Tên chính thức trên giấy tờ là Ngũ, Hoàng Thị Ngũ. Nhưng dân quê tôi trọ trẹ đặc sệt Khu Tư, hầu hết những chữ có dấu ngã đều đọc thành nặng. O Ngũ thì kêu là “con Ngụ”, Lãnh đạo thì nói là “Lạnh đạo”, chiếc đũa thì nói là “chiếc đụa”, Tiến sĩ thì kêu là “Tiến sị”, v.v…
Bác cu Ly là người có chữ trong làng. Bác đặt tên các con theo thứ tự Nhất, Nhì, Tam, Tứ... O Ngụ là con thứ năm, xinh xắn nết na nhất xóm, rất nhiều trai làng ngấp nghé đón đưa nhưng bỗng nhiên O tuyên bố lấy cậu Thuấn thương binh làm chồng, khiến mấy chục thằng trai tiu nghỉu.
Cậu Thuấn bị thương trong trận đánh Mỹ đầu tiên ở Núi Thành - Quảng Nam, năm 1965, chân phải cụt lên tận háng, tay trái cụt đến tận nách. Năm ấy trai làng chục người đi bộ đội, chỉ mình Thuấn sống sót trở về, được cả làng nhất loạt kêu bằng “Cậu”, coi như con Trời hiển linh giáng thế.
Ngày ấy, thanh nữ cả nước có phong trào tình nguyện lấy chồng thương binh nặng. O Ngụ xinh tươi, duyên dáng, khéo tay hay làm nhất xóm, xung phong ra Trại Thương binh tận Khu Ba đón cậu Thuấn về làm chồng. Từ đó cả làng nhất loạt kêu O bằng Mự. Đám cưới của cậu mự cả làng đi dự, chỉ thuốc bọ, chè chát, kẹo bu-loong và khẩu hiệu “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” mà chật ních sân nhà kho hợp tác xã. Mừng hạnh phúc cậu mự mà nhiều người bật khóc huhu…
Ở vùng quê tôi, chữ “mự” không hẳn chỉ là vợ của cậu, như ngoài Bắc kêu vợ của cậu là "mợ". Chữ "mự" trong cách gọi của bà con vùng quê tôi nó chứa đựng biết bao sự trìu mến, quý yêu, thân thương, nể trọng lắm lắm, khác hẳn chữ "mợ" ở ngoài Bắc. Chỉ riêng việc hy sinh tuổi thanh xuân, tình nguyện lấy thương binh nặng làm chồng, Mự Ngụ đã là tấm gương xứng đáng được tri ân, kính nể. Chưa kể Mự còn là nữ dân quân bắn giỏi, là Chi hội phó Phụ nữ ba đảm đang của Hợp tác xã. Riêng cái khoản văn nghệ "cây nhà lá vườn", thì cuộc nào có Mự Ngụ tham gia là rôm rả náo hoạt tưng bừng như Tết.
Hồi trẻ, nghe nói Mự Ngụ cũng là đoàn viên tích cực, ưu tú, từng được cử đi học lớp bồi dưỡng cảm tình trên huyện, nhưng rồi thôi cho đến nay, vì tính Mự hơi ương bướng. “Ương bướng” là nói nôm na dân dã, chứ thực tình đó là phẩm chất cương trực khẳng khái của Mự. Việc gì chướng tai gai mắt là Mự phản ứng thẳng tưng tắp lự. Đã là sai trái thì dù đó là cán bộ cấp chi, Mự cũng phê bình phản ứng quyết liệt không nương tay. Bởi thế, Mự Ngụ được cả làng nể trọng. Việc chi Mự Ngụ đã làm, điều chi Mự Ngụ đã nói, mặc nhiên là đúng đắn! Từ nhà ra đồng, đến họp hành giỗ chạp… chỗ nào Mự cũng là thủ lĩnh tinh thần, lúc nào Mự cũng rắn rỏi kiên quyết. Người ta nể Mự, sợ Mự nhưng lại thích gần gũi chuyện trò và… trêu chọc Mự. Ai được Mự Ngụ tin quý, bênh vực, đồng tình… thì lấy làm hãnh diện lắm lắm!
Vậy mà từ thời thanh nữ xuân xanh đến nay, Mự Ngụ vẫn chỉ là quần chúng cảm tình. Nghe nói, hồi trực chiến bắn tàu bay Mỹ, Mự từng mấy lần suýt được thưởng huân chương. Nhưng chỉ vì cái tội “ương bướng” trên đây mà lần nào xét lên xét xuống chán rồi cũng bị trượt. Lại nghe nói, ít nhất cũng đã có ba lần Mự suýt bị kỷ luật rất nặng, nhưng may nhờ cái sự “ương bướng” trên đây mà rốt cuộc lần nào Mự cũng trắng án. Lần thứ nhất là Mự can tội khăng khăng ca ngợi ông Nguyễn Tư Thoan, nguyên Bí thư tỉnh nhà, là người tốt, mặc dù ông này đã bị hạ bệ vì nghi án gián điệp.
Lần thứ hai là Mự can tội che chắn giải vây cho một cô gái đã truột mấn sắp hủ hóa đến nơi, suýt nữa thì dân quân đã lập công bắt được quả tang trai trên gái dưới.
Lần thứ ba thì Mự can tội nghe… đài địch. Thực ra là mự chỉ nghe đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng bằng chiếc radio nghi là của địch.
Cứ sau mỗi lần suýt bị khen thưởng hay suýt bị kỷ luật, Mự lại phủi khu tuyên bố xanh rờn: "Mần ăn như rứa tau ẻ!".
Chuyện về “Mự Ngụ làng tôi” còn nhiều lắm. Xin mời bà con tiếp tục theo dõi…
(Còn tiếp)