Aa

MỘT: Đã có lúc tôi không muốn trở về mặt đất

Thứ Ba, 31/12/2019 - 06:30

Thế giới đã phẳng, con người ra đi và trở về, tự nhiên, nhẹ nhàng. Cách đây 15, 20 năm thì người ta ra đi và trở về với tâm trạng như thế nào? Qua ghi chép dài kỳ này, Nguyễn Quang Thiều sẽ trả lời với nhiều điều lý thú.

Ngày 5/4/2003, tôi đến sân bay Chicago. Đây là lần thứ tư tôi đến Mỹ, tròn mười năm kể từ chuyến đi đầu tiên, diễn ra khi tôi ba mươi sáu tuổi. Những chuyến đi của tuổi trẻ lúc nào cũng hồ hởi, cũng hấp dẫn và đôi khi liều lĩnh. Nhưng ba mươi sáu tuổi thì không thể gọi là còn trẻ nữa. Có thể mắc nhiều sai lầm, nhưng có một điều không được mắc sai lầm: Đó là không được phép hão huyền về chính bản thân mình. Với tuổi ấy, nếu chưa chuẩn bị những gì cần thiết cho đường đời của mình thì khó chuẩn bị kịp nữa.

Ngày ấy, đi Mỹ là một câu chuyện đối với cả người đi và người ở nhà. Trước đó, vào những năm tám mươi, một nhà văn đi Mỹ giống như một “anh hùng”. Lê Lựu là một anh hùng. Và chuyến đi của Lê Lựu đến Mỹ dệt lên bao câu chuyện đầy vẻ huyền thoại. Lê lựu đã gặp lại kẻ thù cũ của ông ra sao, Lê lựu đã ứng đối xuất sắc với kẻ thù cũ của ông như thế nào… 

Lúc đó, người Việt Nam coi ông như một ông Trạng đi sứ. Quả thực là như vậy. Sau chuyến đi Mỹ ông trở về và bắt đầu một “nghề mới”: Nghề thuyết trình về nước Mỹ. Ông nói chuyện hay đến mức băng ghi âm cuộc nói chuyện của ông được phát hành không chính thức khắp cả nước. Người ta sao băng, cho mượn băng, bán băng. Lúc đó, băng của ông trở thành một cơn sốt hơn bất cứ album của tất cả các ca sỹ nổi tiếng nhất ở Việt Nam thời ấy. Số lượng tất nhiên có thể không bằng nhưng cơn sốt băng Lê Lựu thì luôn luôn ở nhiệt độ cao. 

Bởi với tất cả những gì ông đã một mình ứng đối trên đất Mỹ mà ông đã kể lại hàng trăm lần làm cho không ít người Việt Nam mang khoái cảm thắng Mỹ một lần nữa. Chiến thắng tinh thần hình như là một liều thuốc an thần cho những dân tộc nhỏ bé, nghèo đói và thiếu tự tin.

Sau đó, Lê Lựu xuất bản hai cuốn sách về hai chuyến đi liên tiếp: "Một Thời Lầm Lỗi" và "Trở Lại Nước Mỹ". Đấy thực sự là hai cuốn best-seller ở Việt Nam trong thời gian đó. Tôi cũng đi Mỹ sau chuyến đi của Lê Lựu vài năm, nhưng sau chuyến đi, tôi chẳng biết nói thế nào về đất nước này cho thuận tai những người Việt Nam ngày ấy. Những câu chuyện đầy tính tò mò về nước Mỹ đã bị cơn bão khẩu khí của Lê Lựu quét sạch. Người đến sau như tôi giống kẻ đứng giữa sa mạc. Và trong lần thứ tư đến Mỹ, đất nước này đối với tôi vẫn là một cái gì đấy vừa tự do vừa đe doạ, vừa khắc nghiệt vừa dễ dãi, vừa khó hiểu vừa giản đơn.

Đi chuyến đi dài này, khi tôi đã bước sang tuổi bốn mươi sáu. Bởi thế mà tôi mang cảm giác cô đơn hơn, dè dặt hơn và nhiều lúc tâm trạng rơi vào trạng thái thật khó tả. Nhưng những chuyến đi xa lúc nào cũng quyến rũ tôi. Nó luôn luôn hé lộ cho tôi một điều gì đó. S

au mỗi chuyến đi, tôi luôn luôn nhận thấy mình quá nhỏ bé, quá khờ khạo, quá ít hiểu biết trước thế gian này. Bởi thế, đối với tôi, những chuyến đi làm cho tôi được sống nhiều hơn thời gian thực của cuộc đời mình vốn có. Tôi biết được nhiều hơn những con đường, những ngôi nhà, những cái cây, những con người, những câu chuyện… Và những điều ấy làm tôi bớt đi trong lòng mình những phiền muộn, những tẻ nhạt, những tù đọng…

Có bao nhiêu tâm trạng trên cả mười ngàn thước cao?

