Aa

Mùa thị

Thứ Bảy, 29/05/2021 - 13:00

Lớn lên, nhận biết được thì cây thị vườn nhà đã lừng lững trước ngõ. Bóng mát che rợp cả một góc vườn nhà hàng xóm. Tôi nhặt hoa, kết thành “vòng cườm” đeo lên cổ em gái tôi, tặng mấy bạn gái con nít cùng lứa...

Về quê cữ này, đúng mùa thị ra hoa. Với “người xưa”, có lẽ không ai là không nhớ câu: “Thị ơi thị rụng bị bà/ Bà để bà ngửi chứ bà không ăn” trong truyện cổ tích Tấm Cám. Với người trẻ, chưa chắc đã biết về cây thị. Vậy thì, phải nói qua về loài cây này, với tư cách là một nguồn gen thực vật.

Cây thị có danh pháp khoa học là Diospyros Decandra. Hoa sắc trắng, mọc thành chùm. Cuống hoa chia thành 3 - 6 múi. Thị là cây ăn quả, quả thị dáng tròn, sắc vàng, mọng nước, to khoảng 3 – 6cm, thường chia thành 6 - 8 "múi". Cuống hoa dính sát vào quả. Quả thị có tiếng là thơm, được chuộng tại Việt Nam. Người ta còn đan cái giỏ nhỏ chỉ vừa để đựng quả thị rồi treo lên trong nhà để thưởng thức hương thị.

Thị là loài cây thân gỗ, cao 5 – 6m đã ra hoa, quả, nhưng cũng có nhiều cây lớn. Điển hình là 5 cây thị cổ có tuổi thọ gần 700 năm ở xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), đã được công nhận là "Cây di sản Việt Nam".

Quê tôi bây giờ, thấy có cây thị mọc ở nhiều nơi. Ngày xưa, cả vùng Nam Sơn, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, chỉ có vài cây. Cây mọc ở vườn nhà tôi là lớn nhất. Bây giờ về quê, người lớn tuổi vẫn nhắc lại câu cửa miệng: “Lên nhà ông Bích xin quả thị”. Cha mẹ tôi thơm thảo. 

Cây Thị - Tuổi thơ tôi | Sở GDĐT Vĩnh Phúc
“Thị ơi, thị rụng bị bà” (Ảnh sưu tầm)

Khi tôi sinh ra, lớn lên, nhận biết được thì cây thị vườn nhà đã lừng lững trước ngõ. Bóng mát mùa hè, che rợp cả một góc vườn nhà hàng xóm. Tôi nhặt hoa thị, kết thành “vòng cườm” đeo lên cổ em gái tôi, tặng mấy bạn gái con nít cùng trang lứa. Mắt nhìn lên cây thị, chờ đầu thu...

Thời xưa đói vàng mắt. Thế hệ chúng tôi ngày ấy, đa phần còi cọc, suy dinh dưỡng. Quả mây xanh, mít non (mít bao tử), lá chua me đất... tất cả đều ăn, chấm muối để ăn. Khi quả thị bằng nắm tay, nhiều quả chưa chín nhưng bị rụng, rất chát nhưng cho tất vào bụng. Quả gì ăn được là ăn. Chùi vạt áo xong đưa lên mồm. Đói nhưng hồi ấy thanh sạch, tinh khiết, ngay cả nước ruộng, ao hồ trên đồng. Không có ai ung thư, hoặc dính bệnh lạ như bây giờ.

Cuối hè sang thu thì thị bắt đầu chín. Mùi hương quả thị dịu nhẹ nhưng "không thể giấu được”. Từ một vài quả, đến lúc chín rộ, vàng rực. Khi biết trèo cây, tôi thường bắc thang, lên chạc ba, mang theo bao lớn, buộc vào cành cây và hái thị. Từ đó thoăn thoắt lên các cành nhỏ. Tôi không phải tuổi Thân, nhưng leo cây như khỉ. Cha tôi đứng phía dưới dặn: “Cẩn thận con ơi”. Rất may cành thị dẻo, không giòn, dễ gãy như loài cây ổi.

