Aa

Muôn hình vạn trạng kiểu về hưu

Thứ Hai, 08/03/2021 - 07:00

Về hưu, cũng muôn hình vạn trạng. Và cũng về hưu mới biết, hàng bao nhiêu người chứ ít gì, mỗi người chọn cho mình một cách sống, cách an nhàn, cách hưởng thụ... tùy hoàn cảnh và môi trường sống của mình...

Tôi về hưu được 3 năm rồi. Bạn bè cùng lứa tất nhiên cũng thế. Về, mỗi đứa mỗi vẻ, vui lắm...

Các bác làm quan to, ngày trước thường là đẻ ra một cái hội hè gì đấy, về thì chuyển sang ngồi, coi như vẫn đi làm. Cái cách làm việc của mình nó đẻ ra một loại công chức về nhà là ngơ ngơ như ngỗng, bị vợ sai vặt cũng chả biết đường nào mà lần, nhưng ở cơ quan thì hét ra lửa. Thế nên rất sợ về hưu. 

Ngay giới văn chương, báo chí cũng vừa ồn lên chuyện các bác tới tuổi mà không chịu về còn gì? Chuyện "dân gian" còn kể, có bác về rồi nhưng không chịu giao chìa khóa phòng, cơ quan cũ cũng "kinh", không dám đòi nhưng để bác... hạn chế đến, bèn niêm phong phòng lại. Có bác thì sáng sớm mặc quần áo xách cặp ra cổng đứng, quá giờ vợ ra kêu: "Vào ăn sáng đi", mới giật mình lủi thủi vào, v.v... Thì thiên hạ kể thế. Mà thiên hạ thì giờ cũng... thiên hạ lắm.

Một hôm đi ăn cưới, tôi chỉ một ông quen quen, hay lên ti vi tỉnh, hỏi người bên cạnh: Ông kia hình như về hưu rồi? Sao ông biết? À vì dạo này thấy ông ấy rất hay... đi bộ. Quả là, đi bộ chăm chỉ là một chỉ dấu chứng tỏ mấy bác đã về hưu.

Tôi thì nói thật, đòi về hưu từ 3 năm trước tuổi, nhưng không được duyệt dù đã viện dẫn đủ tài liệu chứng minh là mình đủ tiêu chuẩn về hưu sớm. Thế nên đến đúng ngày đúng tháng, nhận cái quyết định, mừng hơn ngày đầu tiên đi làm nữa. Hai anh bạn tôi cũng thế, một anh Giám đốc trung tâm, một anh Hiệu trưởng trường cao đẳng, đều "tìm mọi cách" về hưu trước tuổi và họ được toại nguyện.

Thế là lại có cái hội hưu, từng nhóm chơi với nhau. Sáng cà phê phin, chiều "cà phê chai" - là bia ấy ạ. Cái hội anh bạn cũng vui, cứ 15 giờ chiều là gặp nhau ở cái gốc nhãn nguyên là quán cà phê, mỗi anh 2 chai bia Sài Gòn, hội này lại chỉ bia chai Sài Gòn, một đĩa lạc rang, xong là về ăn cơm với vợ.

Tôi thì có một công việc bán thời gian sau hưu, nhàn và hợp với chuyên môn, hợp với cả những ý tưởng mà suốt bao nhiêu năm làm nhà nước không thực hiện được. Hôm nọ ngồi uống bia 15 giờ chiều mỗi lần 2 chai ấy, lão "bạn cùng tiến" nói: "Ông có việc làm sau hưu thì mừng cho ông, nhưng đi lâu quá thì bọn tôi cũng... buồn. Ơ mà cũng may là tôi quen ngay nhé. Quen sống một mình, quen không bia bọt. Sáng 6 giờ 30 đi ăn, trưa 12 giờ và tối 18 giờ 30, ăn xong về phòng, một mình, đọc và viết, rồi ngủ. Hôm sau lại thế. Người ta phải bỏ ra cả chục triệu để vào ngủ một đêm cái nơi mình ở cả tháng ấy, mà mình cứ dửng dưng. Thậm chí cái giường ngủ cũng chỉ nằm... một góc. Chỉ góc ấy, nhân viên dọn phòng rất nhàn, vào dắt góc chăn ấy vào, thế là xong...

 

Thì đã bảo, về hưu mỗi người một thú vui. Có đứa thì xuống vườn. Có cái vườn chó duỗi chân thừa đuôi, hôm nào cũng xuống, hôm sau thì nhổ chỗ cây trồng hôm trước trồng sang chỗ khác, cứ thế ngày này sang ngày khác, thành người làm vườn chuyên nghiệp và vĩ đại. 

