Có nhiều lý do khiến tôi vẫn háo hức chờ đợi một ngày nào đó được bay ra giàn khoan. Để xem họ làm gì giữa biển trời bao la. Để trải nghiệm thực tế đời sống của thợ khoan và khai thác dầu ở nơi cách đất liền hàng trăm hải lý. Và tất nhiên là để thỏa trí tò mò về… biển? Sau nhiều lần bị lỡ, vì đủ loại lý do khác nhau, cuối cùng thì tôi cũng được toại nguyện.
Đó là chuyến bay mà tôi sẽ còn nhớ mãi. Bởi đây là lần đầu tiên, tôi thực sự được ra biển? Ra biển, chứ không chỉ đến biển! Phần lớn chúng ta, những người sống sâu trong lục địa, mới chỉ đến biển, đứng trên bờ nhìn, xa nhất cũng “trên mười kilomet” như khoa học đã chỉ ra, hoặc men men gần bờ, chứ không nhiều người thực sự ra biển. Trong ngôn ngữ tiếng Việt, biển và đại dương là hai khái niệm khác nhau về cảm giác mênh mông, mặc dù đại đương thì cũng vẫn là biển.
Vâng, tản mạn chơi một chút về chữ nghĩa, tôi muốn nhắc lại, ra biển khác xa với đến biển. Để bạn thấy lòng tôi háo hức nhường nào. Mình sắp được ra tít ngoài đại dương, nơi chỉ có trời và nước, nơi trong tưởng tượng thời trẻ của tôi là tận cùng trái đất.
Khi ngồi trên máy bay trực thăng của Pháp cất cánh từ Vũng Tàu hướng về phía đại dương, nơi có dàn khai thác dầu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, lòng tôi tràn ngập cảm xúc. Địa điểm của dàn khai thác nằm cách đất liền hơn 250km, tức là gần với mép ngoài của thềm lục địa! Thềm lục địa, một khái niệm hầu như vắng bóng trong mớ kiến thức hồi trẻ của tôi về địa lý. Trong kí ức của tôi cũng chỉ có khái niệm đất và nước, làm nên một thực thể lớn là đất nước, chính là sơn hà xã tắc, là Tổ quốc, là quê hương bản quán.
Hồi đó tôi đâu biết, với người Việt, nước còn chính là biển. Biển xanh ngăn ngắt và thơ mộng bên dưới kia là một phần máu thịt Tổ quốc. Dù cửa máy bay đóng kín nhưng tâm hồn tôi lại mở toang ra bốn phía. Thật tuyệt! Lần đầu tiên tôi bay giữa biển trời bao la hoàn toàn theo nghĩa đen. Vào giây phút ấy, có biết bao nhiêu ý nghĩ cùng ập đến. Không còn một chút ám ảnh nào về nguy hiểm. Chỉ thấy tự hào. Chỉ thấy da diết dâng lên trong tâm hồn một niềm thương nhớ kỳ lạ. Thương nhớ về quá vãng, về những người đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển để cắm mốc chủ quyền, xác nhận sự có mặt đầu tiên của người Việt trên những hòn đảo xa xôi từ nhiều thế kỷ trước…
Nếu cứ chỉ ở bên ngoài, nếu chỉ nghe một vài vụ án liên quan đến dầu khí thì dễ dàng nghĩ ngành dầu khí là nơi để người ta chỉ tìm cách tiêu tiền. Không cẩn thận, chúng ta đang xúc phạm đến hàng vạn người ngày đêm miệt mài làm việc trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Bởi trên thực tế, lao động dầu khí thuộc loại vất vả và nguy hiểm bậc nhất. Tôi thậm chí còn cho rằng rất nhiều người chưa nhận được sự trả công xứng đáng. Chẳng hạn như những gì mà tôi chứng kiến trong suốt cả chuyến đi. Họ lúc nào cũng phải căng sức ra. Chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể phải trả giá cực đắt. Những người thợ giàn, ngoài việc phải luôn ý thức về những quy định an toàn ngặt nghèo, họ còn có trăm ngàn thứ áp lực mà người ngoài không thể hình dung được. Không cần hỏi mà chỉ cần vài ngày ở lại ngoài giàn, những áp lực đó cứ tự hiển hiện với tôi. Do là khách nên tôi được đón tiếp niềm nở, thân tình với nhiều ưu đãi đặc biệt.
