Aa

Một tuần nhiều khó khăn với cổ phiếu bất động sản

Thứ Hai, 22/08/2022 - 06:12

Thị trường chứng khoán biến động giằng co rung lắc trong tuần giao dịch từ 15 - 19/8, trong đó nhóm bất động sản ghi nhận nhiều cổ phiếu có diễn biến tiêu cực.

Thị trường có tuần biến động giằng co rung lắc khi mà các chỉ số thị trường đều đã tiến vào các vùng kháng cự khiến cho áp lực bán luôn thường trực để thu hẹp lại mức tăng của các chỉ số. Tuy nhiên, VN-Index vẫn có tuần tăng điểm thứ sáu liên tiếp với mức tăng khá nhẹ và thanh khoản trong tuần qua cũng suy giảm tuần thứ hai liên tiếp. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 6,85 điểm (+0,5%) lên 1.269,18 điểm, HNX-Index giảm 5,48 điểm (-1,8%) xuống 297,94 điểm, UPCoM-Index giảm 0,06 điểm (-0,06%) xuống 92,78 điểm.

Giá trị giao dịch trên HoSE tăng nhẹ 0,5% so với tuần trước đó lên 78.293 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 7,5% xuống 3 tỷ cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 19,3% so với tuần trước đó xuống 7.943 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 21,4% xuống 407 triệu cổ phiếu.

Sự phân hóa ở các nhóm ngành diễn ra tương đối mạnh và đây cũng là nguyên nhân chính khiến các chỉ số biến động giằng co. Trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản giao dịch không được tích cực. Thống kê 125 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán, trong tuần từ 15 - 19/8 có đến 76 mã giảm giá trong khi chỉ có 38 mã tăng.

Đứng đầu về mức giảm giá ở nhóm bất động sản là TBH của CTCP Tổng Bách Hóa với gần 15%. TBH là cổ phiếu có thanh khoản rất thấp và vẫn thuộc diện bị hạn chế giao dịch trên UPCoM. Hiện TBH chỉ được giao dịch duy nhất ở phiên thứ Sáu hàng tuần.

Đứng thứ hai trong danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản cũng là một cái tên nằm trong diện bị hạn chế giao dịch ở sàn UPCoM là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương với mức giảm gần 13%. Dù vậy khác với TBH, thanh khoản của PPI trong phiên giao dịch thứ Sáu (19/8) là tương đối tốt.

20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất trong tuần từ 15 - 19/8.
20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất trong tuần từ 15 - 19/8.

Cổ phiếu FLC cũng biến động và giảm hơn 12% chỉ sau một tuần giao dịch. Mới đây, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) có thông báo về khả năng đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu FLC do đến ngày 15/8/2022 công ty vẫn chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên (quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 31/12/2021); chưa công bố thông tin Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021; đồng thời chưa lựa chọn được đơn vị kiểm toán BCTC năm 2022. HoSE cho biết sẽ thực hiện xử lý nâng lên diện đình chỉ giao dịch theo quy định hiện hành nếu công ty tiếp tục vi phạm các quy định về thông bố thông tin.

Để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông công ty cũng như nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, HoSE đề nghị công ty có văn bản giải trình về lộ trình tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên và việc lựa chọn đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 trước ngày 19/8/2022.

Ngay sau đó, FLC đã có công văn phúc đáp gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và HoSE. Theo đó, FLC cho biết đã ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm toán với Công ty TNHH Kiểm toán An Việt để kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2021 từ 21/7/2022. Sau gần 1 tháng tích cực triển khai, việc kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2021 cơ bản đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đã thống nhất. Tuy nhiên, trong bối cảnh vụ việc cá nhân của một số cựu lãnh đạo tập đoàn chưa có kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng, việc kiểm toán các báo cáo tài chính này cần được thực hiện kỹ lưỡng, cẩn trọng nhằm đảm bảo tính chính xác, toàn diện, minh bạch. Do vậy, ngày 15/8/2022, Tập đoàn FLC đã gửi công văn tới Bộ Tài Chính và UBCKNN đề nghị các cơ quan quản lý hướng dẫn, hỗ trợ FLC giải quyết vướng mắc, khó khăn trong việc kiểm toán các báo cáo tài chính cần thiết.

Một cổ phiếu cùng “họ” FLC là AMD của Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone cũng giảm hơn 8% trong tuần giao dịch vừa qua.

Một cái tên cũng gây được sự chú ý trong nhóm bất động sản là KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc giảm gần 6,4% trong tuần giao dịch từ 15 - 19/8. Cổ phiếu KBC đi xuống bất chấp một số tin tích cực được đưa ra. Mới đây, doanh nghiệp này công bố ngày 15/8, tại văn phòng công ty con KCN Sài Gòn - Bắc Giang (SBG) diễn ra lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc thuê lại 50,5ha đất tại KCN Quang Châu, tỉnh Bắc Giang với Tập đoàn Foxconn.

Cụ thể, với kế hoạch tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư tại tỉnh Bắc Giang, Tập đoàn Khoa Học Kỹ Thuật Hồng Hải (Tập đoàn Foxconn) cùng với Đô thị Kinh Bắc và Công ty KCN Sài Gòn – Bắc Giang đã thỏa thuận cùng hợp tác, đi đến ký Biên bản ghi nhớ về việc Tập đoàn Foxconn nghiên cứu thuê lại 50,5ha đất tại KCN Quang Châu. Foxconn dự kiến sẽ đầu tư vào dự án mới với tổng mức đầu tư khoảng hơn 300 triệu USD, sử dụng hơn 30.000 lao động địa phương.

Ở chiều ngược lại, HDC của Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục giao dịch tích cực và đứng đầu danh sách tăng giá ở nhóm bất động sản với 12,5%. Doanh nghiệp này vừa nhận chuyển nhượng 30,3% vốn điều lệ tại Công ty CP TM&DV Bất động sản nghỉ dưỡng Ý Ngọc Bình Thuận. Như vậy, sau giao dịch, đơn vị này trở thành công ty liên kết của Hodeco. Vào thời điểm cuối quý II, Hodeco đã ghi nhận khoản tiền 78 tỷ đồng trả trước để mua cổ phần của Ý Ngọc Bình Thuận. Trong thời gian tới, Hodeco dự kiến tiếp tục nhận chuyển nhượng để nâng sở hữu từ 30,3% lên đủ 60% vốn tại Bất động sản nghỉ dưỡng Ý Ngọc Bình Thuận.

20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất trong tuần từ 15 - 19/8.
20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất trong tuần từ 15 - 19/8.

Hai cổ phiếu bất động sản cũng tăng trên 10% trong tuần giao dịch vừa qua là TBR của Công ty CP Địa ốc Tân Bình và SID của Công ty CP Đầu tư Phát triển Sài Gòn Co.op.

Cổ phiếu DXG của Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh gây chú ý khi nằm trong danh sách tăng giá ở nhóm bất động sản với 3,6%. Việc DXG tăng giá được trong tuần từ 15 - 19/8 nhờ chủ yếu vào thông tin ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT công ty đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu DXG để tăng tỷ lệ sở hữu. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 23/8 đến 21/9 bằng phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Nếu mua thành công, ông Thìn sẽ tăng sở hữu lên 114,9 triệu cổ phiếu DXG, chiếm 18,64% vốn điều lệ.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn, PDR của Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt bất ngờ tăng hơn 7%. Trong khi đó, đa phần các cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn khác đều có biến động không quá mạnh. VHM của Công ty CP Vinhomes chỉ giảm 1,8%. VIC của Tập đoàn Vingroup tăng 2,6%.../.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top