Aa

Những bà chúa vùng Kinh Bắc trong lịch sử

Chủ Nhật, 18/10/2020 - 07:00

Trong lịch sử cả vùng Kinh Bắc, hầu như không có tay đàn ông nào được mệnh danh hay tự xưng là chúa. Thế nhưng dân vùng này thì tôn vinh tới ba người đàn bà là “chúa” kia.

Vùng Kinh Bắc xưa chỉ là đất phát tích của một triều vua - triều nhà Lý, với tám đời vua nối tiếp nhau. Nhưng thật ra, vùng này hay nổi tiếng với những người đàn bà lừng lẫy giỏi giang, đảm đang buôn bán dựng nghiệp xưa nay, chứ đàn ông, nghe có vẻ kém thế. Trong lịch sử cả vùng, hầu như không có tay đàn ông nào được mệnh danh hay tự xưng là chúa. Thế nhưng dân vùng này thì tôn vinh tới ba người đàn bà là “chúa” kia.

Đầu tiên là bà Nguyên phi Ỷ Lan (1044 - 1117), là vợ của vua Lý Thánh Tông, mẹ vua Lý Nhân Tông. Bà được dân gian vùng này gọi là “Bà chúa Dâu”, có lẽ liên quan đến cái tích ỷ lan - tựa cây dâu ở buổi gặp gỡ đầu tiên của bà với đức quân vương Lý Thánh Tông khi ngài về chùa Dâu làm lễ. Bà người hương Thổ Lỗi, là chỗ phố Sủi, Dương Xá, Gia Lâm ngày nay. Tại đó giờ vẫn còn cụm di tích chùa đền thờ bà, thường được gọi là đền bà Tấm.

Quần thể Khu di tích đền thờ Hoàng Thái hậu Ỷ Lan (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội). (Ảnh: Người đưa tin)

Bà nổi tiếng trong lịch sử khi chồng đi đánh Chiêm Thành ở nhà nhiếp chính vẹn toàn công cuộc. Sau này chồng chết, con lên ngôi khi còn thơ bé, bà lại ngồi nhiếp chính lần nữa và làm được nhiều việc đáng kể cho quốc gia. Công cuộc đánh Tống sang tận Ung Châu và chiến thắng trên sông Như Nguyệt của Thái úy Lý Thường Kiệt diễn ra trong thời gian bà chủ trì triều chính. 

Nhưng cuộc đời bà cũng có những vết nhơ khôn rửa, đó là vụ chôn sống Hoàng hậu Thượng Dương cùng 72 cung nữ của chồng. Thế mới biết đòn ghen của đàn bà trong cung đình nước Việt dữ dội, tàn khốc đến thế nào! Và vụ xử oan Trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh hóa hổ hãm hại vua cũng là tay bà. Tuy sau này Lê Văn Thịnh đã được chính Lý Nhân Tông minh oan, nhưng vết nhơ của mẹ mình hãm hại trung thần thì khó mà con nào rửa cho hết được. 

Có lẽ vì cuối đời nghĩ lại, thấy nhiều việc mình làm khi cầm quyền là sai trái tàn bạo nên bà hầu như tu tại gia và cho xây dựng tới 150 ngôi chùa để sám hối. Câu chuyện cổ tích mà ngày nay chúng ta hay đọc “Tấm Cám”, cũng là do bà sai các văn nhân cung đình viết ra để lưu truyền trong dân gian, hòng biện bạch cho hành động chôn sống người vô tội của mình.

Nhưng trong lúc cầm quyền, bà đã thi hành nhiều chính sách có lợi cho dân nghèo và phát triển kinh tế đất nước như: đem tiền nội phủ ra chuộc con gái nhà nghèo phải bị đem bán làm nô lệ để gả họ cho những người góa vợ. Bà cũng ra lệnh cấm giết trâu là sức kéo chủ yếu của dân ta khi đó. Thế nên dân vùng Kinh Bắc vẫn khá kính trọng bà. Và gọi là “Bà Tấm” hay “Bà chúa Dâu” là vậy.

Người đàn bà thứ hai có danh xưng “bà chúa” là Tuyên phi Đặng Thị Huệ, vợ của chúa Trịnh Sâm. Bà sinh ra ở làng Trà Hương, thuộc xã Phù Đổng, Gia Lâm. Bà làm nghề hái chè, vì vậy dân gian vùng này gọi là “Bà chúa Chè”. Cũng có thể là từ cái tích khi mới chỉ là cung nữ, nhân một lần được sai dâng trà (vùng Kinh Bắc gọi là chè) hầu chúa Trịnh Sâm, chúa nhìn thấy mê mẩn tâm thần và từ đó sống đời vợ chồng với bà chứ không màng đến bất cứ một cung tần mỹ nữ nào khác. 

Tuyên phi Đặng Thị Huệ do NSND Lê Vân thủ vai, trong phim Đêm hội long trì. (Ảnh: ĐPCC)

Trong lịch sử cung đình phong kiến Việt thì đây là lần đầu tiên một người đàn bà sống đời một vợ một chồng với quân vương của mình trong cung điện. Mãi sau này, hình như đến triều vua Bảo Đại mới có sự lặp lại. Dân gian thì nói bà có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành đến nỗi khi còn ở quê, ban đêm đi hái chè trên đồi, từ khuôn mặt bà tỏa ra ánh hào quang như trăng rằm vậy… Có thể đó là lời đồn thổi quá lên. Nhưng trong thực tế, vị chúa oai phong từng đánh Đông dẹp Bắc, từng khiến cho vua quan nhà Lê chịu lép một bề an phận là Tĩnh đô vương Trịnh Sâm, sau khi gặp Đặng Thị Huệ lập tức chịu lép một bề, thậm chí đến chính sự cũng hoàn toàn do Đặng Thị Huệ điều khiển.