Chuyến đi đầu tiên kỳ vỹ nhất của tôi là chuyến đi từ bờ bên này sang bờ bên kia sông Đáy. Chuyến đi ấy khi tôi năm tuổi. Mẹ tôi sang quê ngoại của mẹ ăn giỗ và tôi được đi theo. Ngày ấy, hai bờ con sông chỉ cách nhau chừng hai trăm mét. Nhưng bờ bên kia quả là một thế giới kỳ vỹ đối với cậu bé năm tuổi là tôi. Bờ bên kia với những lùm dứa dại chạy miên man dọc bờ sông. Bờ bên kia là một cây đa cổ thụ mọc đối diện với bến đò. Con đường nhỏ chạy từ bến nước lên đến gốc đa luôn mang một vẻ đẹp kỳ diệu. Và sau con đường kia, sau những lùm dứa dại, sau cây đa cổ thụ là những ngôi nhà ẩn hiện trong những vòm lá, và sau tất cả những cái đó là dãy núi mờ xa và sau nữa là cái gì.

 Ngày còn bé, tôi thường ra bờ sông nhìn về phía bên kia sông trong những buổi chiều mùa hạ với trí tưởng tượng và lòng khao khát vô bờ. Tôi thật sự phấn khích khủng khiếp khi bước chân lên mạn đò. Và khi tôi bước đến dưới gốc đa và ngước nhìn lên cây đa cổ thụ thì người tôi run lên bởi một cảm giác lớn lao. Sự vĩ đại của những vòm lá lớn đang vang lên bởi tiếng gió đã trùm phủ tôi và tràn ngập trong tôi. Có một uy lực nào đó trong những vòm lá lớn từ trên cao đang chiếm ngự tôi. Cảm giác ấy và uy lực ấy đến bây giờ vẫn vậy. Có lẽ bởi thế mà sau này trong thơ của mình, tôi thường viết về những cái cây. Những cái cây lúc nào cũng kỳ vĩ, lúc nào cũng đầy uy lực và luôn luôn toả sáng trong cả những đêm tối.

Chuyến đi nước ngoài đầu tiên là chuyến đi từ thành phố Hồ Chí Minh đến Phnom Penh, Campuchia cuối năm 1979. Ngày ấy, Campuchia mới được giải phóng và bộ đội Việt Nam có mặt ở mọi nơi trên đất nước bé nhỏ này. Con đường từ phà Niếc Lương đến Phnom Penh nham nhở dấu vết những hố chống xe tăng. Chuyến đi ấy cần một người biết tiếng Anh. Thế là người ta chọn tôi. Tôi phải mặc quần áo lính và mang theo súng AK báng gập.

 Trên đoạn đường ấy, chúng tôi phải ngồi quay mặt về phía sau để quan sát đề phòng bị tàn quân Pol Pot phục kích. Đã có một vài chuyến xe như vậy bị súng chống tăng của tàn quân bắn. Phnom Penh những ngày đó còn tan hoang. Những người dân thành phố này bỏ chạy hoặc bị bắt rời khỏi thành phố trong thời Pol Pot vẫn chưa trở về. 

Trong vườn của những ngôi biệt thự, cỏ dại mọc tràn lan. Một người lính Việt Nam đã đưa tôi đi lang thang trong thành phố. Và bất chợt, tôi nhìn thấy một quả xoài sót lại trên cây trong một khu vườn.

Quả xoài chín vàng. Màu vàng ấy toả sáng rực rỡ trong một thành phố như đã chết. Sự toả sáng của quả xoài như niềm hy vọng cuối cùng và đầu tiên sau thời đại đen tối của chế độ diệt chủng. Nó như một đức hạnh còn sót lại của một dân tộc đã có một lúc lầm lạc và rồ dại. Quả xoài như một ngọn đèn, như một ngôi sao, như một gương mặt người ẩn nấp đâu đó giờ xuất hiện. 