Nhưng sau cái bắt tay nồng ấm là lời nhắc nhở lạnh lùng về các quy định an toàn. Trong phòng có thể mặc bình thường, nhưng ra khỏi cửa là phải khoác bảo hộ, không có ngoại lệ. Những sự cố giữa đại dương thì không ai có thể tính trước hết được. Mọi người bảo, may mà chúng tôi ra giàn vào dịp trời yên biển lặng, chứ kinh nhất là từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau, tức là mùa gió chướng. Hết yêu biển luôn! Vào thời điểm đó, trên giàn không ai nói ra, nhưng chẳng anh nào ngủ ngon khi từng đợt sóng cao hàng chục mét gầm rú, quăng quật ngay phía bên ngoài cửa sổ.
Vì là giàn nổi, nên lúc nào cũng ở trạng thái lắc lư. Một lúc một thoáng chưa có vấn đề gì. Một vài ngày chưa thành vấn đề. Nhưng cả tháng, nhiều tháng sống trong trạng thái mất cân bằng, với một không gian chỉ toàn sắt thép, nhiều từ tính cùng độ ồn lớn, cơ thể phản ứng rất tiêu cực. Thông thường là đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, ăn ngủ kém. Nặng hơn là mất khả năng điều khiển hành vi. Có ông giàn trưởng lương cao ngất ngưởng mà phải bỏ cuộc vào bờ vì không chịu nổi những cơn lắc lư với nhịp độ chậm dãi nhưng dai dẳng. Có người khi về nhà mở tivi to hết cỡ mà không biết, vì mất khả năng thính giác.
Lại có người đang đêm giật mình ngã từ trên giường xuống đất vì bị căn bệnh tạm gọi là “Hội chứng báo động”. Báo động sự cố giàn là ám ảnh dai dẳng và đáng sợ nhất bám theo họ. Nhưng điều mà anh em trên giàn nơm nớp nhất lại là những sự cố xảy ra bất thình lình với người thân ở đất liền. Trong trường hợp đó họ hoàn toàn bó tay vì tuyệt đối không có cách gì để trợ giúp. Có người cứ sau nửa tháng gặp lại vợ, thấy cảm giác giống như gặp người yêu trước đây!
Đúng là ra biển lớn cũng khác so với khi chỉ mon men ở ven bờ. Ngoài những gì vừa kể, lần đầu tiên tôi được chứng kiến một cảnh tượng ngoạn mục, để rồi sau đó cứ nặng lòng suy tư về biển. Thông thường, mỗi lần đi tắm biển, tôi thường theo ngư dân đi kéo cá. Hàng chục người nổi phồng cơ tay, cơ chân kéo chiếc lưới khổng lồ vào bờ, vẻ mặt bã bời khi nhặt những con cá bé tẹo. Một kiểu bòn mót quanh quẩn! Tuy nhiên, với tôi thế cũng đủ để thú vị.
Giờ ở xa tít ngoài đại dương, xung quanh chỉ một mầu biển xanh thẫm, những con cá bé tẹo ấy trở nên rất thảm hại. Chả là cứ khi màn đêm buông xuống, bị thu hút bởi ánh sáng của giàn và thức ăn thừa anh em trút xuống biển, từng đàn cá nhỏ tìm đến kiếm ăn. Những con cá lớn hơn kéo đến để săn những con cá nhỏ kia. Và rồi lại có những con cá lớn hơn nữa, đến để biến lũ cá nhỡ thành thức nhắm. Tận mắt tôi, từ độ cao mấy chục mét, nhìn thấy hàng trăm con cá to vật, bu vào gần chân giàn, làm cồn lên từng đợt sóng. Có con nhô hẳn cả lưng lên, to như lưng trâu. Tôi biết trong hàng ngàn con cá bé và nhỡ vẫn có nhiều con thoát nạn một cách ngoạn mục để tồn tại giữa đại dương, bên cạnh bầy cá lớn…
Chính đại dương cho ta bài học, rằng sức mạnh cơ bắp không bao giờ là yếu tố quyết định tuyệt đối sự thắng bại trong mọi cuộc đấu tranh sinh tồn.