Thống kê về tai nạn giao thông trong đêm “đi bão” mừng Tuyển U22 Việt Nam giành Huy chương vàng SEA Games sau 60 năm chờ đợi cho thấy, số lượng người chết vì tai nạn giao thông tăng hơn so với những ngày thường. Và thế là, có một số người đã đổ tội cho bóng đá và... xỉ vả những người “đi bão”. Nhưng “đi bão” như vậy không phải là nguyên nhân chính cho những cái chết thương tâm và vô nghĩa ấy.
Có những người đã phản đối bóng đá và cho rằng, những chiến thắng của đội tuyển đã dẫn những cái chết này. Nhưng tôi lại không nghĩ như vậy. Chúng ta cần suy nghĩ rộng hơn và công bằng hơn, để tìm ra những chuyện đau lòng mà chúng ta phải chứng kiến, không chỉ là tai nạn giao thông.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn khẳng định rằng: Người Việt Nam là những người vô kỷ luật nhất trong việc tham gia giao thông. Cứ nhìn cách đi đứng trên đường của người Việt mà xem. Họ tham gia vào sinh hoạt cộng đồng với sự vô kỷ luật nhất nhì thế giới.
Cho tới tận bây giờ, chuyện vượt đèn đỏ của người Hà Nội vẫn chẳng hề thuyên giảm. Ở ngã ba, ngã tư không có cảnh sát giao thông thì sẽ trở thành một thế giới hỗn loạn ngay lập tức. Bạn thử lùi xe một lần ở đoạn đường nào đó mà xem. Không ai có ý định nhường đường cho bạn, dù việc nhường đường đó chỉ mất chừng một phút là nhiều nhất. Họ tìm mọi cách để cướp đường.
Có lần tôi thấy một bà mẹ chở đứa con từ bên này đường để sang bên kia đường mà phải chờ đến mệt mỏi. Không ai có ý định nhường cho bà mẹ và đứa con đó. Chỉ một hình ảnh như thế đủ cho thấy người Việt Nam đang sống với ý thức như thế nào. Ngay cả việc lấn chiếm vỉa hè Hà Nội, thì với ý thức như bây giờ, có lẽ 1.000 năm nữa cũng chẳng có gì tiến triển. Cảnh sát giao thông hay những bộ phận làm trật tự đường phố vừa đi qua thì người dân lại ào ra lấn chiếm.
Tôi có cảm giác là người dân chẳng quan tâm gì đến những nguyên tắc, quy định giữ gìn trật tự đường phố cả. Cái gì có lợi cho cá nhân họ nhất là họ làm mà không bao giờ có cảm giác xấu hổ.
Lại nhớ đến hình ảnh một cậu bé Nhật đứng xếp hàng chờ nhận đồ ăn tiếp tế sau cơn sóng thần năm nào. Một người chứng kiến đã kể lại câu chuyện như sau: "Tôi đưa bao lương khô khẩu phần ăn của tôi cho cậu bé và nói: "Đợi tới phiên của con thì chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói". Cậu bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn.
Tôi tưởng cậu bé sẽ phải ăn ngấu nghiến ngay lúc đó. Nhưng không phải, em ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng. Tôi sửng sốt và ngạc nhiên vô cùng, mới hỏi: "Sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó?". Em trả lời: "Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ". Tôi nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác để khóc. Không ngờ một em nhỏ 9 tuổi, mới học lớp 3 đã có thể “dạy” một người có ăn có học, có bằng tiến sĩ như tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh”.
Một cậu bé ở nước Nhật đã làm được một hành động lớn lao như vậy. Đó chính là lý do vì sao nước Nhật trở thành một đất nước giàu có, văn minh và được tôn trọng như vậy.
Vì thế, bóng đá chẳng có tội gì và xét tận gốc rễ, chẳng có liên quan gì đến các vụ tai nạn giao thông. Nguyên nhân dẫn đến những tai nạn giao thông thảm khốc là ý thức chấp hành luật lệ của người tham gia giao thông. Cũng như bản thân các con sông, các hồ nước không có tội khi nguồn nước bị ô nhiễm, thịt lợn, thịt gà cũng chẳng phải là kẻ chủ mưu trong việc gây ra thực phẩm bẩn. Tất cả những điều tồi tệ trong giao thông, trong thực phẩm, trong giáo dục, trong y tế và cả trong tín ngưỡng ở nước ta hiện nay là do con người gây nên.
Đừng đổ cho khách quan khi chúng ta làm những điều kém cỏi và đáng xấu hổ. Khi không biết kết tội chính mình thì cái xấu cứ kéo dài ra mãi mà chẳng có gì ngăn cản được.