Đêm ấy, tôi đã làm một bài thơ ngắn về quả xoài. Đấy là bài thơ đầu tiên tôi làm với một sự ám ảnh. Và sáng sớm hôm sau, tôi đi qua khu vườn ấy. Tôi không còn nhìn thấy quả xoài nữa. Có thể ai đó đã hái quả xoài. Có thể quả xoài đã rụng trong đêm. Và có thể nó hiện ra cho tôi một lần và chỉ một lần rồi biến mất. Bài thơ tôi làm không thành công. Và tôi chính là kẻ đã không lưu giữ được vẻ đẹp ấy. Khi nghệ thuật không đủ quyền lực thì nó không thể giữ lại được vẻ đẹp. Tôi đã thất bại chỉ vì khả năng thi ca lúc ấy của tôi quá vụng về. Tôi lúc đó là một thi sỹ không đủ quyền lực ngôn ngữ. Có lẽ bởi thế mà cho đến bây giờ, hơn hai mươi năm trôi qua, quả xoài ấy vẫn ẩn hiện đâu đấy trong ký ức tôi. Nó đợi một ngày nào đó, với khả năng ngôn ngữ của thi sỹ, lại hiện ra như một ngọn đèn, như một ngôi sao và như một gương mặt lấp lánh trong bóng tối của cái chết. Đấy là khát vọng của tôi và tôi nghĩ cũng là của mọi thi sỹ trong mọi thời đại.

Tôi quá cảnh ở sân bay Narita – Tokyo trên đường đến Chicago. Tôi ngồi hút thuốc và nhìn qua cửa kính. Tokyo đang mưa. Bầu trời xám nặng. Những giọt mưa rơi vào cửa kính và chảy thành một vệt dài. Thật ý nghĩa khi được ngồi im lặng, một sự im lặng thật sự, ở một nơi mà tôi không biết ai và cũng không ai biết tôi. Khoảng thời gian ấy, tôi đắm chìm trong miên man bao ý nghĩ. Những người đến hút thuốc rồi vội vã ra đi. 

Tôi nhớ lần đầu tiên tôi đi một mình đến một nước tư bản – Australia. Tôi quá cảnh ở sân bay Singapore. Sân bay rộng mênh mông với hàng trăm cửa ra máy bay. Chính ở đấy, lần đầu tiên tôi thấy cô đơn vô cùng. Tôi ngồi im lặng ngắm những dòng người của mọi quốc tịch vội vã đi qua và biến mất. 

Họ là ai? Họ đi về đâu? Ai đang đợi họ? Họ mang trong lòng những nỗi niềm gì? Họ đang hạnh phúc hay đang khổ đau? Họ đang được chờ đợi đón tiếp hay họ đang chạy trốn, đang bị truy đuổi? Sân bay Singapore lúc đó như thế gian với bao số phận không thể sẻ chia, với bao câu hỏi không lời đáp, với bao cuộc hành trình về muôn hướng khác nhau, với bao bí ẩn trong mỗi sinh linh kia, rồi những chiếc máy bay rời mặt đất vào không gian bao la, rồi có thể có những tai nạn xẩy ra, rồi biến mất mãi mãi.

Những đêm ngồi chờ máy bay để đi tiếp ở những sân bay quá cảnh nước ngoài, tôi thường có cảm giác muốn trở về ngôi nhà của mình ngay lúc đó. Nếu có thể làm được điều đó thì tôi chắc đã bỏ giữa chừng nhiều chuyến đi.

Những bữa cơm tối bình dị trong ngôi nhà nhỏ cùng với những người thân bỗng hiện lên ấm áp lạ kỳ. Nhiều lúc tôi nghĩ, vì lý do gì mà mình để lại một chiếc ghế trống trong những bữa tối ấy. Vì lý do gì mà mình lại có thể xa những đứa con bé bỏng yêu dấu của mình để ngồi đơn độc ở một nơi xa lạ mà nếu có chuyện gì xẩy ra thì mình không thể về tới ngôi nhà của mình được.

Ảnh minh họa

Thế nhưng sau mỗi chuyến đi xa trở về thì một chuyến đi xa khác lại lên tiếng gọi mình. Tiếng gọi ra đi cũng quyến rũ như tiếng gọi trở về. Nhưng dù thế nào thì tôi cũng là người may mắn hơn nhiều bạn bè của tôi. Những chuyến đi mỗi lần lại chất thêm vào lòng tôi những kỷ niệm. Tôi thấy mình là một kẻ giàu có. Và tôi cũng thấy mình buồn bã hơn.

