tín dụng xanh.
Về cơ sở để các ngân hàng lựa chọn những ngành tiềm năng và có thứ tự ưu tiên khi cấp tín dụng xanh, vị PGS cho biết, trong một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2018 khi sử dụng bảng cân đối liên ngành “Input- Output” đã chỉ ra rằng, thông qua hệ thống ngân hàng là kênh dẫn vốn đến toàn bộ hệ thống nền kinh tế sẽ giúp tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng xanh hơn. Từ đó khuyến nghị các ngân hàng nên đầu tư vào các ngành nông nghiệp, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao để có thể thay đổi cơ cấu nền kinh tế.
“Tuy nhiên thời điểm năm 2017-2018, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, phải cần đến 40-45% dư nợ cho vay tín dụng để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch. Và đến những năm gần đây, xu hướng chuyển dịch lại đang theo hướng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo tăng cao, do nhu cầu của doanh nghiệp xét trên góc độ về khả năng thu hồi vốn, cũng như khả năng sinh lợi của các dự án thuộc lĩnh vực này có thể cao hơn so với các dự án đầu tư vào nông nghiệp.
Bên cạnh đó, nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế hiện nay cũng ưu tiên đầu tư vào những lĩnh vực về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nên đã tạo ra nguồn vốn trung - dài hạn khá dồi dào hỗ trợ cho các lĩnh vực này hơn”, PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú nói./.