Khi Trịnh Sâm chết, bà này đã nhiếp chính một thời gian ngắn. Và chuyện đến phải tới: cuối đời nền chính sự Bắc Hà khi ấy hoàn toàn đổ nát, tan hoang loạn lạc với nạn kiêu binh và câu chuyện tình mập mờ chốn cung đình của Quận Huy và Thị Huệ. Những chuyện này còn được các sử gia ghi chép lại đầy đủ, được mô tả sống động trong “Hoàng Lê Nhất Thống chí” và rất nhiều cuốn sách còn lưu truyền đến ngày nay. "Bà chúa Chè" Đặng Thị Huệ chết trong cô lạnh năm 1784, sau chồng hai năm. Danh xưng "Bà chúa Chè" cho đến ngày nay dân Kinh Bắc thỉnh thoảng nhắc lại cũng chỉ là để nhớ đến một cô thôn nữ bằng sắc đẹp đảo quốc nghiêng thành của mình, đã làm tan hoang một cơ nghiệp lừng lẫy mà thôi.

Tượng “Bà chúa Kim Cương” - Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc. (Ảnh: VNFAM)

Bà chúa thứ ba được dân Kinh Bắc hết sức trọng vọng, khói hương thờ cúng quanh năm kể từ khi bà mất đi và để di cốt trên đất này là “Bà chúa Kim Cương” - Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (1595 - 1660).

Bà sinh ở kinh thành Thăng Long, là con gái của chúa Trịnh Tráng, trước đó đã lấy một đời chồng là Cường quận công Lê Trụ, có một con gái sau được phong làm công chúa Lê Thị Duyên. Quận công Lê Trụ phạm tội bị bắt giam rồi chết. Đến khi Lê Thần Tông lên ngôi vua (25 tuổi), chúa Trịnh Tráng khi ấy bèn đem con gái mình đã một đời chồng, có con riêng gả cho vua Lê Thần Tông làm hoàng hậu! Thế mới biết cái độ bù nhìn rơm của các ông vua triều Lê sau này mục nát cỡ nào qua vụ hôn nhân cưỡng ép đó! Chính Lê Thần Tông cũng bảo các triều thần khi họ can gián vụ hôn nhân này: “Thôi lấy gượng cho xong việc vậy!”. Và qua đó ta càng củng cố cái nhận định xưa nay là, làm ông hoàng bà chúa nhiều khi cũng chả sung sướng gì, đến hôn nhân đại sự của mình cũng có định đoạt được đâu.

Nhưng bà Trịnh Thị Ngọc Trúc lại không cam chịu. Bởi bà là một người đàn bà thông minh và có phong cách cao quý khác thường. Đến linh mục phương Tây Alexandre de Rhodes còn mô tả bà trong sách lưu lại đến nay, ca tụng hết lời về vẻ đẹp, phong thái, đạo hạnh và trí tuệ rực rỡ của bà.

Năm 1643, bà đến tu ở chùa Ninh Phúc tự, tức chùa Bút Tháp, thuộc thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh. Và bà đã phát tâm công đức kêu gọi trùng tu lại ngôi chùa này. Đến nay, chùa Bút Tháp vẫn được coi là ngôi chùa cổ đẹp nhất xứ Bắc mà mọi kiến trúc của nó hầu hết được xây dựng lại từ thời kỳ đó. Bà có một người bạn tâm giao đó là nữ trạng nguyên đầu tiên của nước ta, bà Nguyễn Thị Duệ, người xứ Đông làm nữ quan trong triều. Tương truyền hai bà thường xuyên gặp gỡ đàm đạo thơ văn tại chùa này. Trong thời gian tu hành tại chùa, ngoài những tác phẩm văn thơ nay còn lưu, bà Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc còn dành thời gian viết, chú giải cuốn Chỉ Nam Ngọc Âm. Đây là cuốn sách có thể gọi là từ điển bách khoa toàn thư, giải nghĩa rất nhiều từ ngữ, nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực bằng song ngữ Hán - Nôm. Cuốn sách này hiện nay vẫn còn và vẫn có giá trị sử dụng lớn. Có lẽ bà chính là người phụ nữ Việt đầu tiên viết một cuốn sách kiểu như vậy.

Bìa Chỉ Nam Ngọc Âm giải nghĩa

Năm 1660, bà mất tại đây. Di cốt bà được lưu lại chùa. Con gái bà cùng nhiều hoàng tử công chúa khác cũng về tu tập tại đây và khi mất cũng lưu di cốt lại nơi đây. Ngày nay, du khách đến thăm chùa sẽ thấy có một ngôi nhà hậu riêng để dành thờ cúng bà cùng các con cháu hoàng gia khác.

Điểm qua câu chuyện tình duyên, câu chuyện cuộc đời của ba “bà chúa” vùng Kinh Bắc: “Bà chúa Dâu”, “Bà chúa Chè”, “Bà chúa Kim Cương” và nhớ đến vô khối những câu chuyện về những người đàn bà đẹp và giỏi của xứ Kinh Bắc xưa nay khác, ta bỗng nhận ra một điều, mọi ngôi cao vua chúa, mọi danh vị, mọi vinh hoa phú quý, sắc đẹp, châu báu ngọc ngà… tất cả theo thời gian rồi sẽ như lớp bụi thoảng qua mà thôi. Chỉ có trí tuệ và đạo đức của con người qua thời gian càng sáng rõ, được phủi những lớp bụi mờ về nguyên bản lộng lẫy mà thôi. Nên không phải ngẫu nhiên mà dân vùng Kinh Bắc từ lâu lại trân trọng tôn phong người đàn bà trí tuệ, đức hạnh Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc là “Bà chúa Kim Cương”! 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top