Mấy hôm nay, tôi lúc nào cũng cảm thấy bứt rứt khi nghe tin ông bạn thân nằm trong bệnh viện mà chưa đến thăm được. Hỏi qua điện thoại vài ba thằng bạn trong nhóm, chúng nó bảo đã đi thăm cả rồi. Thì ra còn trơ mỗi một mình. Chẳng qua là do có việc đột xuất, quá bận chưa đi thăm được, chứ lòng cũng muốn lắm…
Thường thì ai cũng vậy, khi nghe tin người thân, bạn bè ốm nằm viện, ý nghĩ đầu tiên là phải tính chuyện đến thăm. Không đến thăm, cảm thấy có gì không ổn. Không đến thăm được ngay thì cũng vài ba hôm, quá lắm dăm sáu hôm phải đến. Chứ khi đến thăm, người ta về rồi thì còn ra làm sao…
Cái việc áy náy có đến trăm ngàn lý do. Rằng thì là ngày mình ốm, người ta cũng đến thăm đâu ra đấy, bây giờ đến lượt người ta ốm, mình không đến, còn ra mặt mo gì nữa. Rằng thì là mình mang ơn họ, chả nhiều thì ít, việc đến thăm cũng là cách để trả ơn. Lý do thiết thực hơn, rằng thì người ta là sếp của mình, tất cả đồng nghiệp ở cơ quan ai người ta cũng đi, mình không đi thì coi được ư? Cũng có những lý do dễ thương hơn, ở chỗ thật lòng, thấy thương bạn, muốn đến thăm nom, tán gẫu chút, động viên, an ủi bạn… Nói chung là cái việc thăm người ốm, thực lòng chẳng ai muốn, nhưng là cái việc tự cảm thấy phải làm.
Do cái chuyện chưa đi thăm bạn ốm được, đêm hôm nằm nghĩ, tự nhiên lại thấy hình như cái áy náy này nọ là tự mình làm khổ mình. Hình như có điều gì cần nghĩ lại… Đại dich Covid-19 đã diễn ra được hơn năm ở đất nước ta, bắt đầu tính từ ca nhiễm đầu tiên xảy ra ngày 23/1/2020. Con virus nhỏ bé thế thôi nhưng nó làm khuynh đảo trái đất trên tất cả các lĩnh vực, gõ cửa từng gia đình, tác động thiết thân tới mỗi cá nhân. Từ việc lớn quốc gia đại sự đến những việc trăm thứ bà dằn của đời sống dân sự hằng ngày. Nhiều thứ bị đảo lộn, dẫn đến việc cần xem xét lại, sắp xếp lại cuộc sống sao cho thích hợp với đại dịch này. Việc đi thăm nom người ốm trong bệnh viện cũng không nằm ngoài cái guồng quay ấy.
Ban đầu, những bác sĩ trong bệnh viện khuyến cáo không nên đến thăm người bệnh trong bệnh viện, giảm bớt việc người nhà ở lại trông nom. Thêm bước nữa, chỉ cho phép một người ở lại chăm bệnh nhân nếu như bệnh nhân nặng, và cấm không cho người đến thăm nữa. Đến nước này, tất thảy mỗi người đều phải nghĩ…
Trở lại chuyện định đến thăm ông bạn tôi. Do chưa đến được, đành gọi điện thoại. Hỏi thăm chán chê xong, tôi mới hẹn ngày ấy ngày nọ sẽ định đến bệnh viện. Vừa nghe thế, ông bạn tôi bảo không phải thăm nom gì cả, bây giờ ai cũng bận, với lại đến bệnh viện bây giờ cũng ngại lắm. Có thể tôi không ngại, nhưng mấy bệnh nhân nằm giường bên cạnh, người ta ngại. Lỡ biết đâu cô vít cô veo không kiểm soát được, mang vào theo thì nguy đấy chứ lị!... Tôi bảo: “Khổ nỗi, vợ chồng tôi đã trót sắm quà rồi, không đi chẳng biết đến khi nào đi được, nên bà ấy cứ nằng nặc đòi đến thăm”. Ông bạn mới ra giọng dứt khoát: “Thôi, ông có lòng thì chờ tôi về khỏe lại, mời vợ chồng ông sang nhà tôi uống rượu, mừng tôi khỏi bệnh. Chứ bây giờ ra bệnh viện, tôi không biết ăn nói thế nào với mấy ông bệnh nhân cùng phòng. Người ta vẫn còn lo Covid, nên người ta không ưa khách đến thăm đâu. Mong ông thông cảm cho”.
Thì ra là ông bạn giữ an toàn cho các bệnh nhân cùng phòng. Mà cũng là giữ an toàn cho bản thân mình, cho cả bạn mình đến thăm nữa chứ. Covid nó có chừa ai đâu.
Sau cái vụ này, tôi nghĩ rộng thêm ra một chút: Có lẽ dân mình nên bỏ cái tục đến thăm người bệnh tại bệnh viện, không chỉ trong mùa dịch giã, mà cả ngày thường nữa (dĩ nhiên trừ người thân ruột thịt thì vẫn phải đến chăm nom). Nó nhiêu khê lắm. Người đến thăm thường hay đi theo đám đông, tới nơi thì kẻ đứng người ngồi, nói năng thì thào đôi câu; chưa ra đầu đuôi câu chuyện thế nào đã đưa phong bì rồi rút thẳng, thở phào như một việc phải làm đã hoàn thành. Có những trường hợp người bệnh đến phát mệt vì người đến thăm đông quá, phải trả lời nhiều quá, mà vẫn các câu hỏi giống nhau ấy (nằm viện được mấy ngày, ăn uống được không, ngủ được không, trong người thế nào, ban đầu triệu chứng thế nào, bao giờ ra viện…).
Ai đó kể rằng, có bệnh nhân nọ, vốn đông con, giờ các con cái trưởng thành, có đến mấy người làm quan to. Nghe tin ông, tức bố của sếp ốm, thế là lũ lượt nhân viên của các sếp đến thăm. Một hai hôm đầu, ông còn trả lời người đến thăm, từ hôm thứ ba trở đi, hễ cứ nghe tiếng lao xao ngoài cửa là ông quay mặt vào tường, nhắm mắt lại giả vờ ngủ cho đỡ phải trả lời các câu hỏi trăm câu giống cả trăm ấy…
Vậy nên, nếu đại dich Covid vẫn còn chưa hết triệt để thì rõ ràng là không nên đến thăm người ốm trong bệnh viện. Còn ngay cả khi không có dịch bệnh thì ta cũng nên bỏ cái lệ này đi. Nếu có lòng, chờ người bệnh khỏi hẳn, trở về nhà, có thời giờ rảnh rỗi đến thăm cũng không ai nỡ chối từ.
Chắc hẳn không chỉ có tôi, mà tất cả các anh/chị/bạn đều đã từng trải qua hoặc chứng kiến, không ít lần khách đến thăm người bệnh mà bị nhân viên đuổi ời ời do quá giờ quy định, do quá đông người, do người bệnh đang cần được chăm sóc…
Thì ra, lắm khi thương chẳng bõ phiền!/.