Cây thị - Hoàng Long Garden - Giống cây trồng cây ăn trái
Quả thị có hai loại: Thị tròn và thị sáp, trong ảnh là thị sáp. (Ảnh sưu tầm)

Tôi leo từ cành nọ sang cành kia, chừng được một phần bao tải thì buộc dây thừng và luồn xuống. Phía dưới cha tôi đỡ. Cứ thế, hết một đợt chín thì xuống. Vài hôm sau hái tiếp. Mỗi mùa, cây thị cổ thụ vườn nhà tôi có đến cả ngàn quả. Quả thị có hai dạng đó là dạng quả hình cầu, đáy tròn, thường được gọi là thị muộn và dạng quả nhỏ hơn, hơi dẹt, đáy bằng, có tên là thị sáp hay thị lục sáp. Thị vườn nhà tôi là thị tròn, Thị trong vườn nhà ông Chí là thị sáp.

Thường một đợt hái xuống, cha tôi phân loại ra, loại đã chín và loại còn ương, phải cho vào thúng, ủ thêm lá chuối cho chín hẳn. Theo kinh nghiệm và truyền thống dân gian ở Việt Nam, để ăn thị, người ta nắn bóp nhẹ đều khắp bề mặt quả cho đến khi thịt quả mềm ra (tới nẫu, thậm chí nứt, rách vỏ) để giảm vị chát. Cách ăn thú vị nhất là sau khi đã làm mềm quả, khéo léo tách bỏ núm (đài) ra khỏi vỏ, để lại một lỗ tròn và ăn bằng cách hút thịt (và cả hạt) từ lỗ tròn đó. 

Tôi mất mẹ từ bé. Ngày mẹ tôi còn sống, thi thoảng mẹ tôi có mang ra chợ bán, mỗi quả 1 xu, nhưng ai xin thì cho. Gom được vài hào là mẹ mừng lắm. Sau này mẹ mất, chủ yếu là cho, ai xin thì cho.

Mùa thị chín cũng là dịp có những cơn mưa lớn và bão đầu mùa. Ngày xưa bão hay vào xứ Nghệ, không như bây giờ “chia đều” cho các vùng miền. Có khi trong miền Tây cũng có bão. Thị chín mà có bão, mưa lớn thì thôi rồi. Rụng đầy gốc, đầy vườn nhà tôi và vườn hàng xóm. Trẻ con hàng xóm lứa tuổi tôi, lớn hơn xí, bé hơn xí, tha hồ nhặt. Vắt chéo nếp áo trước lên đựng thị vừa nhặt được. Hạnh phúc no tròn, thơm nhẹ cùng quả thị. Quả nào mới nứt thì nhặt, quả vỡ tất nhiên không ai nhặt. Qua bão, bố tôi lại quét vườn, nhặt lá và đống thị rơi rụng ngổn ngang.

Sau này lớn lên, tôi biết thị không chỉ cho quả mà còn các tác dụng khác. Lá thị, theo các thầy thuốc Đông y, được dùng để trị chứng táo bón, đầy bụng. Lá thị tươi giã đắp làm mụn nhọt chóng vỡ mủ, hòa lá với rượu có thể chữa viêm tinh hoàn (thiên trụy). Ngoài ra, các thành phần khác của cây như vỏ, hạt, rễ cũng được sử dụng trong y học cổ truyền phương đông. Đông y còn sử dụng nhiều bộ phận của cây thị để làm thuốc chữa các bệnh như sốt nóng, ngộ độc, nôn mửa, mẩn ngứa, lở loét, dị ứng, mụn nhọt, táo bón, đầy bụng, phù thũng, giời leo, bỏng rộp...

Rặng thị cổ Hải Phòng chín rộ, thơm lừng dịp Rằm tháng Bảy | Tin tức mới  nhất 24h - Đọc Báo Lao Động online - Laodong.vn

Cha tôi bảo, gỗ thị dùng khi làm nhà như xà, rui, mè... Thi thoảng tôi có chặt cành thị để đẽo gụ (con quay), một trò chơi thời “xa vắng” của bọn trẻ. 

Ngoài truyện cổ tích Tấm Cám, thị cũng đã đi vào nhiều thơ, văn. Thành ngữ Việt “Miệng ngậm hạt thị” để nói về những người sống trong đời chỉ biết “ngậm miệng ăn tiền”, ba phải, không dám bày tỏ chính kiến...

Sau này, khi quả thị không còn nhiều người thích nữa và cũng để cải tạo vườn tạp, cha tôi đã đẵn cây thị vườn nhà đi. Gốc cây cổ thụ mất, nhưng cây thị vẫn sống. Không chỉ là trong ký ức của tôi mà rễ thị vươn dài, lại trổ cây, đời “con” mọc lên sừng sững trong vườn nhà./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top