Có lẽ, chẳng có khu vực bóng đá nào trên thế giới lại kém cỏi và lộn xộn như bóng đá Đông Nam Á.
Trước hết, các kỳ SEA Games được tổ chức ở nước nào thì nước đó tìm mọi cách để nhét đầy túi huy chương. Nghĩa là họ phải gây ra những bất lợi cho các nước khác hoặc tìm cách "mua" trọng tài. Cho đến bây giờ, đã là SEA Games 30. Nghĩa là cuộc chơi này đã trải qua mấy chục năm, nhưng sự yếu kém, lộn xộn và bệnh thành tích thái quá vẫn chẳng có gì thay đổi đáng kể ngoài một hai cái sân vận động to hơn, hiện đại hơn một chút.
Môn bóng đá nam ở SEA Games 30 này, các đội phải đá với tần suất 2 ngày một trận. Đá như thế có vẻ là đá cho có, là chỉ đá mà thôi. Khi các đội tuyển U22 các nước đến Phillipines, là nước chủ nhà, thì càng nhận thấy khả năng tổ chức yếu kém và tùy tiện lộ ra. Có đội phải ngủ trên thảm, có đội thiếu cả ăn… Các thông báo thì viết tay loằng ngoằng, cứ như tổ chức ở một làng quê quá xa thành phố vậy. Trong khi đó, đội này nói xấu đội kia, đội này dọa “giết” đội kia. Có sân tập, đến nơi thì không thấy có nhà vệ sinh hay nơi thay quần áo ở đâu cả.
Nhìn hình ảnh đội tuyển U22 Thái Lan vào sân tập giống như đang lội qua rừng cỏ lác , đầm lầy. Cả một cuộc chơi, lẽ ra chỉ là chuyên môn và vẻ đẹp, thì lại tung ra muôn vàn đòn tâm lý, mánh khóe, tiểu xảo và thiếu chuyên nghiệp đến không tưởng.
Ngay cả "ông" Thái Lan, suốt ngày chỉ muốn làm vua bóng đá của cái vùng trũng này, thì lên gân, lên cốt. Trường hợp Supachai Jaided, là cầu thủ đã đấm vào người trung vệ Trần Đình Trọng trong trận thua U23 Việt Nam 0 - 4 ở vòng loại bảng K Giải U23 châu Á 2020 trên sân Mỹ Đình hồi tháng 3 năm nay, phải nhận thẻ đỏ rời sân. AFC sau đó đã đưa ra án phạt cấm Supachai thi đấu 2 trận ở Vòng chung kết mà Thái Lan là nước chủ nhà, diễn ra vào đầu năm 2020. Trước đây ít ngày, Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) lại làm đơn xin AFC xóa án cho cầu thủ này với một lý do đúng là không tưởng, là vì Thái Lan là chủ nhà của Vòng chung kết nên xin xóa thẻ đỏ cho anh ta. Một tư duy nghiệp dư không thể nghiệp dư hơn. Rồi cả cái ông trợ lý thủ môn của tuyển Thái Lan, đã tìm cách gây áp lực tâm lý lên HLV Park Hang Seo qua việc chê bai ông Park thấp lùn.
Căn bệnh thành tích nhỏ bé của vùng trũng này đã làm mờ mắt nhiều liên đoàn bóng đá và kéo theo cả các HLV từng có một thời oanh liệt.
Nếu cứ tư duy như vậy, Thái Lan hay bất cứ đội bóng nào của Đông Nam Á cũng không bao giờ bước vào sân chơi châu lục và càng xa vời với sân chơi thế giới. Tinh thần học hỏi lẫn nhau và cùng nhau đưa tầm bóng đá Đông Nam Á lên cao hơn hầu như chẳng thấy thể hiện ở hầu hết các đội. Vì thành tích mà ồ ạt nhập tịch những cầu thủ chẳng có dây mơ dễ má gì với đất nước mình. Ngay cả HLV trưởng đội tuyển Trung Quốc, mới đây đã tuyên bố, họ sẵn sàng nhập tịch cả Messi và Ronaldo, nếu có thể.
Có không ít người hâm mộ Việt Nam đã phản ứng vì VFF quá đắm chìm vào cái huy chương vàng SEA Games. Sao họ không trăn trở tìm ra con đường để các cầu thủ Việt Nam có được kỹ thuật, sức khỏe và tư duy như một cầu thủ của các nước lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc ở châu Á và các nước châu Âu, mà lại chỉ lo lắng cho cái huy chương của vùng trũng nhất về bóng đá của thế giới này làm gì?
Bóng đá Việt Nam trong hai năm qua, rất may có được ông thầy Park Hang Seo, nên đã bước lên một tầm khác. Nhưng theo cách nhìn của tôi, thì thầy Park đã làm xong sứ mệnh của mình đối với bóng đá Việt Nam.
Muốn bóng đá Việt Nam lên một tầm mới nữa, chúng ta phải thay đổi tư duy một lần nữa hoặc phải thay đổi cách đào tạo, huấn luyện và thay đổi cả mục đích một cách triệt để trong những chặng đường dài. Chứ cứ hết năm này đến năm khác, "giấc mơ lớn" vẫn chỉ là SEA Games thôi, thì bóng đá Việt Nam nói riêng và bóng đá Đông Nam Á nói chung, sẽ dậm mãi chân tại chỗ.