Chuyến đi mà bây giờ vẫn còn lại trong tôi một sự lôi cuốn mạnh mẽ và một nỗi buồn da diết là chuyến đi Cuba gần hai mươi năm về trước. Đấy là lần đầu tiên tôi có một chuyến đi xa như thế. 

Ngày ấy tôi hai mươi bảy tuổi. Vợ tôi lúc đó đang mang thai đứa con đầu lòng. Chỉ còn hơn một tháng nữa là con tôi ra đời. Tôi không bao giờ quên được đêm cuối cùng trước khi tôi đi. Tôi mệt quá và ngủ thiếp không hề tâm sự với người vợ trẻ. Gần sáng tôi nghe tiếng khóc và tỉnh giấc. Vợ tôi đang khóc. Thấy tôi tỉnh giấc, vợ tôi cắn môi im lặng. Tôi quờ tay lên mặt vợ và thấy đầm đìa nước mắt. Tôi hỏi vì sao em khóc. Vợ tôi nức nở mãi mới nói: Anh ơi, anh đi em biết nuôi con thế nào? Đấy không phải là một câu hỏi. Đấy là một tiếng kêu.

Đúng như vậy. Vợ tôi sẽ nuôi con tôi như thế nào? Tôi không trả lời được câu hỏi ấy. Vì ngày ấy, tôi chẳng có gì trong tay. Không nhà cửa, không cả một chiếc xe đạp cũ để đi làm, không tiền tiết kiệm, không quá ba bộ quần áo. Và vợ tôi lúc ấy mới ra trường, chưa công ăn việc làm. Thời ấy là những năm tháng đói khát vô cùng. Tôi không biết vợ tôi sẽ nuôi con như thế nào. Tôi hoàn toàn không biết. Lúc ấy, tôi muốn ở lại. Nhưng khi ban mai thức dậy thì tôi vẫn quyết ra đi. 

Có hai người tiễn tôi ra sân bay làm tôi đau lòng cho đến tận bây giờ. Cha tôi và vợ tôi. Cha tôi lúc đó đã về hưu. Người luôn luôn sợ hãi về tôi. Hình như tôi luôn luôn là sự bất trắc trong cuộc đời của ông. Vợ tôi lúc đó mang thai tháng thứ tám. Hình ảnh một người phụ nữ trẻ, da trắng xanh, gầy gò, mang một cái thai lớn tiễn tôi trong câm lặng và ngơ ngác làm trái tim tôi tưởng vỡ tan.

Khi tôi vào phòng đợi của sân bay. Cửa kính đã cách biệt mọi âm thanh từ bên ngoài. Tôi quay lại và thấy cha tôi đang đứng đó. Ông đứng bất động nhìn tôi. Tôi chỉ nhìn thấy ông thôi nhưng không nghe thấy gì nữa. Cảm giác của tôi lúc đó giống như cảm giác của người đã chết. Linh hồn người ấy vẫn nhìn thấy người thân của họ nhưng không thể nào trò chuyện được nữa. Và lúc ấy, lần đầu tiên tôi mới thấy yêu và thương cha tôi thực sự. Lần đầu tiên tôi thấy gót chân tôi chạy đau trái tim ông suốt hai mươi sáu năm về trước.

Sau cha tôi là vợ tôi. Bất động và như vô cảm. Tôi muốn bỏ chuyến đi và quay về. Nhưng tôi đã quay đi. Chuyến bay từ Hà Nội đi Maxcova phải chậm lại vì trời mưa quá to. Lúc ấy, ý nghĩ quay trở về lại ùa đến. Lẽ nào tôi sẽ đi xa nơi chốn kia và những người thương yêu của tôi. Nhưng tôi đã không quay trở lại. Con người tôi vừa yếu đuối vừa giá lạnh. Và tôi đã xa gia đình bốn năm. 

Khi tôi trở về, con trai tôi đã bốn tuổi. Cháu gọi tôi là chú xưng con trong mấy tuần đầu sau khi tôi về nước. Thế nhưng tiếng kêu của vợ tôi trong cái đêm gần sáng cách đây bao nhiêu năm vẫn làm lòng tôi đau đớn. Nhiều lúc, tôi nghĩ, lúc đó tôi là kẻ nhẫn tâm. Cũng có lẽ vì thế mà sau này trong mỗi chuyến đi xa, tôi không bao giờ cho vợ con tôi và người thân tiễn tôi. Tôi sợ nhìn thấy cảnh chia tay dù là chia tay trong khoảnh khắc.

