Trả lời phỏng vấn của PV, TS. Nguyễn Văn Hiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing cho rằng, với những diễn biến gần đây của kinh tế Việt Nam, mục tiêu tăng trưởng năm 2022 từ 6 - 6,5% mà Chính phủ đặt ra hoàn toàn có thể thực hiện được và còn có thể đạt được cao hơn, ở mức khoảng 7%. Những yếu tố cả bên trong và bên ngoài sẽ tạo ra nhiều thuận lợi để kinh tế Việt Nam có thể phục hồi và bứt phá mạnh mẽ trong năm 2022.
PV: Ông nhận định như thế nào về con số tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I/2022? Những con số này nói lên điều gì về sức chống chịu cũng như sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, thưa ông?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2022 GDP của Việt Nam đạt khoảng 5,03%, cao hơn so với con số 4,7% của quý I/2021. Điều này cho thấy, mặc dù hiện nay tình hình dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt nhưng Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và đã thích nghi với điều kiện sống chung với dịch.
Việt Nam đã mở cửa nền kinh tế và Chính phủ đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GDP 5,03% trong quý I chưa phải cao nhưng là một con số rất có ý nghĩa, phải đặt trong bối cảnh nước ta vừa thoát khỏi đại dịch với rất nhiều khó khăn (năm 2021 có quý tăng trưởng âm, quý 4 cũng chỉ đạt 4,7%) mới thấy có được tốc độ tăng trưởng như trên thể hiện nỗ lực, cố gắng rất lớn của Chính phủ cũng như là các bộ, ngành trong việc đưa ra các chính sách và biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như người dân vượt qua đại dịch. Con số tăng trưởng 5,03% cũng là mức tăng trưởng cao của thế giới trong quý I/2022, đó là dấu hiệu cho thấy kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng trở lại và phục hồi mạnh mẽ.
PV: Theo ông, đâu là động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam trong các quý tiếp theo?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Nếu nhìn vào tổng thể các lĩnh vực kinh tế thì có thể thấy, động lực tăng trưởng chính của kinh tế trong các quý tiếp theo vẫn là sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do, mở đường cho hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường khác nhau, đặc biệt là các thị trường rộng lớn như EU, thị trường Mỹ…
Ngay trong năm 2021, mặc dù có rất nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt trên 336 tỷ USD. Năm 2022, thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã được mở rộng hơn bởi thế giới cơ bản cũng đã kiểm soát được dịch bệnh nên các nước cũng đã mở cửa nền kinh tế, mở cửa thị trường trở lại, tạo cơ hội rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam đã ban hành gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lớn lên tới 350.000 tỷ đồng chủ yếu về chính sách tài khóa, đó là cú hích rất mạnh mẽ, quan trọng để tác động vào sản xuất, nhất là sản xuất công nghiệp phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng. Có thể thấy động lực kinh tế trong thời gian tới của Việt Nam vẫn là sản xuất công nghiệp và xuất khẩu.
Ngoài ra, từ 15/3, Chính phủ đã chính thức mở cửa cho du lịch quốc tế nên ngành du lịch được dự báo trong các quý tới sẽ phục hồi mạnh mẽ. Lĩnh vực du lịch và dịch vụ cũng sẽ tăng trưởng rất nhanh cùng với lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu để tạo nên đà tăng trưởng chung của nền kinh tế trong năm 2022.
PV: Theo ông, với những diễn biến gần đây của kinh tế Việt Nam, khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2022 của Chính phủ có đạt được khi mà tình hình thế giới còn khá bất định?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Với việc chính thức mở cửa trở lại đường bay quốc tế từ ngày 15/3, chúng ta về cơ bản đã trở lại trạng thái bình thường sau đại dịch và mở ra triển vọng về phục hồi và phát triển kinh tế rất tốt trong năm 2022. Năm 2022, nếu chúng ta vẫn tiếp tục kiểm soát tốt dịch Covid-19, không để tình trạng dịch bệnh diễn biến xấu hơn và mọi hoạt động về kinh tế - xã hội vẫn diễn ra một cách bình thường, cộng với việc phát huy được gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng của Chính phủ thì dự báo kinh tế Việt Nam sẽ có sự phục hồi nhanh.
Mặc dù kinh tế thế giới vẫn còn rất nhiều khó khăn cũng như biến động phức tạp, nhưng các nền kinh tế lớn trên thế giới về cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, các thị trường lớn trên thế giới cũng đã dần được phục hồi. Như vậy, đó là những yếu tố cả bên trong và bên ngoài sẽ tạo ra nhiều thuận lợi để kinh tế Việt Nam có thể phục hồi và bứt phá mạnh mẽ trong năm 2022.
Với đà tăng trưởng ngay trong quý I đã đạt 5,03%, dự báo từ nay đến cuối năm với sự phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, du lịch và dịch vụ, mục tiêu tăng trưởng năm 2022 từ 6 - 6,5% mà Chính phủ đặt ra hoàn toàn có thể thực hiện được và thậm chí có thể còn đạt được mục tiêu cao hơn, nhiều chuyên gia dự đoán có thể đạt được mức tăng trưởng 7%.
PV: Có thể thấy triển vọng tăng trưởng trong năm 2022 của Việt Nam là khá lạc quan. Vậy còn rủi ro thì sao thưa ông? Cần lưu ý những gì để sự phục hồi diễn ra thuận lợi, đạt được mục tiêu tăng trưởng và cao hơn?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Trong quý I/2022 chúng ta đạt được tốc độ tăng trưởng tương đối khá. Tuy nhiên những rủi ro, khó khăn vẫn còn rất lớn ở phía trước, đặc biệt là những diễn biến phức tạp về tình hình địa chính trị trên thế giới đã và đang tác động trực tiếp cũng như gián tiếp đến kinh tế Việt Nam. Tác động trực tiếp là giá xăng dầu cũng như giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao liên tục, ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô cũng như ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả trong nước, áp lực lạm phát rất lớn. Đồng thời tình hình diễn biến phức tạp về địa chính trị thế giới nêu trên cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý tiêu dùng của người dân nên sẽ làm ảnh hưởng đến tổng cầu và gây ra những trở ngại và khó khăn nhất định.
Chính phủ và các bộ ngành trong thời gian qua đã có rất nhiều biện pháp để điều hành linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Về cơ bản giá xăng dầu trong nước quý I/2022 vẫn giữ được tương đối ổn định, không gây ra những xáo trộn lớn. Đặc biệt là vấn đề tỷ giá, chúng ta vẫn giữ được ổn định tỷ giá cũng như tỷ lệ lạm phát.
Để đảm bảo kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng cao và ổn định trong năm 2022 thì Chính phủ và các bộ ngành cần phải lường trước được những khó khăn, biến động do những yếu tố bên ngoài, đặc biệt là giá xăng dầu và tỷ giá sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mặt bằng giá cả trong nước. Qua đó, chủ động đưa ra những kịch bản ứng phó để không bị động trước những diễn biến phức tạp của thị trường thế giới tác động xấu đến thị trường trong nước.
Mặt khác, muốn đạt được tốc độ tăng trưởng như Chính phủ đề ra thì phải ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, giữ ổn định tỷ giá để làm sao mặt bằng giá trong nước không có sự biến động lớn, mở rộng và tạo thông thoáng thị trường trong nước, hỗ trợ và khuyến khích sản xuất phát triển… Có như vậy mới hạn chế được những tác động xấu của yếu tố bên ngoài ảnh hưởng tới nền kinh tế trong nước, đồng thời phát huy hết các thế mạnh sẵn có.
PV: Xin cảm ơn ông!