Có đứa lập hội... nhậu. Xoay vòng, mỗi chiều một nhà, hết vòng quay lại. Có đứa thích... lĩnh lương. Thay vì để họ chuyển tiền hưu vào ATM thì lại cứ để đấy, rồi hồi hộp chờ ngày... lĩnh lương. Hôm ấy dậy sớm, tắm rửa rồi... ra xếp hàng lĩnh lương, vừa xếp hàng vừa cằn nhằn chê bai nhà nước cả trăm năm vẫn không cải tiến việc phát lương hưu. Rồi đếm tiền lộn, tờ 2 chục thành 500, tờ 5 chục thành 200, cãi nhau ỏm tỏi. Về lại ngồi đếm tiền, rồi cất, rồi lại... hồi hộp chờ ngày lĩnh lương tháng sau...

Đọc "phây", thấy mấy ông bạn nhà văn về hưu nhưng vẫn sung sức mà mừng. Có ông thì sáng nào cũng ra sông Hồng bơi, mà là bơi... nuy. Có cái bãi bơi nuy của các bố thích tự do. Người cứ lẳn chắc như thanh củi. Có bác gần 80 vẫn lái xe veo véo, bạn bè ới là giờ nào cũng leo lên ôm vô lăng. Ông khác thì làm cố vấn cho tới mấy tờ báo, được phóng viên trẻ gọi là bố, là thầy, mặt mũi lúc nào cũng phây phây như thường xuyên được uống sâm Ali Pát...

Và đa phần các nhà văn, nhà báo, khi về hưu là lúc bắt đầu họ viết. Bởi khi đi làm có ai được nhận lương để viết đâu, mà là để làm công chức, viên chức. Nhà văn Tạ Duy Anh về hưu là công bố cái tiểu thuyết "Đất mồ côi" mà không kinh à. À nhân nhắc thế lại nhớ chị Nguyễn Thị Xuân Phượng, ra cuốn "Gánh gánh gồng gồng" lúc 92 tuổi, vừa được cả Hội Nhà văn Việt Nam lẫn Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh trao giải thưởng. Chưa cần nhớ để viết, chưa cần viết cho đúng chính tả, đúng ngữ pháp ở tuổi ấy, chứ đừng nói văn, chỉ nguyên việc chị vẫn nói chuyện sang sảng bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài là hết sức nể rồi... 

Tạp chí Văn nghệ Quân đội có cái lệ hay là, lập hẳn một ban sáng tác trong tạp chí, bác nào thích viết, không thích làm quản lý, làm biên tập, thì về đấy ngồi, và viết... Thế nên hay là, nhiều nhà văn chưa tới tuổi hưu nhưng cần viết, về đấy ngồi viết, một cách chuyên nghiệp hóa nhà văn.

Mấy hôm nay lại đang có cuộc phát động tuần lễ áo dài. Cái quảng trường Pleiku chỗ tôi hay đi bộ sáng chiều lúc nào cũng dập dìu áo dài các kiểu. Té ra phần lớn trong số ấy là các chị, các bà đã về hưu. Các mẹ mang áo dài ra mặc rồi kéo nhau đi chụp ảnh, như một cách níu giữ thời gian và nhan sắc. Nhóm xịn thì thuê thợ ảnh, nhóm nhàng nhàng thì tự chụp bằng điện đoạn, có chi mô nơ, đằng nào thì mục đích chính cũng để... nuôi phây. Mà phây thì ăn tạp, ảnh chụp bằng máy chuyên nghiệp hay máy điện thoại đều chấp nhận hết. Nó lại còn cái app gì đấy làm cho ai cũng như trẻ ra chục tuổi, mặt mũi láng o như vừa ở thẩm mỹ viện ra. 

Mà kể, áo dài ngày càng được cải tiến để thuận lợi khi mặc. Tôi là người cổ vũ và yêu thích áo dài Việt, nhưng từng bị một cô giáo trách: Anh cứ thử mặc áo dài một buổi rồi đứng lớp xem? Là cái áo dài cũ ấy, nó bó cứng người, nhờ thế nó là... áo dài, bởi nó tôn lên hết những đường cong những khối tròn, những khe những rãnh những hõm đẹp đến chết người, đến "giết" người... 

Nhưng mặc ít thì được, chứ liên tục thì khổ. Thì đây, giờ áo dài cải tiến, rộng rãi thoải mái, thậm chí có cái ngắn tũn sát đùi. Tất nhiên nó không còn có những eo những khe những lồi những lõm để bắt chết mắt, bắt chết hồn như cũ, bù lại, nó vẫn là áo dài, nó vẫn thướt tha, nhìn xa nó vẫn xanh đỏ mềm mại quyến rũ. Thế nên các bà các chị về hưu chuộng loại áo dài này. Cao thấp béo lùn tròn vuông chữ nhật... nó cân được hết, lên phây cứ lung linh mọi nhẽ, cần nữa, các loại app, xong luôn...

Thì về hưu, muôn hình vạn trạng. Và cũng về hưu mới biết, hàng bao nhiêu người chứ ít gì, mỗi người chọn cho mình một cách sống, cách an nhàn, cách hưởng thụ... tùy hoàn cảnh và môi trường sống của mình./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top