Ảnh minh họa

Chuyến bay đi Mỹ là chuyến bay dài nhất mà tôi từng đi. Trước kia đi Mỹ, tôi thường đi máy bay của hàng không Hàn Quốc. Từ Seoul đi New York thường mất mười bốn tiếng đồng hồ. Từ Tokyo đi Chicago gần hơn hai tiếng. 

Nỗi sợ hãi nhất khi ngồi trên một chuyến bay dài như thế không phải là một tai nạn. Vì tai nạn có xảy ra thì ngay sau đó người ta chẳng còn biết gì nữa. Mà nỗi sợ hãi lớn nhất chính là mang cảm giác của sự bất động. Người ta không có cảm giác người ta đang bay với tốc độ ghê gớm (khoảng 900 km/h). Tất cả như đứng im. Tất cả như đã chết. Tất cả như đã cách biệt hoàn toàn với thế gian.

Lúc đó, tôi thèm được nhìn thấy tán lá si xao động trong gió trên ban công tầng hai nhà tôi. Thèm được nghe tiếng chuông gió vang lên lúc gần sáng khi trời trở gió. 

Những chuyến đi Mỹ trước đây, hầu hết thời gian tôi ở nhà một người bạn, một nhà thơ Mỹ, Kevin Bowen. Trên mái hiên cổng sau của nhà ông có treo những chiếc chuông gió. Tôi đã có những buổi chiều ngồi đó cho đến khi bóng tối tràn ngập ngôi nhà và tiếng chuông gió vang lên. Và lúc đó, tôi nhận ra tôi thực sự là một kẻ lãng mạn và yếu đuối. Tiếng chuông gió luôn làm tôi thổn thức. Âm thanh giản dị ấy vang lên thật mơ hồ và lan xa, xa mãi. Tiếng chuông gió làm cho không gian trở lên thanh sạch lạ kỳ. Còn trên máy bay, tiếng động cơ rì rì như ở một thế giới khác. Ngồi trên máy bay ở độ cao 10.000 mét như vậy, chỉ có duy nhất một hình ảnh hùng vĩ và bi tráng nhất mà tôi nhìn thấy: Ban mai.

Lúc ấy, chiếc máy bay tôi đi đang bay trên một thảo nguyên mây bất tận. Và ban mai thức dậy trên thảo nguyên mây ấy. Một không khí cổ xưa tràn ngập con người tôi. Cho đến bây giờ tôi vẫn tin đó là hình ảnh chính xác của ban mai khởi nguyên. Hùng vĩ và bi tráng. Đơn độc và tinh khiết.

Lúc đó, tôi như một cái cây, như một con thú nhỏ ngước nhìn ban mai với sự quyến rũ vĩ đại mang đầy sợ hãi và bừng tỉnh. Lúc đó, sự rực rỡ của ban mai ùa vào tôi như sự ban phước của Đấng tối cao. Giá lạnh, bóng tối, cô đơn… vụt tan biến. Thay vào đó là sự hân hoan như một tiếng rống vang bỗng dội lên. Không. Dù có nói thế nào thì tôi cũng không tả hết được hình ảnh ban mai ấy. Cảm giác lúc đó làm con người muốn oà khóc. Nó như ban mai đầu tiên sau bất tận của bóng tối, của giá lạnh và cô độc. Nó không giống bất kỳ ban mai nào trên trái đất mà tôi đã gặp. Bởi trên lưng trời kia tôi chỉ có một mình. Tôi giống như một người cổ đại đứng trên đỉnh đồi trước ban mai và hú lên trong sự cô độc đến kinh hãi và hân hoan thống thiết. Hành khách quanh tôi đang chìm sâu trong giấc ngủ. Mà cho dù họ có thức thì sự hiện diện của những con người xa lạ kia liệu có ý nghĩa gì với tôi không? 

Ôi ban mai, ban mai, người chảy trong máu thịt tôi với toàn bộ sự tinh khiết, rực ấm, sinh sôi, bất tận, huy hoàng và cả thổn thức. Người đã cứu tôi ra khỏi bóng tối của giá lạnh, sợ hãi và cô đơn...

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top